Hành động khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS

Sống khỏe mạnh - 05/19/2024

Các yếu tố lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam đang biến đổi phức tạp, khó kiểm soát với việc xuất hiện các yếu tố lây nhiễm mới.

Tiến sỹ Kristan Schoultz, Giám đốc Quốc gia, UNAIDS Việt Nam (Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về AIDS) nhận định, Việt Nam đang ở vào một thời khắc cực kỳ quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV/AIDS.

Nhiều thành tựu to lớn đã có được trong 25 năm phòng chống HIV/AIDS đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng thay đổi không ổn định xung quanh vấn đề tài chính. 'Song, Việt Nam đặt quyết tâm đạt được mục tiêu toàn cầu về Kết thúc dịch AIDS vào 2030 thì hơn bao giờ, ngay lúc này chúng ta phải chuyển hướng!'.

Theo bà Kristan Schoultz, phân tích từ Khung đầu tư chiến lược tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, mới chỉ có một phần nhỏ ngân sách dự phòng lây nhiễm HIV được phân bổ cho các chương trình dành cho những người tiêm chích ma túy, người bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới - cho dù đây là những nhóm chiếm hơn một nửa tổng số các ca nhiễm mới.

Vị Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam chỉ rõ, khung đầu tư chiến lược cũng cho thấy độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV hiện nay chưa tương xứng với phân bố số các ca nhiễm. Ở một số vùng, số lượng người sống với HIV sẽ cao hơn và có nhu cầu nhiều hơn về các dịch vụ này, nhưng các dịch vụ vẫn chưa được cung cấp đủ.

Hành động khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS

Việt Nam đang ở vào một thời khắc cực kỳ quan trọng để tiếp tục đối đầu thành công với dịch HIV/AIDS (Ảnh minh họa: Internet)

Trước thách thức Việt Nam bị thiếu nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS trầm trọng trong thời gian tới, bà Kristan Schoultz cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam cần hành động khẩn cấp để thay đổi tình trạng này, sử dụng những bằng chứng thực tiễn đã có để đưa ra các quyết định đầu tư mang tính chiến lược hơn, để thu được nhiều giá trị lớn hơn từ những đồng vốn bỏ ra đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS.

'Việc làm này cũng rất quan trọng, tương đương với việc tìm các phương án để gia tăng ngân sách trong nước nhằm đảm bảo duy trì ứng phó lâu dài phòng chống HIV/AIDS. Và thực sự đã đến lúc, chúng ta không còn thời gian để uổng phí', vị Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam cho hay.

Ở một góc độ khác, ông Steve Kraus - Giám đốc UNAIDS Khu vực châu Á Thái Bình Dương phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch HIV/AIDS trong khu vực chỉ tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhưng số liệu gần đây cho thấy chỉ có khoảng 8% tổng số chi tiêu cho phòng chống AIDS là dành cho dự phòng lây nhiễm HIV trong các nhóm hành vi nguy cơ cao.

'Chúng ta không đầu tư một cách có chiến lược, chúng ta không tối đa hóa hiệu quả của đồng tiền ít ỏi chúng ta đang có. Chúng ta phải tính toán chiến lược hơn để thu được kết quả từ những đồng vốn bỏ ra này', ông Steve Kraus nhấn mạnh.

Ông Steve Kraus cho rằng các nước ASEAN có thể coi thời khắc phải thắt lưng buộc bụng này là một cơ hội, tạo ra nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa cho các chi phí đã bỏ ra việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Lồng ghép các dịch vụ phòng chống HIV vào các dịch vụ chăm sóc bà mẹ-trẻ em, dịch vụ phòng chống lao và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác có thể giúp chúng ta hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Trong hội thảo mang tên 'Tài chính bền vững cho phòng chống HIV/AIDS tại các nước ASEAN' trong Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 đã diễn ra tại Hà Nội, tham luận đầu tư chiến lược nhằm kết thúc đại dịch AIDS tại Thái Lan được rất nhiều nước đánh giá cao và học hỏi.

Tại buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Quản lý AIDS quốc gia của Bộ Y tế Thái Lan đã đưa ra các phương pháp phân tích logic về việc đầu tư hiệu quả và khung đầu tư chiến lược của Thái Lan để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Thái Lan hạn chế các nguồn lực cho dự phòng và phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn lực bên ngoài, đặc biệt tiến hành các can thiệp cho nhóm dễ bị tổn thương.Theo đó, Thái Lan tập trung vào các biện pháp đầu tư chủ yếu gồm: gia tăng tư vấn xét nghiệm HIV để đạt được diện bao phủ 90% ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Đó là các nhóm như quan hệ đồng tính nam, mại dâm, tiêm chích ma túy. Tiếp theo đó là chiến lược điều trị ARV sớm cho tất cả người nhiễm HIV và kế tiếp là việc duy trì bệnh nhân điều trị và tuân thủ điều trị.

Đặc biệt, Thái Lan đang thực hiện chiến lược chuyển đổi từ khống chế bệnh dịch sang kết thúc dịch AIDS bằng cách vận động để tất cả mọi người đều được khuyến khích biết về tình trạng HIV, bình thường hóa HIV như các vấn đề khác đồng thời tạo môi trường chính sách và các cơ chế thuận lợi tăng cường thông tin chiến lược và quản lý.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!