Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Daegu, Hàn Quốc ngày 22/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong tuần này, Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) sẽ cung cấp khẩu trang cỡ nhỏ 2 lần (vào thứ Tư và thứ Bảy) và tăng lên 3 lần vào tuần sau, giúp người dân nước này mua khẩu trang loại nhỏ thuận tiện hơn.
Quyết định trên được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu khẩu trang cỡ nhỏ ở nhiều hiệu thuốc lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong thông báo ngày 25/3, cơ quan trên cũng cho biết đã cung cấp 864.000 khẩu trang cỡ nhỏ cho 16.695 hiệu thuốc trên toàn quốc.
Trong ngày 25/3, số khẩu trang được cung cấp thông qua các điểm bán hàng do nhà nước chỉ định là 10.454.000 chiếc.
1.429.000 chiếc trong số đó là khẩu trang loại nhỏ, được ưu tiên phân bổ cho Bộ Giáo dục Hàn Quốc để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới ngày 6/4 tới.
Các điểm bán khẩu trang chỉ định là hiệu thuốc, chuỗi siêu thị Nonghyup Hanaro Mart (trừ khu vực Seoul và tỉnh Gyeonggi), bưu điện tại khu vực thành phố Daegu và huyện Cheongdo tỉnh Bắc Gyeongsang.
Mỗi người dân được mua tối đa 2 chiếc khẩu trang một tuần và vào một ngày nhất định. Người nào không mua được trong tuần có thể mua tối đa 2 chiếc vào cuối tuần.
Đối tượng có thể nhờ người khác mua hộ khẩu trang gồm người khuyết tật, người đang nhận trợ cấp chăm sóc dài hạn, người cao tuổi (sinh trước năm 1940), trẻ em (sinh sau năm 2010), phụ nữ mang thai, và thương binh.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án mở rộng đối tượng có thể nhờ mua hộ khẩu trang.
Cùng ngày, Triều Tiên đã khuyến cáo người dân không nên tới những khu vực đông người và cho biết bệnh COVID-19 có thể bị lây nhiễm thậm chí thông qua viêm mắt.
Đăng tải một nghiên cứu y tế được thực hiện ở nước ngoài, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã nhấn mạnh những biện pháp cách ly xã hội khi mà COVID-19 bị phát hiện dễ truyền nhiễm hơn những dịch bệnh trước đây.
Báo này nêu rõ: 'Có một nguy cơ lây nhiễm virus thông qua mắt... hệ hô hấp không phải là con đường duy nhất mà SARS-CoV-2 có thể lây lan.'
Báo này cũng khuyên các nhân viên y tế đeo kính bảo hộ trong khi điều trị cho các bệnh nhân.
Tờ Rodong Sinmun cũng nhấn mạnh cần tránh xếp hàng dài tại các cửa hàng hay tới các địa điểm đông người như một phần của những nỗ lực cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trong khi đó, cơ quan tuyên truyền khác của Triều Tiên là Uriminzokkiri cũng cho biết tất cả biên giới, bao gồm đất liền, trên biển và trên không, đã bị phong tỏa trước và những biện pháp nghiêm ngặt đã được thực thi để ngăn chặn virus.
Còn Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đưa tin về những nỗ lực của đất nước là cung cấp chăm sóc đặc biệt cho những thai phụ tự cách ly ở các tỉnh, trong đó có việc phân phát lương thực dinh dưỡng.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 24/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ đồng ý giãn nợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) trong vòng một năm. Theo đó, chính sách sẽ được áp dụng cho các khoản vay kinh doanh trị giá đến 10 tỷ Rp (619.118 USD) tại các ngân hàng và tổ chức phi tài chính để giúp MSMEs đối phó với các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh.
Tổng thống Widodo nhấn mạnh các chủ nợ không được phép buộc người vay trả góp, đặc biệt là thông qua các dịch vụ đòi nợ và đề nghị cảnh sát không thực thi các vụ việc liên quân đến chính sách này.
Do đó, đối với những người lái xe ôm, tài xế taxi hiện đang có khoản vay mua xe hoặc ngư dân vay mua thuyền, không phải lo lắng, các khoản thanh toán lãi và trả góp sẽ bị hoãn trong một năm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội MSME Ikhsan Ingratubun ước tính từ đầu tháng Ba đến nay, doanh thu bán hàng của MSMEs đã giảm 30% đến 35% trên khắp Indonesia.
Ông dự đoán lĩnh vực này sẽ tiếp tục bị tác động mạnh trong 3 tháng tới. Do vậy, cần có những hành động cụ thể từ chính phủ để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh nhất có thể.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã triển khai hai gói kích thích trị giá 22.900 tỷ Rp và 10.300 tỷ Rp, bao gồm giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp và nới lỏng các khoản giải ngân cho vay và yêu cầu tái cơ cấu.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ngày 25/3 đã chính thức công bố áp dụng sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ 26/3-30/4.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, thông báo của Chính phủ Thái Lan nêu rõ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ được thực thi tại tất cả các khu vực, có hiệu lực từ nửa đêm 25/3.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Prayut yêu cầu tất cả các cửa hàng bán thực phẩm và hàng tiêu dùng vẫn có thể mở cửa, nhưng cảnh báo những kẻ lợi dụng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp nhằm trục lợi cá nhân sẽ phải đối mặt với hành động nghiêm khắc.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và các thể chế tài chính khác cho biết họ sẽ duy trì càng nhiều chi nhánh mở cửa càng tốt nhằm đảm bảo việc kinh doanh có thể tiếp tục trong thời gian thực thi tình trạng khẩn cấp COVID-19.
BoT cùng Hiệp hội Các ngân hàng Thái Lan, Hiệp hội Các ngân hàng quốc tế và Hiệp hội Các tổ chức tài chính của chính phủ cho biết những cơ sở tài chính dưới sự giám sát của họ đã sẵn sàng đảm bảo khách hàng có thể tiếp cận những dịch vụ quan trọng như gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán và thủ tục vay mượn.
Các chi nhánh và đơn vị tín dụng sẽ mở cửa như bình thường khi có thể và khách hàng cần giữ khoảng cách ít nhất 1,5m trong khi chờ được phục vụ.
Các kênh thanh toán điện tử, kể cả máy ATM, máy gửi tiền tự động, ngân hàng trực tuyến… sẽ hoạt động 24/24.
Bộ Y tế Thái Lan ngày 25/3 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 107 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 trên cả nước lên 934 người./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!