GS Lân Việt trả lời độc giả về rối loạn lipid máu

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Hàng trăm câu hỏi độc giả gửi về đã được giải đáp.

GS. TS Nguyễn Lân Việt – nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam; TS.BS Phan Bích Nga – Phụ trách Trung Tâm Khám Tư vấn Trẻ Em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã dành nhiều thời gian trả lời cho độc giả.

Video Tư vấn mỡ máu (P1)

GS Lân Việt trả lời độc giả về rối loạn lipid máu

GS.TS Nguyễn Lân Việt (giữa) và TS.BS Phan Bích Nga (trái)

MC: Thưa giáo sư, giáo sư có thể cho độc giả của chương trình một số kiến thức chung về bệnh rối loạn Lipid máu. 1. Vấn đề thứ nhất: Khi nào thì gọi là có rối loạn Lipid máu?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Cholesterol là thành phần chính xây dựng màng tế bào, cấu tạo nên các hoóc-môn. Lipid máu có nhiều thành phần khác nhau, lipid không tan trong nước nên phải kết hợp với protein. Có 4 thành phần chính, 1 trong 4 thành phần này bị rối loạn thì gọi là rối loạn lipid máu. Xét nghiệm các thành phần trong máu để xác định nguyên nhân gây rối loạn lipid máu là câu hỏi của rất nhiều người.

Có 4 loại nguyên nhân chính:

+ Do chế độ ăn uống và sinh hoạt chưa hợp lý, quá nhiều chất mỡ động vật, thực phẩm chứa a-xít béo no và cholesterol, nội tạng động vật, trứng, bơ, sữa, thực phẩm chế biến sẵn… làm tăng khả năng bị rối loạn lipid máu. Ngoài ra còn do uống nhiều rượu bia. Chế độ sinh hoạt: ít vận động, hút nhiều thuốc lá là đối tượng dễ bị rối loạn mỡ máu.
+ Chiếm tỷ lệ cao là nguyên nhân do rối loạn gen, có tính chất gia đình. Thành phần lipid máu và cholesterol 80% được tổng hợp nội sinh, 20% chỉ do ăn uống và sinh hoạt. Vì thế nên người gầy cũng có nguy cơ bị rối loạn lipid.

MC: Câu hỏi đầu tiên đến từ chị NguyễnThị Ngọc Loan, 39 tuổi ở Tân Phú. Chị cho biết: 'Tôi bị ung thư tuyến giáp đã mổ cắt bỏ toàn phần và đã uống iot phóng xạ 131 hai lần. Sau khi kiểm tra sức khỏe lại tôi thấy chỉ số cholesterol là: 10.6 mmol/L; triglycerid la: 7.7 mmol/L, LDL cholesterol la: 6.5 mmol/l; cl- la: 94.0 mmol/l; T3: 0.222 ng/ml; FT4: 0.741ng/dl; TSH>100uiu/ml.

Với chỉ số như vậy tôi đã bị mỡ máu cao do bị suy giáp đã dẫn đến tình trạng mỡ máu cao như vậy không? Có cách nào và chế độ ăn uống ra sao để cải thiện tình hình sức khỏe tốt và chống lại căn bệnh ung thư của tôi đạt kết quả tốt. Rất mong bác sĩ tư vấn để tôi hiểu rõ thêm. Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.  

TS.BS Phan Bích Nga: Như GS Lân Việt đã đưa ra khái niệm và nguyên nhân, trong trường hợp này là từ nguyên nhân suy giáp gây nên rối loạn mỡ máu. Với những chỉ tiêu bạn đưa ra thì rõ ràng bạn nên áp dụng chế độ ăn để phòng và điều trị mỡ máu.

Nhiều nguyên cứu dùng thuốc điều trị trong thời gian dài có thể gây nguy cơ khả năng bị ung thư, chấn thương có thể do mệt mỏi. Vì thế chế độ ăn là cách điều trị rất hiệu quả, khoa học, không tiềm ẩn nguy cơ. Ngoài ra cần phải tăng cường vận động, bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá, bia rượu, cà phê. Bạn không nói chiều cao và cân nặng để biết bạn có bị thừa cân béo phì không. Nếu chỉ số cơ thể bạn từ 25 trở lên thì cũng thừa cân, trên 30 là béo phì. Nếu bạn ở 2 mức này thì bạn cần phải giảm cân. Bạn cần giảm năng lượng đầu vào bằng cách giảm chất béo, đồ ngọt, tinh bột tinh chế.

