Gan là cơ quan rất dễ bị tổn thương do thường xuyên phải tiếp xúc và xử lý các chất độc. Khi các yếu tố độc tấn công mạnh hơn cơ chế tự bảo vệ, gan sẽ dần bị hủy hoại và bị xơ hóa gọi là xơ gan. Xơ gan là một bệnh mạn tính của gan mà trong cơ quan này, tế bào gan bình thường được thay thế bởi mô xơ và nguy hại là nhiều chức năng của gan bị suy giảm trầm trọng. Xơ gan không được phát hiện sớm điều trị sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của bệnh ung thư gan.
Các yếu tố tấn công gan đưa đến xơ gan: viêm gan do rượu, viêm gan do nhiễm siêu vi (siêu vi B, C…), viêm gan do thuốc (như: thuốc INH chống lao, methyldopa chữa tăng huyết áp, aminazin điều trị tâm thần…), nhiễm độc hóa chất (thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, chì, phốtpho…)…
Một vấn đề quan trọng khác khiến bệnh xơ gan trở nên nguy hiểm là giai đoạn đầu của bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu và rõ rệt. Một số ít bệnh nhân có thể có các triệu chứng không đặc hiệu như: đau hạ sườn phải, trướng bụng nhẹ, ăn uống kém, ăn không ngon, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi kéo dài. Bệnh chỉ có thể phát hiện được sớm nhờ siêu âm hay xét nghiệm máu (tiểu cầu thấp, albumin máu giảm, bilirubin tăng, giảm chức năng đông máu). Chính vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan, không thăm khám mà vẫn sinh hoạt, lao động bình thường, sử dụng các chất kích thích hoặc để các yếu tố gây hại cho gan như virút, gan nhiễm mỡ tiếp tục phá hủy gan. Giai đoạn này thường kéo dài nhiều năm cho đến khi bệnh có biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân mới đi khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khó chữa.
Xơ gan được chia làm 2 loại xơ gan còn bù và xơ gan mất bù:
Xơ gan còn bù:giai đoạn đầu của bệnh xơ gan, lúc này gan vẫn còn chức năng khá tốt mặc dù đã hình thành các nốt sẹo của gan. Cơ thể có thể biểu hiện các triệu chứng lâm sàng một cách mờ nhạt.
Xơ gan mất bù:giai đoạn cuối của xơ gan (xơ gan cổ trướng). Lúc này cấu trúc của gan đã bị hư hỏng nặng nề và gây rối loạn chức năng gan của cơ thể. Bệnh nhân xơ gan mất bù có thể phát triển thành ung thư gan, biểu hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Nếu đang ở giai đoạn đầu (xơ gan còn bù), có thể yên tâm là bệnh hoàn toàn chữa trị và phục hồi được. Còn khi xơ gan đã vào giai đoạn cuối, bạn cần lập tức tiến hành điều trị. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, dù đã bước vào giai đoạn mất bù, việc điều trị cũng có thể giúp xơ gan ngưng tiến triển, duy trì chất lượng sống cho bệnh nhân đồng thời ngăn ngừa các biến chứng.
Dù ở giai đoạn xơ gan nào, nguyên tắc chung khi điều trị xơ gan vẫn là làm giảm các yếu tố tấn công và tăng cường các yếu tố bảo vệ gan. Các cách giảm yếu tố tấn công thường gặp: diệt siêu vi viêm gan b hoặc C, giảm mỡ trong gan, tránh sử dụng các thuốc có hại cho gan, tránh tiếp xúc với hóa chất, kiêng tuyệt đối rượu bia…
Riêng đối với thuốc, người bị xơ gan phải rất thận trọng, không được dùng bừa bãi, chỉ dùng thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ đang điều trị bệnh mình.
Để hồi phục chức năng gan, dự phòng các biến chứng, bác sĩ có thể cho người xơ gan dùng những thuốc như: thuốc trị rối loạn đông máu, truyền huyết tương tươi nếu có nguy cơ chảy máu, truyền albumin, thuốc tăng đào thải mật, thuốc là các axít amin đặc biệt, thuốc lợi tiểu…
Lưu ý có nhiều thuốc rất hại gan, tốt nhất không dùng cho người bị xơ gan như: paracetamol (nhất là dùng cao hoặc quá dày giữa các lần uống), thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, indomethacin, naproxen, meloxicam, tenoxicam…), thuốc nhóm opioid (morphin, pethidin, fentanyl, codein, dextromethorphan… làm tăng hôn mê gan), các kháng sinh (nhóm bêta-lactam, nhóm macrolid, nhóm quinolon…), thuốc kháng histamin (clorpheniramin, promethazin, diphenhydramin, dimenhydrinat…)…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!