Giữ vệ sinh đề phòng giun sán

Kỹ năng sống - 05/07/2024

Để xử lý giảm triệu chứng ngứa có thể dùng một số kem thoa chống ngứa tại vùng nhiễm.

Câu hỏi 1: Cháu chào Bác sĩ. Năm nay cháu 15 tuổi, là nữ giới. Cháu bị mắc bệnh giun kim. Năm nào cháu cũng uống thuốc tẩy giun 6 tháng một lần. Nhưng chỉ có 3-4 tháng sau thì bệnh lại tái phát. Mỗi lần giun quần thường vào buổi tối, cháu cảm thấy rất khó chịu, nhiều khi còn có cảm giác tê đau ở hậu môn. Xin Bác sĩ của SongKhoe.vn cho cháu biết cách chữa trị hiệu quả ạ!

BS. Nguyễn Vũ Cẩm Tú, Viện Pháp y TƯ, trả lời:

Chào cháu,

- Loài ký sinh trùng giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis. Giun kim có chu kỳ đẻ trứng ở hậu môn nên gây ra triệu chứng ngứa rất khó chịu ở hậu môn, khiến người bệnh gãi dẫn đến bội nhiễm.

Giữ vệ sinh đề phòng giun sán

Ảnh minh họa

- Giun kim lây nhiễm qua đường ăn uống: do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ. 

- Tuy nhiên giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng:Trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành. Kiểu chu kỳ này hiếm gặp.

- Thuốc điều trị giun kim:mebendazole 500 mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. Hoặc dùng albendazole 400mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. 

Để xử lý giảm triệu chứng ngứa có thể dùng một số kem thoa chống ngứa tại vùng nhiễm.

Tuy nhiên do trứng và ấu trùng giun kim có thể khuyếch tán ở mọi nơi (chăn, chiếu, ghế ngồi, móng tay, đũng quần, khăn tay...) nên muốn bệnh không tái nhiễm thì việc phòng ngừa là hết sức quan trọng:

-Rửa hậu môn vào buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm.

-Không chơi ở nền đất bẩn; giữ tay sạch, cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

-Tất cả các vật dụng như giường, chiếu, áo gối thường xuyên đưa đi phơi nắng (nếu có thể).

-Điều trị đồng thời cho các thành viên trong gia đình, trong tập thể nếu có người bị nhiễm.

Trường hợp của cháu nếu dùng thuốc tẩy giun đinh kỳ mà không có kết quả thì cháu nên đi khám để được các Bác sĩ kê đơn thuốc đặc trị, đồng thời cũng cần điều trị cho người trong gia đình, kết hợp với những biện pháp phòng bệnh như đã nói ở trên.

Chúc cháu mau khỏi bệnh!

Câu hỏi 2: Xin chào Bác sĩ! Xin Bác sĩ làm ơn tư vấn giúp tôi triệu chứng đau bụng giun như thế nào? Và tôi nên làm gì? Xin cảm ơn Bác sĩ!

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, trả lời:

Chào bạn,

Nhiễm giun là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Theo thống kê, tại Việt Nam khoảng 80% bị nhiễm giun đũa, 52% nhiễm giun tóc, 32% nhiễm giun móc...

Đau bụng giun chỉ là một trong những triệu chứng của nhiễm giun. Đau bụng giun là đau quanh vùng rốn, đau từng cơn, đau tăng khi đói; cũng có trường hợp đau cả vùng thượng vị và đau bụng dưới.

Những biểu hiện kèm theo như đầy bụng khó tiêu, chán ăn, buồn nôn và nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có nhày hoặc máu.

Ở trẻ nhỏ có thể có triệu chứng tắc ruột do giun. Xét nghiệm phân sẽ thấy nhiều trứng giun. Ngoài ra, người bệnh có thể xanh xao, mệt mỏi do thiếu máu (thường do giun móc), lo âu, bứt rứt, kém tập trung, trí nhớ kém, nổi mề đay. Ở trẻ em, có thể bị suy dinh dưỡng, đầu to, bụng to, chậm lớn, ngứa hậu môn.

Giữ vệ sinh đề phòng giun sán

Ảnh minh họa

Khi bị nhiễm giun, người bệnh có thể mua thuốc giun về tẩy. Các loại thuốc tẩy giun trên thị trường hiện nay tương đối tốt, diệt được nhiều loại giun một lúc, bao gồm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim.

Việc phòng ngừa nhiễm giun cũng rất quan trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn phòng ngừa nhiễm giun:

- Uống nước đun sôi hoặc nước lọc.

- Thức ăn cần được nấu chín kĩ trước khi ăn.

- Trái cây cần được rửa sạch dưới vòi nước trước khi ăn, nếu thấy nghi ngờ thì nên gọt bỏ vỏ.

- Hạn chế ăn các loại rau sống, các món gỏi.

- Vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các loại vật nuôi, sau khi chăm sóc người bệnh.

- Tẩy giun định kì 6 tháng 1 lần.

Chúc sức khỏe!

 

SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.

 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!