Thứ 2, bạn nên giảm chất béo trong khẩu phần. tỷ lệ a-xít béo no và không no là 1/3. Không phụ thuộc vào tổng lượng chất béo đã nạp vào mà quan trọng là thành phần/loại chất béo bạn đưa vào cơ thể. Thức ăn giàu chất béo không no nối đôi, omega-3 trong dầu thực vật, dầu oliu, dầu mè rất tốt cho người bệnh. Dùng dầu cá thì lại càng tốt, với những người không thích ăn cá mà thích ăn thịt đỏ thì nên uống dầu cá để phòng bệnh. Omega-3 rất hiệu quả trong việc giảm cholesterol trong máu, phòng xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim. Tăng cường các loại rau củ và hoa quả giàu chất xơ nhằm tăng thải các cholesterol.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Trường hợp này là rối loạn thứ phát. Cắt bỏ tuyến giáp nên dẫn đến suy giáp, nên điều trị tình trạng suy giáp. Nội tiết tố tuyến giáp thiếu thì phải hồi phục lại.

MC: Bạn đọc ở số điện thoại 0123****455: 'Thưa Bác sĩ, tôi bị mỡ máu cao thường xuyên phải uống thuốc và ăn kiêng. Nhưng có người bảo ăn củ tam thất thường xuyên sẽ khỏi bệnh. Xin hỏi chuyên gia như vậy có đúng không ạ?'.

TS.BS Phan Bích Nga: Trên thị trường có nhiều quảng cáo về thực phẩm chức năng. Chúng ta nên xem xét kỹ cơ sở khoa học của nó có dựa trên cơ chế xuất phát từ các thực phẩm tốt hay không. Củ tam thất trong đông y có tác dụng bổ máu nhưng cũng có thể có thành phần kháng lipid máu nhưng vẫn chưa được nghiên cứu rõ. Tốt nhất bạn nên áp dụng chế độ ăn uống, giảm chất béo no có hại… Bên cạnh chế độ ăn uống cần lưu ý chế độ tập luyện.

MC: BácNguyễn Văn Phúc Nam, 70 tuổi - 266 Đội Cấn Hỏi: Kính gửi Giáo sư! Gần đây có nhiều thông tin có một loại thuốc do Trung Quốc sản xuất có tác dụng làm thông các đoạn mạch máu bị hẹp. Ví dụ như: tôi bị hẹp động mạch vành tim thay vì phải mổ để đặt Ten thì chỉ cần uống thuốc là có thể đỡ. Theo Giáo sư thông tin này có chuẩn không? Và ngoài phương pháp đặt Ten ra tôi có thể điều trị thế nào để hạn chế tối đa cho việc phải mổ để đặt Ten? (Hiện nay tôi đã mổ và đặt 2 cái Ten nhưng vẫn còn một số chỗ đang bị hẹp nhưng chưa đến mức phải đặt). Cám ơn Giáo sư rất nhiều!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Những trường hợp nhồi máu cơ tim, để điều trị có nhiều biện pháp. Ở các nước tiên tiến là cho dùng thuốc tiêu sợi huyết. Còn nước ta, phần lớn các bệnh nhân đến viện hơi muộn. Biện pháp tốt nhất là làm tái thông những chỗ tắc trong mạch máu, tái thông dòng chảy cho tim. Nhưng không phải cứ làm vậy là khỏi, nhiều khi biện pháp này chỉ được một đoạn hoặc tái xơ vữa. Vì thế biện pháp hàng đầu là kháng tiểu cầu kép.

Trừ trường hợp bị xuất huyết dạ dày, nên dùng các thuốc thuộc nhóm statin để giảm lipid máu. Ngoài ra, cần chú ý một số bệnh chính, ví dụ: Tăng huyết áp, đái tháo đường.

Nguyên nhân gây rối loạn lipid thì vẫn tiếp tục điều trị các nguy cơ, hạn chế các yếu tố nguy cơ. Một số trường hợp phải mổ bắc cầu, cắt từ động mạch chủ đến động mạch tắc. Có nhiều phương pháp, nhưng bản thân bác Nam bị yếu tố nguy cơ cao thì bác phải dùng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ chuyên khoa khám, xem xét cụ thể. Chúng tôi chưa nghe loại thuốc nào tiêu như bác nói. Y học phải dựa vào chứng cứ, Những thuốc chưa được kiểm chứng mọi người không nghe. Ngay cả các thuốc tiêu sợi huyết cũng phải được bác sĩ dùng cẩn thận chứ dùng linh tinh có thể gây chảy máu.

