Ðề phòng viêm phổi dị ứng do nấm

Cần biết - 11/28/2024

Trong thời tiết lạnh, nhiều người có nguy cơ phát triển mắc bệnh bệnh viêm phổi dị ứng do nấm Aspergillus là 'thủ phạm'.

Có những loại nấm gây viêm phổi dị ứng, đó là chủng Aspergillus. Loại nấm này ít khi gây bệnh ở người bình thường, nhưng lại gây bệnh nặng ở bệnh nhân có sẵn bệnh phổi mạn tính. Mùa đông lạnh, bệnh có nguy cơ phát triển nên cần chú ý phòng tránh nhiễm nấm.

Hít thở phải nấm sẽ mắc bệnh

Nếu bạn hít phải các bào tử nấm, chúng sẽ gây ra một sự nhiễm khuẩn hoại sinh thoáng qua. Nhưng ở những người có sẵn bệnh phổi, nấm có thể phát triển và gây bệnh. Với dạng hoại sinh, nấm này phát triển hệ sợi phức tạp, hình thành những thể sinh sản đặc thù chứa những bào tử có đường kính 3mm. Khi xâm lấn, nấm tạo ra những sợi nấm có vách mang nhiều sợi nhỏ có những điểm phân nhánh 45o rất đặc trưng.

Viêm phổi dị ứng do Aspergillus (ABPA) là một bệnh phổi mẫn cảm với kháng nguyên Aspergillus. Tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất ở lứa tuổi 40 - 50, nhất là ở những bệnh nhân mắc hen phế quản cơ địa dị ứng.

Một nghiên cứu tại Anh cho thấy, tỷ lệ mắc ABPA gia tăng trong mùa đông khi số lượng bào tử Aspergillus trong không khí lên cao nhất.

Ðề phòng viêm phổi dị ứng do nấm

Nấm Aspergillus gây bệnh viêm phổi dị ứng (Ảnh: Internet)

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Sau khi hít phải nấm, nếu mắc bệnh, thường có các dấu hiệu như sau: lúc đầu có một tình trạng co thắt phế quản từng thời kỳ, sau các triệu chứng có xu hướng trở thành mạn tính. Bệnh nhân ho khạc đờm có nút nhầy, có khi ho ra máu, có những giai đoạn sốt từng cơn, đau ngực và thường có viêm phổi tái phát. Khám thấy thở khò khè và nhiều ran ngáy.

Trên phim chụp Xquang phổi có thể thấy thâm nhiễm thoáng qua, thường gặp hơn ở những vùng trên của phổi; hay thấy hình ảnh các nút nhầy là những khối mờ đồng nhất phân nhánh điển hình, hay hình ảnh 'đường rail' và hình 'nhẫn' là do vách phế quản dày lên.

Chụp phế quản có cản quang hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể xác định giãn phế quản trung tâm đặc trưng của bệnh. Xét nghiệm máu thấy tăng bạch cầu đa nhân ái toan. Ở những nút nhầy do bệnh nhân khạc ra có màu nâu nhạt, nếu nhuộm soi sẽ thấy nhiều bạch cầu đa nhân ái toan và các thành phần sợi nấm. Nếu cấy đàm thấy nấm phát triển 60 - 100%.

Bệnh nhân có biểu hiện mẫn cảm da tức thì (type I) và muộn (type III) đối với kháng nguyên Aspergillus từ 87 - 100%. Chức năng phổi bị suy giảm: có tắc nghẽn khí đạo; hội chứng hạn chế, giảm khả năng khuếch tán CO2 xuất hiện khi bệnh kéo dài.

Các nhà chuyên môn nêu ra 4 dấu hiệu chủ yếu để chẩn đoán ABPA là: có hình ảnh thâm nhiễm trên phim Xquang lồng ngực tái phát nhiều lần; tăng bạch cầu đa nhân ái toan trong máu hoặc đàm; hen phế quản; sự mẫn cảm da tức thì và trễ đối với các kháng nguyên Aspergillus.

Phương pháp điều trị bệnh

Trong điều trị ABPA thường dùng thuốc steroid, thuốc giãn phế quản và cromolyn sodium. Việc dùng steroid toàn thân giúp kiểm soát hoàn toàn các biểu hiện lâm sàng. Trong vài ngày đầu, thường dùng liều steroid tương đối cao, các triệu chứng lâm sàng sẽ biến mất và hình ảnh Xquang được cải thiện, kháng thể IgE huyết thanh giảm.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn chưa xác định được thời gian sử dụng steroid tối ưu, nên trong điều trị, chỉ dùng cho tới khi hình ảnh thương tổn trên Xquang phổi được xóa sạch. Ở một số bệnh nhân, việc sử dụng các corticosteroids hít với liều cao, cho phép ngưng dùng các steroids uống. Các loại thuốc itraconazole và ketoconazole cũng cho kết quả tốt trong điều trị ABPA.

Vấn đề kiểm soát tiến trình viêm nhiễm rất quan trọng, một số bằng chứng cho thấy giai đoạn thâm nhiễm phổi kéo dài hoặc lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến giãn phế quản và xơ phổi.

Vì vậy, ở những bệnh nhân có co thắt phế quản nhẹ, khi đã xóa sạch thương tổn trên hình ảnh Xquang cho phép giảm liều steroid và chuyển sang khống chế triệu chứng co thắt phế quản bằng thuốc giãn phế quản hoặc các steroids dạng hít.

Cần chú ý sự chênh lệch giữa các biểu hiện lâm sàng và những thay đổi trên phim Xquang, trong đó chú ý hình ảnh thương tổn trên phim Xquang báo hiệu cần sử dụng lại steroid toàn thân. Nếu xét nghiệm thấy gia tăng mức IgE trong huyết thanh cũng có thể cảnh báo một đợt tiến triển của bệnh đòi hỏi phải sử dụng steroid.

Bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm, quản lý đúng mức, bệnh ABPA có tiên lượng tốt, thường đạt được sự thuyên giảm và ổn định lâu dài.

Phòng bệnh vẫn là cách tốt nhất

Trên thực tế, bệnh phổi dị ứng do Aspergillus mà dùng phương pháp điều trị giải mẫn cảm không có giá trị, vì vậy bệnh nhân phải biết cách phòng bệnh bằng việc tránh đến những nơi có chất hữu cơ thối rữa, do ở đó có rất nhiều nấm Aspergillus.

Vì nấm Aspergillus thường gây bệnh ở những người có bệnh phổi sẵn như hen phế quản, do đó bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính cần thường xuyên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hay khi làm việc, tiếp xúc với bụi bẩn, tiếp xúc với xác động, thực vật thối rữa để tránh hít phải nấm.

Do số người mắc bệnh ABPA gia tăng trong mùa đông khi số lượng bào tử Aspergillus trong không khí lên cao nhất, nên mọi người cần phòng tránh bệnh bằng cách mặc ấm, dùng khẩu trang để tránh nhiễm nấm. Tránh hít các chất dễ gây dị ứng như mùi xăng dầu, hóa chất, bụi đường, bụi nhà, phấn hoa, mỹ phẩm. Tránh ăn thức ăn lạ dễ gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, gạo, ngô, lạc đã bị ẩm mốc.

>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng chung

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!