Nắn chỉnh hay bó bột là phương pháp điều trị gãy xương bảo tồn trong trường hợp gãy đơn giản, không hoặc ít di lệch. Nhiều trường hợp gãy xương ít di lệch nhưng có nguy cơ biến chứng thì cần cân nhắc bó bột.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, biến chứng gãy xương có thể xảy ra trong tất cả trường hợp. Khi xác định bó bột phải xem có biến chứng gãy xương kèm theo hay không. Bó bột dẫn đến hoại tử chi có thể gặp trong một số trường hợp gãy xương gây ra biến chứng chèn ép khoang và biến chứng tổn thương mạch máu. Chẳng hạn gãy mâm chày có thể dẫn đến hội chứng chèn ép khoang sớm, tổn thương mạch máu, động mạch khoeo.
Theo tiến sĩ Phú, những trường hợp này giai đoạn đầu tiên không bao giờ bó bột kín mà làm một máng bột bên dưới để giữ cố định xương, theo dõi ít nhất 48 tiếng. Còn phần mềm phía trên vẫn quan sát được màu sắc của da, có thể theo dõi mạch, đánh giá tình trạng để không gây ra hội chứng chèn ép do bột. Nếu lỡ bó bột kín cũng phải xẻ rạch dọc một đường giúp thông thoáng.
Nữ sinh lớp 10 sau nhiều ngày bó bột do gãy mâm chày, động mạch nuôi cẳng chân phải bị tắc hoàn toàn, hoại tử lan rộng, các bác sĩ phải mổ cắt bỏ 1/3 dưới đùi phải để giữ tính mạng bệnh nhân. Ảnh: T.N
Trong gãy xương, biến chứng sớm có thể đe dọa trực tiếp tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời, cũng như di chứng muộn gây tàn phế nếu điều trị không đúng phương pháp ngay từ đầu. Một số sớm biến chứng thường gặp của gãy xương:
Sốc do mất máu và đau đớn
Tình huống này có thể gây tử vong nếu sơ cứu ban đầu không đúng, bất động xương không vững chắc, thường xảy ra ở các xương dài, lớn như xương đùi, xương chậu, cẳng chân. Lượng máu mất có thể đến cả lít, bệnh nhân sẽ suy sụp tuần hoàn nếu không được truyền máu và cố định xương kịp thời. Cố định xương ban đầu và gây tê ổ gãy đúng phương pháp sẽ giúp bệnh nhân thoát sốc.
Tắc mạch máu do mỡ
Khi bị gãy xương, đặc biệt là xương dài và gãy nhiều xương, lượng mỡ từ tủy xương chảy ra gây tăng áp lực và ngấm trở lại vào máu. Diễn tiến lâm sàng là bệnh nhân kích thích, vật vã, lơ mơ, khó thở và dần dần đi vào hôn mê. Toàn thân xuất huyết dưới da, kết mạc mắt... kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn đông máu. Biến chứng này có thể gây tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời.
Chèn ép khoang
Gãy xương gây tổn thương mạch máu, cơ và thần kinh. Lượng máu chảy ra gây tăng áp lực và chèn ép khoang. Hậu quả có thể gây hoại tử chi bên dưới nếu không chẩn đoán kịp thời. Một vài trường hợp chi sưng to được cho là gãy xương thông thường và bó thuốc nam hoặc bó bột, dẫn đến thâm tím chi, phải cắt cụt thì mới cứu được tính mạng bệnh nhân.
Viêm xương, gãy xương hở
Đầu nhọn của xương gãy có thể đâm thủng da biến gãy kín thành gãy hở. Vết thương dập nát và dính nhiều di vật (đất, cát...) xung quanh ổ gãy xương. Nên đến cơ sở y tế để được cắt lọc mô bầm dập và loại trừ dị vật nếu có, sau đó diều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.
Tổn thương mạch máu, thần kinh
Gãy xương đầu có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh lân cận. Mức độ tổn thương có thể bầm dập hoặc đứt thần kinh, mạch máu. Nếu không phát hiện biến chứng này có thể đưa đến liệt, mất chức năng hoặc phải cắt cụt chi.
Một số biến chứng muộn của điều trị gãy xương là khớp giả, chậm lành xương, can xương lệch. Thường xảy ra khi điều trị không đúng phương pháp, cố định lỏng lẻo, bó thuốc nam mà không được nắn chỉnh hoặc bệnh nhân tự ý tháo bột sớm... Bệnh nhân không đau đớn nhiều nhưng chi không sử dụng được, đi lại không bình thường hoặc xương lành trong trạng thái lệch trục, bị cong gây mất thẩm mỹ.
Lưu ý sau khi bó bột
Không nên vận động, di chuyển nhiều trong thời gian bó bột. Nếu cảm thấy bột quá chặt hay quá lỏng, xuất hiện tình trạng bất thường cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh nhân có triệu chứng đau tức, tê rần các đầu ngón, đau dữ dội tăng dần lên, có dấu hiệu sốt, cảm giác như kiến bò ở các đầu chi thì phải ngay lập tức vào bệnh viện, không nên chờ lâu. Đó là những dấu hiệu có sự chèn ép do bó bột, có thể dẫn đến hoại tử nếu không xử trí kịp thời. Không nên nghĩ rằng sự đau tức này là do gãy xương mà nó xuất phát từ sự chèn ép trong bột, nên vào bệnh viện để bác sĩ xử lý.
Một số trường hợp như gãy mâm chày, xương đầu gối, bệnh nhân sẽ được lưu lại theo dõi ở bệnh viện ít nhất trong 24 đến 72 giờ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!