GS Lân Việt trả lời độc giả về rối loạn lipid máu

GS.TS Nguyễn Lân Việt. Ảnh: TP

MC: Một bệnh nhân nữ, 49 tuổi đặt câu hỏi cho GS.TS Nguyễn Lân Việt: Thưa bác sĩ, tuần vừa rồi tôi có đi xét nghiệm máu. Được biết men gan cao, mỡ máu cao. Chất đạm cũng cao. Vậy có nguy hiểm không thưa bác sĩ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Tùy thuộc vào tình hình điều trị. Nếu trước khi men gan tăng, các điều chỉnh rối loạn lipid máu có thể gây đau cơ, hoại tử cơ. Đây là tác dụng phụ rất hiếm gặp nhưng các bác sĩ cũng phải đo men gan để xem xét, tính toán tác dụng thuốc điều chỉnh rối loạn mỡ máu trước khi sử dụng. Phải tùy trường hợp cụ thể để dùng thuốc.

Video Tư vấn mỡ máu (P2)

MC: Khán giả có tên Mai Lan (Cổ Nhuế, Hà Nội) muốn hỏi TS BS Phan Thị Bích Nga cách điều trị bệnh lipid máu nhiều năm không giảm bệnh: 'Tôi 48 tuổi bịlipid máu cao, đã điều trị nhiều năm nhưng không giảm. Tôi thực hiện đi bộ thường xuyên nhưng bệnh cũng không hạ xuống. Đến khi tôi chơi cầu lông thì mỡ có giảm, nhưng lại thấy hơi mệt. Liệu tôi có gặp các vấn đề về tim mạch không? Xin bác sĩ tư vấn'.

TS.BS Phan Bích Nga: Trong trường hợp của bác, cần phải có bác sĩ chuyên khoa lâm sàng kiểm tra. Rối loạn lipid của bác cần đến kiểm tra ở chuyên khoa tim mạch. Bác cần áp dụng chế độ ăn tốt cho sức khỏe, nhưng chúng tôi đã đề cập phía trên, trong thời gian dài. Nếu tăng cường thời gian vận động, hợp lý thì điều trị rối loạn tốt hơn. Nếu bác có vấn đề xương khớp thì không nhất thiết phải tập nhiều, có thể rút ngắn thời gian và mức độ tập luyện.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Tôi xin nói thêm, rối loạn lipid máu tương đối mãn tính nên không được sốt ruột điều trị được. Nếu không tiếp tục điều trị thì chắc chắn sẽ lại lên. Cần phải điều trị giảm đến mức độ nào đó rồi tiếp tục duy trì. Một số trường hợp khó phải phối hợp các loại thuốc khác nhau. Cơ thể rất đặc biệt, cholesrol 75% do cơ thể tự tổng hợp, 25% do hấp thu. Nếu cholesterol tự tổng hợp giảm thì cholesterol do hấp thu lại tự tăng lên. Vì vậy phải dùng thuốc phối hợp.

MC: Anh Nguyễn Đức Lâm (30 tuổi, Thanh Hóa) hỏi GS Lân Việt chế độ ăn uống khi bị rối loạn mỡ máu. Chào GS. Cho em hỏi là khi người đã biết bị bệnh hàm lượng axit uric trong máu cao (bệnh gút) của người còn trẻ khoảng 30 tuổi và người lớn khoảng 55 tuổi thì có chữa lành không? Tự điều trị và kiêng cữ ăn uống như thế nào cho hợp lý ạ. Em xin chân thành cảm ơn!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Tăng a-xít uric trong máu cũng là một rối loạn chuyển hóa hay gặp ở những người tiêu thụ đạm, rượu bia quá nhiều. Khi bị tăng a-xít uric quá cao có thể bị sỏi trong thận. Nếu người bị rối loạn a-xít uric cao thì nên điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế nhậu và rượu bia, nên sử dụng thuốc làm giảm a-xít uric.

