Vào 23h30 phút ngày 29/8, chị Nguyễn Thị Huyền, 19 tuổi, thường trú tại tổ 9 phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, mang thai lần thứ hai gần 24 tuần, được chuyển đến BVĐK tỉnh Hà Giang trong tình trạng bị đau tức ngực, khó thở liên tục.
Kết quả khám cho thấy chị Huyền có biểu hiện nhịp tim nhanh, nhỏ, khó bắt, tần số 220 chu kỳ/phút, huyết áp tụt 85/40mmHg, điều đáng lo ngại hơn là thai nhi có biểu hiện suy thai.
Lo lắng về sức khỏe của mẹ và thai nhi, người nhà của chị Huyền có nguyện vọng xin được chuyển về tuyến Trung ương để cấp cứu và điều trị.
Qua hội chẩn, Ban Giám đốc và các bác sĩ khoa Tim mạch Nội tiết BVĐK tỉnh Hà Giang chẩn đoán chị Huyền bị cơn tim nhịp nhanh kịch phát trên thất, thai 24 tuần theo dõi sốc tim - đây là một trường hợp rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời, nếu bệnh nhân chuyển viện, trên đường đi sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của cả người mẹ và thai nhi.
Các bác sĩ đã giải thích cho gia đình về nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi nếu như chuyển người bệnh lên tuyến trên và gia đình đồng ý để chị Huyền được cấp cứu tại BVĐK tỉnh Hà Giang.
Thạc sĩ Trịnh Tiến Hùng, Phó khoa Tim mạch Nội tiết BVĐK tỉnh kiểm tra sức khỏe cho thai phụ Nguyễn Thị Huyền.
Sau khi hồi sức và sử dụng các loại thuốc cấp cứu tim mạch bằng các phương pháp thông thường để chuyển nhịp tim nhưng huyết áp của người bệnh vẫn tụt dần, tim thai bị suy, nhịp tim của mẹ vẫn rất nhanh 220 chu kỳ/phút.
Trước tình thế đó Ban Giám đốc, các bác sĩ của khoa Tim mạch Nội tiết của BVĐK tỉnh Hà Giang cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội đã quyết định sử dụng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim đồng thời gây mê cho thai phụ Huyền.
Mang thai: Phương pháp đẻ mổ. (Việt hóa bởi SongKhoe.vn).
Theo các bác sĩ, thai phụ bị cơn tim nhịp nhanh kịch phát đây là trường hợp rất ít khi xảy ra, nhất là chị Huyền chưa hề có tiền sử bị các bệnh về tim mạch, trong lần mang thai trước sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường, mặt khác việc sử dụng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim mặc dù đã được áp dụng tại BVĐK tỉnh Hà Giang trong thời gian gần đây nhưng thực hiện trên thai phụ thì đây là trường hợp đầu tiên, nếu không thận trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hai mẹ con.
Vì thế đòi hỏi việc ứng dụng phương pháp này cần phải chính xác, tỷ mỷ và phải rất thận trọng của cả ê kíp thực hiện mà người chịu trách nhiệm chính là Thạc sĩ Trịnh Tiến Hùng - Phó khoa Tim mạch Nội tiết của BVĐK tỉnh Hà Giang .
Điều đáng mừng, chỉ trong thời gian rất ngắn (khoảng 01 phút) bằng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim cộng với việc tiếp tục hồi sức tích cực, nhịp tim của chị Huyền đã trở lại bình thường (105 chu kỳ/phút), huyết áp đã ổn định (100/60mmHg), hết khó thở, không còn dấu hiệu tức ngực, tim thai trong giới hạn bình thường (140 chu kỳ/phút).
Việc ứng dụng thành công phương pháp cấp cứu cho thai phụ bị tim nhịp nhanh kịch phát bằng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim nói riêng và nhiều kỹ thuật mới trong thời gian gần đây đã khẳng định trình độ chuyên môn cũng như tinh thần và trách nhiệm trước người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ của BVĐK tỉnh Hà Giang đã được nâng lên rõ rệt, người bệnh ngày càng tin tưởng và yên tâm khi được chăm sóc và điều trị tại đây.
>> Xem thêm: Phát hiện sớm suy thai trong chuyển dạ
(Trung tâm Truyền thông GDSK Hà Giang)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!