Giáo dục truyền thống cho trẻ em Nhật Bản

Làm mẹ - 05/06/2024

Giáo dục ý thức tự lập từ nhỏ và tình yêu lao động đã trở thành truyền thống trong nhà trường ở Nhật Bản.

Trung tâm nông nghiệp Nagoya giống như một khu công viên rộng lớn với nhiều loại cây, hoa và vật nuôi. Là ngày nghỉ cuối tuần nên rất đông người đến xem, chủ yếu là trẻ em. Vừa lái xe đưa chúng tôi vào thăm khu nuôi bò sữa, Giáo sư Kimura vừa giải thích: Để giúp trẻ em thành phố hiểu biết công việc của những người nông dân và có điều kiện tiếp xúc với các con vật cùng cuộc sống của chúng, các thành phố của Nhật đều xây dựng các trung tâm nông nghiệp. Đến đây, các em nhỏ có thể tận mắt nhìn thấy chú gà con xinh xắn chui ra từ vỏ trứng hoặc vuốt ve những chú dê con, thỏ con, rồi ngồi lên những quả bí đỏ nặng vài chục cân, ngắm nghía những bông hoa hồng đủ màu sắc do lai tạo. Nơi đây người ta cũng dạy cho trẻ biết: Cốc sữa các em uống hàng ngày là do những chú bò kia mang lại, chiếc bánh làm từ gạo các em ăn là do các bác nông dân làm ra…

Giáo dục truyền thống cho trẻ em Nhật Bản

Ảnh minh họa

Giáo dục ý thức tự lập từ nhỏ và tình yêu lao động đã trở thành truyền thống trong nhà trường ở Nhật Bản. Điều này đã tạo ra nhiều lao động có trình độ học vấn cao và có năng lực giúp đất nước ‘mặt trời mọc’ đạt được tăng trưởng kinh tế diệu kỳ, làm cả thế giới phải thán phục. Sang Việt Nam mở Trường mầm non tư thục Hoa Anh Đào nuôi dạy trẻ em Nhật Bản tại Hà Nội, cô giáo Sakura và các đồng nghiệp đã để lại ấn tượng đẹp cho khách bởi phương pháp giảng dạy và tinh thần trách nhiệm. Chỉ ở độ tuổi 3, 4, song tất cả các cháu đều tự lập từ việc ăn, uống, rửa tay, vệ sinh cá nhân đến việc trải đệm, đi ngủ.

Lễ tốt nghiệp của trường mới đây cũng được tổ chức rất trang trọng và cảm động, chẳng khác gì lễ tốt nghiệp của các sinh viên đại học. Các bé mặc âu phục chỉnh tề, cà vạt đứng nghiêm nghe cô giáo đọc lời nhận xét quá trình học tập. Sau đó được tặng hoa, trao bằng tốt nghiệp rồi phát biểu cảm tưởng. Không chỉ có vậy, các học kỳ, trường còn tổ chức các hội thi múa hát, thể dục thể thao, vẽ tranh và triễn lãm tranh theo các chủ đề. Sakura bảo rằng, ở Nhật, lễ tốt nghiệp được coi là dấu ấn rất lớn trong cuộc đời, vì vậy phải làm rất chu đáo, trang trọng. Nghiệm ra, việc gì người Nhật cũng chi li, tinh tế, ngăn nắp.

(Lược trích)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!