TS.BS Phan Thị Nga: Với những người bệnh gút, phải tránh xa bữa ăn tiệc tùng để tránh nguy cơ bệnh nặng hơn. Bạn nên ăn bữa ăn thanh đạm, đừng ăn đồ béo, nhiều thịt hay tôm cá, hải sản. Tăng ăn rau và trái cây. Cần tránh nước ngọt, nước có ga, nên uống nhiều nước lọc hoặc nước tinh khiết.

MC: Một bạn gái giấu tên quê ở Ninh Bình xin được TS.BS Nguyễn Lân Việt tư vấn vấn đề sau: 'Con năm nay 20 tuổi. Con hay bị cơn đau nhói ngay tim khi con gắng sức hay khi cười đùa cúi người xuống. Con có đi khám thì bác sĩ cho con đo điện tim kết quả bình thường, bác sĩ nói không sao nhưng kể từ khám con vẫn còn bị. Trước đây con từng bị như thế. Vậy bác sĩ cho con hỏi triệu chứng như vậy có phải bị rối loạn lipit máu không ạ? Con cần làm những xét nghiệm gì để biết rõ ạ. Con cảm ơn bác sĩ.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Đây là một câu hỏi nhiều người đến phòng khám đều thắc mắc. 50% bị đau ngực nhưng không phải bệnh tim. Đau ngực có thể là dấu hiệu của bệnh phổi hoặc nhiều bệnh khác. Vì thế phải xem đau ngực có phải do bệnh lý tim ngực không. Bệnh lý thường gặp là bệnh mạch vành. Trẻ như bạn thì khả năng bị bệnh cũng khó nhưng cũng có thể là do rối loạn nhịp tim, ngoại tâm thu, nhịp tim quá nhanh hay quá chậm, hở van mạch chủ, viêm ngoài màng tim. Bệnh lý ở người cao tuổi, người tăng huyết áp đau ngực dữ dội nhưng đến bệnh viện nhưng lại không phát hiện vấn đề gì thì có thể là phình tắc động mạch chủ. Nếu không phải nguyên nhân tim mạch thì có thể do đau thần kinh liên sườn, bệnh phổi (tràn phổi, u phổi…). Cái hay gặp nhất của những người trẻ là viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Cho nên không phải cứ đau ngực là rối loạn lipid máu.

MC: Tôi cao 1m58, cân nặng 58 kg. Tiền sử gia đình có mẹ chết lúc 53 tuổi do đứt mạch máu não, có anh chết lúc 49 tuổi khi đang tắm. Bản thân tôi cũng đã xét nghiệm máu, bác sĩ cho hay lượngTriglycerit tăng cao hơn 349mg cholesterol tăng nhẹ. Giáo sư không cho dùng thuốc chỉ khuyên thay đổi lối sống. Hiện tại tôi giảm ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ, tập thể dục thường xuyên ở phòng tập chuyên nghiệp. Nhưng khi xét nghiệm lại các chỉ số không giảm bao nhiêu. Xin hỏi giáo sư tính di truyền bệnh của gia đình có thay đổi được khi tôi áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như trên không? Và xin Giáo sư chỉ cho tôi cách ăn uống sinh hoạt cụ thể hơn để ngăn ngừa lipid cao trong máu.

GS. TS Nguyễn Lân Việt: Đây là trường hợp nguy hiểm do có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có yếu tố gia đình – yếu tố nguy cơ cao hơn hẳn với người khác. Vì vậy phải điều chỉnh lối sống ngay từ đầu. Nhiều người không biết phải điều chỉnh như thế nào nên cần phải khám sức khỏe định kỳ. Đừng đợi đến khi có bệnh mới bắt đầu điều chỉnh thì quá muộn. Bạn nên có chế độ ăn uống hợp lý. Bạn có yếu tố nguy cơ cao nên cần phải đến phòng khám để được tư vấn cụ thể.

TS.BS Phan Thị Nga: Tôi muốn nhấn mạnh với độc giả là trong chế độ dinh dưỡng, khuyến nghị nên có chế dộ không có lipid, ví dụ nên dùng đạm nạc hoàn toàn không có mỡ, tôm cá. Không nên ăn quá nhiều gluxit như khoai củ, khoai lang, khoai tây. Đặc biệt là tăng cường rau và chất xơ.tránh tuyệt đối chất béo, đặc biệt chất béo động vật, món xào rán bằng mỡ, thịt phủ tạng, sữa và các chế phẩm sữa.

