Hà Nội nâng mức cảnh báo, chủ động kiểm soát các nguy cơ để phòng dịch Covid-19

Thời sự - 11/24/2024

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc, như Hàn Quốc, Nhật Bản…, chiều 23-2, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội đã tổ chức họp đột xuất để đưa ra những biện pháp chủ động, kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch. Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố chủ trì cuộc họ

Hà Nội nâng mức cảnh báo, chủ động kiểm soát các nguy cơ để phòng dịch Covid-19

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 23-2, thế giới ghi nhận 78.755 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2.460 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 2.441 trường hợp; 19 trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là Iran 5 trường hợp, Hàn Quốc 4 trường hợp, Nhật Bản 3 trường hợp).

Một số nước trên thế giới đang có xu hướng dịch gia tăng, như Hàn Quốc với 556 ca mắc, Nhật Bản 134 ca, Singapore có 89 ca, Italia có 79 ca… Trong số này, đáng chú ý là Hàn Quốc, số ca mắc trong 3 ngày gần đây tăng nhanh.

Tại Việt Nam, đến nay có 16 trường hợp dương tính với Covid-19, hiện có 15 trường hợp đã khỏi bệnh và được xuất viện. Từ ngày 13-2 tới nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới.

Tại Hà Nội, chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19. Số trường hợp giám sát, nghi ngờ nhiễm là 77 người và đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện tại, còn 448 người phải tiếp tục cách ly, theo dõi.

Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt là ở các quốc gia ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… Việt Nam thường xuyên có một lượng lớn người di chuyển đến các nước để du lịch, sinh sống, học tập nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xâm nhập từ các nước trên là hoàn toàn có khả năng. Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi về từ vùng dịch và kịp thời phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, khoanh vùng xử lý sớm.

Trao đổi ý kiến tại cuộc họp, đại diện các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình… cho biết, đã thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm '4 tại chỗ', trong đó đặc biệt chú ý kiểm soát những người đi từ vùng dịch; phát tờ rơi, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh; tiến hành phun khử khuẩn tại các trường học, cơ quan, đơn vị, khu chung cư, siêu thị, nơi công cộng theo đúng hướng dẫn…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đề nghị, các địa phương cần tiến hành giám sát, tăng cường tuyên truyền để những công dân đến và đi từ một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… phải chủ động theo dõi sức khỏe, khai báo lịch trình. Với việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, ông Nguyễn Khắc Hiền nêu ý kiến, nhà trường cần nắm bắt hoạt động của giáo viên, học sinh trong thời gian nghỉ, nếu có đến những vùng dịch thì có biện pháp theo dõi y tế phù hợp.

Tăng cường giám sát người đến và đi từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường khi tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, nhiều ca nhiễm không xác định được nguyên nhân lây. Hà Nội chưa có ca nhiễm bệnh nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm do là địa phương đông dân cư, có nhiều công dân đến từ các quốc gia có dịch.

Vì thế, Hà Nội phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với người đến và đi từ những vùng dịch ngoài Trung Quốc, trong đó lưu ý đến các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Italia, Pháp…

'Với diễn biến vô cùng phức tạp của dịch Covid-19, chúng ta không được chủ quan, cần phải có những công việc cụ thể để phản ứng kịp thời khi dịch diễn biến khó lường hơn. Ngay từ bây giờ, các sở, ngành, địa phương phải nắm được quy trình làm việc, phối hợp chặt chẽ để xử lý công việc không bị chồng chéo. Các cán bộ y tế cần phải được đào tạo, hiểu rõ quy trình giám sát, cách ly, điều trị bệnh để tránh trường hợp chính những nhân viên y tế bị nhiễm bệnh và là nguồn lây nhiễm như từng xảy ra ở các nước khác', Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý.

Từ việc phân tích những nguyên nhân và nguy cơ có thể xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc một số công việc. 

Cụ thể, về công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương ngoài việc dán thông báo, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời huy động thêm những người phiên dịch tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có hình thức tuyên truyền tới những công dân ở các quốc gia này đồng thuận với biện pháp phòng, chống dịch của thành phố. Các phương tiện thông tin đại chúng cần nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch cho người dân.

Công an khu vực của các địa phương, ban quản lý các tòa nhà chung cư phải tiến hành rà soát khu vực với tinh thần 'đến từng nhà, rà từng hộ' để lập danh sách những người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn, thực hiện khai báo tạm trú. Các khách sạn phải ghi lại lịch trình của khách nước ngoài, đặc biệt là những du khách đến từ các quốc gia đã được cảnh báo trên. Các tòa nhà chung cư bắt buộc phải có dung dịch sát khuẩn tay cho người dân trước và sau khi vào thang máy.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương cần tuyên truyền những công dân đi du lịch, công tác đến những quốc gia có dịch phải có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng. Trong đó, chú ý những người có lịch trình đi từ ngày 18-2 cần phải theo dõi tình hình sức khỏe, khai báo thông tin với cơ sở y tế địa phương để có biện pháp giám sát, theo dõi kịp thời.

Về công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các địa phương nghiêm túc tiến hành các biện pháp bắt buộc, như: Phun khử khuẩn lần thứ tư tại các trường học; các lớp phải có xà phòng, nước khử khuẩn tay, nhiệt kế để đo thân nhiệt cho học sinh trước và sau khi vào lớp; giáo viên phải có sổ theo dõi sức khỏe học sinh; giáo viên phải được đào tạo thành thạo các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi phát hiện học sinh có biểu hiện nhiễm bệnh. Các trường không tổ chức chào cờ ở sân trường mà thực hiện tại lớp; bố trí để học sinh không vui chơi, ăn trưa tập trung đông người… Việc này cần phải được thực hiện đến hết tháng 4, cho đến khi có thông báo của thành phố. 

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế cập nhật đầy đủ phác đồ điều trị của các bệnh nhân đã khỏi bệnh để hướng dẫn cho các cơ sở y tế cấp dưới; thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, các thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… Những thông tin này phải được công khai, minh bạch để người dân không chủ quan. Ngoài ra, Sở Y tế phải tổ chức diễn tập ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có việc phân công xe đưa đón bệnh nhân, khu vực bố trí cách ly theo từng mức độ. Sở Y tế cần kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, các chất khử khuẩn bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý, với tình hình dịch diễn biến khó lường, nếu cần thiết thì hạn chế hoạt động đối với những tụ điểm vui chơi, giải trí như tại các quán bar, karaoke… Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cần phải rà soát, đánh giá khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong trường hợp diễn biến dịch phức tạp hơn.

'Chúng ta phải chủ động, bình tĩnh thực hiện tất cả biện pháp, tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Mọi tình huống cần phải được dự trù, chuẩn bị trước, không được chủ quan nhưng cũng tuyên truyền để người dân không hoang mang', Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!