Giúp bạn phòng ngừa và điều trị khi cholesterol cao

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Cholesterol là hợp chất quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể, nhưng lại gây ra bệnh tim mạch khi hàm lượng cholesterol cao.

Cholesterol là hợp chất đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của cơ thể, nhưng lại chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch. Vậy có cách nào giúp điều trị và phòng ngừa những căn bệnh này không? 

Hãy cùng Hello Bacsi tiếp tục theo dõi phần 2 để trang bị cho bản thân những biện pháp hữu ích để đối phó với tình trạng cholesterol cao bạn nhé!

Điều trị

Điều đầu tiên bạn nên làm là thay đổi lối sống, hình thành các thói quen tốt như tập thể dục và ăn uống lành mạnh để giảm thiểu hàm lượng cholesterol gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, trường hợp bạn đã áp dụng biện pháp này rồi nhưng mức cholesterol của bạn vẫn cao, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích về các loại thuốc tùy theo tuổi tác, sức khỏe hiện tại của bạn và các phản ứng phụ có thể xảy ra đối với cơ địa của mỗi người. Khi đã được bác sĩ kê toa thuốc phù hợp, bạn nên dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa

Bạn có thể phòng tránh tình trạng cholesterol cao bằng cách ăn uống lành mạnh, cân bằng chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc và cắt giảm rượu.

Chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều chất béo sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì các mảng chất béo sẽ tích tụ lại ở thành động mạch. Chính các mảng chất béo này là yếu tố có chứa hàm lượng cholesterol cao.

Có hai loại chất béo: chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa. Bạn nên tránh các thực phẩm có chứa chất béo bão hòa vì nó là nguyên nhân làm tăng lượng cholesterol xấu (lipoprotein mật độ thấp, hoặc cholesterol-LDL) trong máu.

Thực phẩm có chứa chất béo bão hòa bạn nên tránh bao gồm:

  • Bánh nhân thịt;
  • Xúc xích và mỡ thịt;
  • Bơ;
  • Ghee, một loại bơ thường được sử dụng trong nấu ăn Ấn Độ;
  • Mỡ lợn;
  • Kem;
  • Phô mai cứng;
  • Bánh và bánh quy;
  • Thức ăn chứa dừa hoặc dầu cọ.

Các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa được khuyến khích nên sử dụng bao gồm:

  • Cá dầu như cá thu, cá hồi và cá ngừ;
  • Trái bơ;
  • Các loại hạt và hạt giống;
  • Dầu hướng dương, dầu hạt cải và dầu ô liu.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống. Các thực phẩm giàu chất xơ như cơm, bánh mì, mì ống và nhiều loại trái cây, rau củ sẽ giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.

Hút thuốc

Bạn nên từ bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ bằng cách kết hợp trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để cai thuốc nhanh chóng.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể bạn sản sinh lượng cholesterol có lợi. Việc thừa cân có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu của bạn, vì vậy tập thể dục là một trong những cách để giảm cân. Một lợi ích khác của hoạt động thể dục thường xuyên là giúp giảm huyết áp bằng cách giữ cho tim và mạch máu luôn trong tình trạng ổn định. Luyện tập các môn thể thao như đi bộ, bơi lội và đạp xe 150 phút với cường độ vừa phải mỗi tuần được khuyến cáo để giúp giảm cholesterol.

Tóm lại, hàm lượng cholesterol cao trong cơ thể là nguyên nhân tiềm ẩn của rất nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn chọn cho mình cách sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên thì những căn bệnh nguy hiểm sẽ không còn là nỗi lo lắng của bạn nữa. Hello Bacsi hy vọng bài viết cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 8 sự thật về cholesterol không phải ai cũng biết!
  • Chất béo bão hòa
  • Kiểm tra ngay 8 dấu hiệu cho thấy bạn thiếu kali

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!