Video Tư vấn mỡ máu (P3)

MC: Một phụ nữ có hòm thư là 'thaihang301@gmail.com' có hỏi: 'Chồng tôi 42 tuổi, nặng 60kg, cao 1.65m,mới xét nghiệm máu cholesterol 6.8. Như vậy đã nguy hiểm chưa và có cần dùng thuốc hay có biện pháp nào để hạ xuống không ạ?'.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Các trường hợp rối loạn lipid máu thường tăng cholesterol. Vì vậy phải điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện. Càng béo càng ít vận động càng tích mỡ. Nếu béo phì, tăng huyết áp, bụng to lên thì yếu tố nguy cơ rất cao. Trong trường hợp này bắt buộc điều trị bằng thuốc kết hợp điều chỉnh lối sống. Điều chỉnh phải kéo dài và lưu ý tác dụng phụ của thuốc. Càng nguy cơ cao thì càng phải hạ mức cholesterol so với người bình thường vì để càng cao thì xơ vữa động mạch càng nhiều, nguy cơ bệnh tim mạch càng cao.

TS.BS Phan Thị Nga: Hoạt động thể thao phụ thuộc vào đối tượng và lứa tuổi. như người trẻ thì cần các hoạt động tiêu hao nhiều năng lượng, tích cực giảm cân do xương khớp còn khỏe. nhưng những người tiền sử xương khớp, người già thì cần phải nghe ngóng cơ thể, nếu giảm được cân mà mắc bệnh xương khớp thì không nên. Với người trẻ thì được khuyến nghị nên tập 30 phút mỗi ngày, 1 tuần tập 3-4 ngày.

GS Lân Việt trả lời độc giả về rối loạn lipid máu

TS.BS Phan Bích Nga

MC: Facebook Tran Tung có hỏi: 'Kính thưa GS-TS Nguyễn Lân Việt! Tôi là Văn Đình 55 tuổi. Xin được hỏi GS-TS như sau:

1. Tôi bị rối loạn mỡ máu, uống thuốc Lipisim 10mg (ngày 1 viên, uống tối trước khi đi ngủ). Thông thường tôi uống thuốc thì sau 1 tháng các chỉ số đều ở mức bình thường và tôi tự ý ngừng thuốc 1 tháng, sau đó uống lại (vì sợ tác dung phụ của thuốc). Riêng lần này thì thấy trị số Triglycerid vẫn rất cao (2.36 trong khi trị số bình thường là <1.7) ngược lại trị số Cholesterol lại rất thấp (3.81 trong khi trị số bình thường là 4.0-5.4). Xin hỏi: Tại sao trị số Triglycerid không chịu xuống, có cách nào hay thuốc nào để làm giảm nhanh Triglycerid ? Cách dùng thuốc theo kiểu uống thuốc 1 tháng rồi nghỉ 1 tháng rồi uống lại có được không?'.

2. Tôi bị tăng huyết áp, đang điều trị (liều: Sáng 1 viên Enalapril 5mmg; chiều (19 giờ): 1 viên Amlodipi n 5mg; 20 giờ 30 uống 1 viên Enalapril 5mmg; đến 21g30 uống thêm 1 viên Enalapril 5mmg). Kết quả: Ban ngày chỉ số khá tốt (120/80mmHg) nhưng ban đêm (từ 0 giờ đến 5giờ sáng) thì huyết áp tăng dữ dội (150/100mmHg/ hoặc 160/100mmHg). Xin lưu ý là hoàn toàn không do yếu tố lo lắng hay giật mình tỉnh giấc đo mà làm tăng huyết áp như một số bác sĩ đã giải thích), mặc dù tôi đã uống thuốc hạ huyết áp gấp đôi liều buổi sáng (như trên đã trình bày). Xin hỏi GS-TS : Nguyên nhân tại sao? Cách nào để chữa được tình trạng này? Xin lưu ý thêm là tôi có ngáy khi ngủ. Rất mong được GS-TS giúp đỡ, tôi xin cảm ơn!

GS: Đây là câu hỏi nhiều bệnh nhân muốn hỏi. Điều trị mang tính cá thể hóa, không có công thức chung. Cần phải xem mức độ rối loạn như thế nào, ở độ tuổi nào, có bệnh khác kèm theo không để có biện pháp điều trị. Vì vậy chúng tôi cần phải xem xét nhiều yếu tố để kết hợp thuốc. Người bệnh cần phải điều trị lâu dài. Có thể dùng thuốc tấn công mạnh 1-2 tháng sau đó giảm liều thuốc đi. Nếu chỉ dùng 1-2 tháng rồi ngừng thuốc hẳn thì sẽ lại tăng lên, thậm chí tăng cao dẫn đến xơ vữa động mạch. và cần phải đi khám thường xuyên. 

