Gọt hàm: Liệu có 'vịt hóa thiên nga'?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bạn phải bỏ tiền trải qua đau đớn để có một chiếc cằm thon gọn nhưng cũng phải đối mặt những rủi ro, biến chứng.

Những năm gần đây, mặt V-line trở thành xu hướng của giới trẻ. Người cằm nhỏ cảm thấy tự tin vì mình xinh đẹp, hợp thời. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng khiến một bộ phận giới trẻ sở hữu cằm tròn, lớn… cảm thấy tự ti. Họ đã nhờ sự can thiệp của công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ để có được một chiếc cằm thon gọn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với những hậu quả khôn lường.

Các bước phẫu thuật gọt hàm

Gọt hàm: Liệu có 'vịt hóa thiên nga'?

Gọt hàm giúp khuôn mặt thon gọn, thanh tú hơn

Gọt hàm là phương pháp phẫu thuật cắt gọt, điều chỉnh các phần xương giúp khuôn mặt thon hơn. Tuy nhiên, phương pháp này vô cùng phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tư vấn và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định phương pháp phù hợp với thể chất và tình trạng của từng bệnh nhân.

Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tiến hành gây mê toàn thân. Theo kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ mổ bóc tách cơ trên mặt để can thiệp vào xương. Phần xương thừa được cắt bỏ, xương mặt còn lại được dũa cho láng đẹp. Cuối cùng là công đoạn khâu, băng mặt. Việc điều chỉnh xương mặt được thực hiện với sự trợ giúp của máy khoan, cắt chuyên dụng.

Hiện nay, hai phương pháp chủ yếu được sử dụng khi gọt hàm là xử lý bên trong vòm miệng và bên ngoài má. Phương pháp xử lý bên trong thường giúp khuôn mặt đẹp hơn do không để lại sẹo. Phương pháp còn lại khó hơn, dễ để lại sẹo và chi phí còn cao hơn.

Quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng vô cùng quan trọng. Sau phẫu thuật, phải chườm đá liên tục trong 2 ngày. Trong suốt 1 tuần, phải ép mặt bằng băng ép chuyên dụng. Gương mặt bị sưng trong nhiều tuần, phải 4-6 tháng sau thể trạng mới có thể hồi phục. Bên cạnh đó, người gọt hàm phải chịu những cơn đau thường xuyên, thuốc giảm đau đôi lúc không tác dụng.

Gọt hàm: Liệu có 'vịt hóa thiên nga'?

Nhiều cô gái chấp nhận bỏ nhiều tiền, chịu nhiều đau đớn để có khuôn mặt Vline hợp xu hướng

Tai nạn trên bàn mổ

Phẫu thuật gọt hàm vô cùng phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao. Chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình cũng có thể gây ra tai nạn trên bàn mổ. Ở mức nhẹ, ca phẫu thuật thất bại, bệnh nhân phải chịu những ảnh hưởng đến sức khoẻ, chấp nhận một khuôn mặt biến dạng khó chỉnh lại… Ở mức nặng, bệnh nhân có thể tử vong. Thực tế, không ít người đã từng phải một cái giá quá đắt sau khi gọt mặt, thậm chí có thể tử vong. Tai nạn thường xảy ra do bác sĩ có tay nghề kém, trang thiết bị không đầy đủ hoặc sức khoẻ bệnh nhân không đảm bảo…

Biến chứng sau phẫu thuật

Gọt hàm có thể dẫn tới nhiều biến chứng. Các trường hợp cằm lệch, sưng, phần cằm bị hoại tử… sau phẫu thuật không hề hiếm. Bên cạnh đó, nó có thể khiến bệnh nhân thiếu xương, hụt xương, chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh vùng mặt, gương mặt dị dạng hoặc tai biến do hôn mê sai cách… Biến chứng thường xảy ra do kỹ thuật phẫu thuật không đảm bảo, khâu chăm sóc chưa được chú trọng.

Ảnh hưởng sức khỏe sau phẫu thuật

Dù thất bại hay thành công, người phẫu thuật mặt vẫn phải chịu những ảnh hưởng xấu sau phẫu thuật. Sự thay đổi về xương hàm khiến bạn ăn uống khó khăn hơn. Các cơn đau có thể xảy ra thường xuyên khiến bạn phải tìm đến thuốc giảm đau liên tục, gây hại cho dạ dày và thần kinh…

Một cuộc phẫu thuật gọt mặt tiêu tốn của bạn từ 40 - 60 triệu đồng. Nó có thể đem đến một gương mặt thon gọn nhưng cũng có thể khiến mặt bạn xấu xí hơn trước, thậm chí tử vong. Vì vậy, bạn nên hài lòng và tự tin với những gì tạo hóa ban cho. Có rất nhiều ngôi sao 'mặt Oline' vẫn nổi tiếng vì sự xinh đẹp và tài năng. Vẻ đẹp ở trong tâm hồn, chứ không phải chỉ là những 'cải tạo' bên ngoài.

Gọt hàm: Liệu có 'vịt hóa thiên nga'?

Nhiều người nổi tiếng được yêu mến bởi khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!