Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết năm 2016 toàn thành phố phát hiện 15 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn, tăng 200% so với năm 2015, trong đó nam giới chiếm trên 70%.
Mặc dù không có trường hợp mắc liên cầu lợn tử vong nhưng bệnh đã để lại biến chứng rất nghiêm trọng đến thính giác, 10/15 bệnh nhân bị điếc sau khi điều trị. Họ là những người tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với thịt lợn.
Liên cầu khuẩn lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, chất bài tiết, ăn sản phẩm từ lợn chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là tiết canh. Bệnh thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cao.
Tiết canh, lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe. Ảnh: Diệp Sa.
Để phòng tránh bệnh, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân. Thịt lợn phải được nấu chín trước khi ăn và tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt sống.
Sau khi ăn thịt hoặc tiếp xúc với lợn, nếu xuất hiện triệu chứng sốt cao, nhức đầu, nôn nhiều, đau họng, bạn cần đến khám ngay ở cơ sở y tế. Khi giết mổ lợn hoặc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, người dân phải sử dụng đồ bảo hộ. Không mua bán, giết thịt, ăn thịt lợn bệnh và chết.
Đặc biệt những người có vết thương hở không nên tiếp xúc hoặc tham gia giết mổ, chế biến thịt lợn. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn ở nơi tin cậy, có đóng dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Giữ vệ sinh và ăn chín là cách tốt nhất để phòng bệnh liên cầu lợn ở người.
Người chăn nuôi lợn nên chọn con giống rõ nguồn gốc, thực hiện vệ sinh phòng bệnh, khử trùng tiêu độc, tiêm phòng các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!