Còn về câu hỏi số 2: Huyết áp của ai cũng giao động, có người tăng theo ngày. Bình thường huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm. Cho nên làm sao để biết huyết áp tăng hay giảm. Trường hợp của bạn, ban đêm tăng cao, điều chỉnh động mạch thần kinh có vấn đề. Vì vậy cần phải kiểm tra. Có thể có thêm bệnh lý: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, biểu hiện ngáy to khi ngủ (hội chứng này đáng được chú ý), có thể huyết áp tăng vọt lên lúc này. Vì vậy cần đi khám hô hấp, nếu gặp hội chứng này thì cần có biện pháp can thiệp để hạn chế tinh trạng ngưng thở khi ngủ. Còn nếu không bị thì cần dùng thuốc để chặn, kiểm soát huyết áp tăng lên, chặn trước cơn huyết áp vọt lên. Trường hợp này vẫn nên kiểm tra liệu có bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

TS.BS Phan Thị Nga: Chế độ cho người cao huyết áp phụ thuộc vào chiều cao và cân nặng, nếu ở ngưỡng thừa cân thì nên giảm cân, nhưng không nên giảm quá nhiều, chỉ nên 1-2 cân 1 tháng. Nếu giảm đến 4 kg thì cần phải đến chuyên khoa dinh dưỡng để kiểm soát. Vì thế cần giảm năng lượng đầu vào, ăn ít cơm, các chất bột, tinh bột, chất béo, chất đạm cần phải hạn chế và phải sử dụng theo loại.

GS.TS Nguyễn Lân Việt bổ sung: Cao huyết áp là bệnh rất phổ biến. Ở các bệnh nhân cao huyết áp thì cần giảm ăn mặn. nếu ăn mặn thì rất khó điều trị giảm huyết áp. Bên cạnh điều chỉnh rối loạn mỡ máu, thì điều chỉnh cả lối sống, ăn uống, kể cả suy nghĩ tránh lo âu. Tập luyện cũng tùy theo độ tuổi và bệnh đang điều trị. Ngoài ra, nếu bị tăng huyết áp, đái đường, rối loạn mỡ máu… thì cần phải tuân thủ chế độ điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Có thể 2 người trong gia đình cùng bị một bệnh nhưng không được phép dùng 1 đơn thuốc hay ra hiệu thuốc tự mua. Cần phải có sự chỉ dẫn bác sĩ.

MC: Độc giả Phạm Duy Hùng Nam, 54 tuổi. Số nhà 197, Đường Trần phú, TP Tuyên Quang hỏi: 'Thưa BS Tôi vừa khám xét nghiệm chỉ số cholesterol là 6.8 Vậy có cao quá không? Và cách điều trị, chế độ ăn thế nào cho hợp lý? Có 2 chỉ số ngoài tiêu chuẩn là a-xít uric bằng 427 và Triglycerid bằng 3.0. Còn các chỉ số khác trong phạm vi cho phép. Vậy thưa bác sĩ, như thế có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không ạ. Xin cám ơn bác sĩ.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Triglycerid hơi cao, bạn có rối loạn lipid máu. Vì vậy cần điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc nhóm statin để hạn chế tối đa biến cố. Khi có dấu hiệu rối loạn lipid máu cần phải kiểm soát ngay từ đầu để tránh xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.

Video Tư vấn mỡ máu (P4)

MC: Bạn Mai Anh ở Lâm Đồng xin hỏi: 'Thưa Giáo sư, chồng cháu bị rối loạn mỡ máu, trên người có nhiều u mỡ, đã bóc tách một u trên cánh tay, hiện giờ xung quanh vùng bụng rất nhiều u mỡ, vậy chồng cháu có nên thực hiện việc bóc tách hết các u ấy không ạ? Liệu sau khi mổ, u mỡ có tiếp tục mọc lại không?

GS.TS Lân Việt: U mỡ tương đối lành tính, nhưng cũng có trường hợp bị rối loạn lipid máu nên có ở khắp cơ thể. Nếu u mỡ nhỏ thì không nên cắt đi. Nếu mọc quá nhiều thì không thể cắt được hết, không nên vì thẩm mỹ mà điều trị cắt bỏ. Nên tìm hiểu bệnh lý để điều trị.

TS.BS Phan Thị Nga: Những người bị u mỡ thường liên quan đến rối loạn cholesterol. Với những người bệnh này cần giảm giảm động vật, tăng đạm thực vật từ đậu đỗ, không ăn nội tạng. Cần tăng chất xơ để thải cholesterol trong ruột.

MC: Một câu hỏi gửi Giáo sư Lân Việt. Ban Lê Xuân Thủy Nam, 40 tuổi - Tam Dương vĩnh phúc hỏi: 'Tôi bị rối loạn mỡ máu cao đã 6 năm nay, đã uống thuốc nam và thuốc tây nhưng chỉ được 5 đến 6 tháng là kết quả lại trở về bình thường. Xin hỏi bác sỹ cách điều trị, dùng thuốc gì hiệu quả và cách phòng tránh?

GS.TS Lân Việt: Nếu dùng trong 5-6 tháng thì lại bị lại thì là điều hiển nhiên, nếu rối loạn lipid máu thì xơ vữa động mạch tăng nhanh hơn. Vì vậy cần điều trị lâu dài, nếu không các bệnh lý tim mạch sẽ tăng cao.

MC: Bạn Đinh Thị Cẩm Vân (k12a.camvn@gmail.com) có hỏi:  Mẹ em năm nay 54 tuổi rồi và mẹ bị ung thư buồng trứng điều trị hóa chất được hơn 2 năm. Mẹ vẫn đi khám sức khỏe định kì 3 tháng 1 lần và lần khám gần đây nhất bác sĩ chấn đoán là bị gan nhiễm mỡ nặng. Bác sĩ tư vấn giúp em, bây giờ mẹ em nên dùng loại thuốc gì để cả hai loại bệnh đó thuyên giảm?

TS.BS Phan Thị Nga: Sau điều trị ung thư thường cơ thể suy kiệt. Người bệnh cần đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần ăn chứ không nên tin hoàn toàn những lời mách điều trị chưa được kiểm chứng khiến cơ thể suy kiệt, không thể chống chọi với bệnh tật. Trong trường hợp này, nếu có cả gan nhiễm mỡ, không nói rõ cân nặng, thì có thể dùng thuốc bổ gan, thuốc đông y như trà nhân trần, trà xanh để chống oxy hóa và phòng ung thư, có thể dùng thay cho nước uống bình thường. Tăng cường dùng thêm động nành. Khuyến nghị khẩu phần ăn có cả từ động vật và thực vật, đảm bảo đủ nặng lượng, thực phẩm bổ sung như sữa công thức.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Với những bệnh nhân ung thư thì điều quan trọng hàng đầu là giải quyết để ung thư để không bị di căn, điều trị triệt để. Còn gan nhiễm mỡ, đôi khi lạm dụng nhiều xét nghiệm, không cần quá lo lắng, hãy tập trung giải quyết ung thư trước. Còn gan nhiễm mỡ thì có thể điều chỉnh lối sống và dùng thuốc điều trị. Điều trị ung thư phải được ưu tiên. Bên cạnh đó tinh thần người bệnh cũng rất quan trọng để chiến đấu bệnh tật.

MC: Bạn Trần Nguyên từ Tiền Giang hỏi: 'Thưa bác sĩ, tôi đang điều trị rối loạn lipid máu, bác sĩ kê cho tôi rất nhiều thuốc, vậy bác sĩ cho tôi biết uống nhiều thuốc như vậy có tác dụng phụ gì không? Điều trị thuốc chống rối loạn Lipid máu đến bao giờ?

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Khi có rối loạn lipid máu thì điều chỉnh lối sống chỉ có tác dụng một phần, vẫn phải kết hợp với dùng thuốc. Nên cá thể hóa điều trị chứ không có cách dùng thuốc chung cho tất cả mọi người. Các bác sĩ sẽ cân nhắc liều lượng và loại thuốc cho từng bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tìm các thuốc ít tác dụng phụ để bệnh nhân có thể điều trị lâu dài để giảm biến cố tim mạch. Ngoài ra cũng không cần phải lo lắng quá đến bệnh tật, sẽ làm tăng tác động xấu đến tim mạch.

MC: Độc giả Ngô Văn Trường, 34 tuổi sinh sống tại xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn, TPHCM có một câu hỏi như sau: 'Chào bác sĩ, năm nay em 34 tuổi. Em đi khám bệnh tổng quát và phát hiện mỡ trong máu cao. Thành phần cholesterol toàn phần là 5,73mmol/L; triglyceride là 4,76 mmol/L. Cho em hỏi như vậy có nguy hiểm không? Bác sĩ cho em lời khuyên và nên chữa trị thế nào? Cám ơn bác sĩ.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Các chỉ số hơi cao nhưng không có gì nguy hiểm cả. Có rối loạn nhưng có thể điều chỉnh được bằng thuốc và ăn uống sẽ ổn định được các thông số đó. Điều trị cũng lâu dài hơn, dùng các liều nhỏ nhất nhưng hiệu quả nhất. Không có gì phải buồn phiền cả.

MC: Bác Văn Đình Nam, 55 tuổi có hỏi:

'Kính thưa Bác sỹ! Tôi có 2 câu hỏi:

1. Từ trước đến nay các lần xét nghiệm máu trị số Creatinin của tôi đều trong giới hạn cho phép, nhưng cách đây mấy ngày xét nghiệm thấy: Creatinin = 130.2 (bình thường là: 72-172), bác sĩ bảo tôi bắt đầu bị suy thận. Tôi rất lo lắng, xin hỏi suy thận điều trị có khó không? Có khả năng chữa lành bệnh này không? Rất mong được BS giúp đỡ, tôi xin cảm ơn.

2- Tôi bị tăng huyết áp, đang điều trị và kết quả khá tốt (120/80mmHg), nhưng ban đêm (từ 0 giờ đến 5giờ sáng) thì huyết tăng dữ dội 150/100mmHg/ hoặc 160/100mmHg- Xin lưu ý là hoàn toàn không do yếu tố lo lắng hay giật mình tỉnh giấc làm tăng huyết áp như một số bác sĩ đã giải thích), mặc dù tôi đã uống thuốc hạ huyết áp gấp đôi liều buổi sáng. Xin hỏi: Nguyên nhân tại sao? Cách nào để chữa được tình trạng này

3- Tôi bị rối loạn mỡ máu, uống thuốc Lipisim 10mg thì sau 1 tháng các chỉ số đều ở mức bình thường, riêng Triglycerid vẫn rất cao (2.36 trong khi trị số BT là Rất mong được BS giúp đỡ, tôi xin cảm ơn!

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Creatinin của bác hơi cao. Tại sao bị suy thận? Do bệnh lý thận hay do dùng thuốc dẫn đến suy thận. Khi bị bệnh lý thận phải chữa ngay. Nếu có các yếu tố nguy cơ thì điều trị kết hợp.

TS.BS Phan Thị Nga: Bệnh lý liên quan đến thận cũng cần lưu ý đến điện giải, chế độ ăn giảm natri, muối, tăng kali từ rau củ quả chín như trong chuối, hồng xiêm, nước dừa. Chế độ tập luyện thì nên tập nhẹ nhàng như đi bộ, đi dạo trước khi ăn 2-30 phút để tăng khẩu vị, đi xe đạp nhẹ nhàng, không nên tập luyện mạnh.

GS.TS Nguyễn Lân Việt: Suy thận thường dẫn đến kali máu tăng, cũng tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa để khám xét để điều trị theo phương pháp cụ thể và kịp thời. Câu hỏi thứ 2 của độc giả này: Tùy theo mức cholesterol cao hay thấp, nên điều chỉnh ở mức vừa phải, mang tính chất thăm dò để tránh đau cơ, hoại tử cơ. Nếu để xảy ra tai biến rất khó điều chỉnh.

Vâng thưa quý vị và các bạn, GS. TS Nguyễn Lân Việt và TS.BS Phan Bích Nga vừa giải đáp cho các bạn những vấn đề về bệnh rối loạn lipid máu, cách điều trị và giải pháp cho các trường hợp cụ thể.

Hi vọng, những thông tin trong chương trình ngày hôm nay đã đáp ứng phần nào băn khoăn của các bạn về vấn đề này.

Xin cám ơn GS. TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Việt và TS.BS Phan Bích Nga đã dành thời gian tham gia chương trình ngày hôm nay. Thay mặt bạn đọc của chương trình kính chúc 2 chuyên gia sức khỏe. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị vào các chương trình tư vấn tiếp theo.

TP

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!