Hành trình cùng con chiến đấu với bệnh u não của bà mẹ gốc Việt

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Annabelle Nguyễn (Australia) từng có tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác trước khi đột ngột đổ bệnh vào năm 2015

Annabelle Nguyễn (Australia) từng có tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác trước khi đột ngột đổ bệnh vào năm 2015. Trong chuyến thăm quê hương Việt Nam, cô bé mới hai tuổi rưỡi bỗng gặp ác mộng liên tiếp rồi sau đó bị méo miệng khi cười, nghiêng người và hay ngã lúc đi lại, ăn thì thường xuyên hóc và không nhai được thức ăn.

Thấy con gái xuất hiện triệu chứng bất thường, mẹ Annabelle là chị Sandy Nguyễn nhanh chóng đưa con đi khám. Các bác sĩ Việt Nam chẩn đoán bé bị viêm tai nên ảnh hưởng tới thần kinh rồi kê thuốc kháng sinh. Uống mãi không khỏi, chị Sandy đưa Annabelle đi chụp CT và MRI. Tuy vậy, đội ngũ y tế vẫn không biết điều gì xảy ra với bệnh nhi mà chỉ phát hiện có gì đó bất thường trong não.

Hành trình cùng con chiến đấu với bệnh u não của bà mẹ gốc Việt

Bé Annabelle Nguyễn bị u thân não khi mới hai tuổi rưỡi. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Sáng 29/9/2015, Annabelle cùng gia đình quay lại Perth (Australia) nơi họ định cư. Lúc này, các bác sĩ kết luận bé gái bị u thân não (DIPG). Là dạng ung thư cực kỳ nguy hiểm, DIPG chủ yếu ảnh hưởng đến lứa tuổi 5-15 và không thể phẫu thuật. Thông thường, thời gian của bệnh nhân DIPG chỉ kéo dài thêm 6-9 tháng từ ngày chẩn đoán. Tỷ lệ sống qua năm năm chưa đầy 1%.

Chia sẻ với VnExpress.net, chị Sandy Nguyễn đau lòng nhớ lại ngày nhận tin con gái mắc bệnh hiểm nghèo. 'Ngồi trong phòng cùng 7-8 bác sĩ cùng nhân viên xã hội, vợ chồng tôi rất lo lắng, không hiểu tại sao có nhiều người thế này', người mẹ kể. 'Họ đưa tôi hộp khăn giấy rồi nói xin lỗi. Tại sao lại xin lỗi cơ chứ'.

Nghe chẩn đoán của Annabelle, tai chị Sandy ù đi. Các bác sĩ như thể đang dùng tiếng ngoài hành tinh khiến chị không thể hiểu nổi. 'Họ nói con tôi chỉ sống được 6-9 tháng hoặc may mắn lắm là 12 tháng nên hãy về nhà để tạo ra thêm kỷ niệm', chị Sandy nghẹn ngào. Biết bao dự định chưa kịp thực hiện đã sụp đổ, hai vợ chồng ôm nhau và đứa con chưa đầy ba tuổi, khóc nức nở trước mặt đội ngũ y tế.

Hành trình cùng con chiến đấu với bệnh u não của bà mẹ gốc Việt

Gia đình chị Sandy Nguyễn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Từ ngày 12/10/2015, Annabelle bắt đầu sáu tuần xạ trị. Trước đó, bé được cho uống steroid để khối u giảm sưng. Dù không gây nguy hiểm, thuốc khiến bệnh nhi thay đổi tính nết. Bé dễ nổi giận, khóc lóc, quấy cả ngày lẫn đêm và lúc nào cũng có cảm giác đói đến mức ăn 8-10 bữa chính một ngày. Sau ba tuần 'địa ngục', cân nặng Annabelle từ 16 kg lên thành 28 kg.

Có con là bệnh nhi duy nhất bị DIPG ở Perth, chị Sandy cảm thấy chới với, không thể liên lạc hay hỏi thăm ai. Nghĩ sự sống của Annabelle chỉ còn tính bằng tháng, kết thúc xạ trị, gia đình đưa em nhỏ trở về Việt Nam. Từ tháng 3/2016 đến tháng 5/2017, Annabelle điều trị bằng khí công, thuốc nam và bấm huyệt mỗi ngày.

Đầu tháng 5, kết quả chụp MRI cho thấy khối u trong não Annabelle phát triển trở lại. Bé thường xuyên quấy khóc, kêu đau đầu, hay tỉnh vào ban đêm rồi khóc hoặc cười. 'Lúc đó tôi không thể suy nghĩ gì khác ngoài việc tự hỏi: 'Tại sao lại vào lúc này?'', chị Sandy xót xa. 'Gần hai năm trời, Annabelle dường như đã bình thường. Chúng tôi còn dự định chuyển về Australia để con đi học tiếp'.

'Điên cuồng' lên mạng lùng sục cách chữa bệnh DIPG, chị Sandy tình cờ phát hiện phương pháp thử nghiệm ở Mexico, kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và thuốc hóa trị đưa thẳng vào khối u. Thấy nhiều gia đình Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland lựa chọn, gia đình Annabelle liền đưa con tới Mỹ.

Tại Mexico, mỗi đợt trị liệu tốn 27.000 USD. Hiện Annabelle đã trải qua bảy đợt, kích thước khối u giảm gần một cm so với tháng 5 còn 4,03 cm. Tế bào ung thư gần như biến mất song chưa thể dừng lại mà vẫn cần tiếp tục.

Hành trình cùng con chiến đấu với bệnh u não của bà mẹ gốc Việt

Bé Annabelle trên giường bệnh. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Giờ đây, bên cạnh nỗi lo về sức khỏe con gái, gia đình Annabelle còn đối mặt với gánh nặng tài chính. 'Tiền ăn ở và điều trị đã vượt quá 300.000 USD. Bố mẹ chồng tôi mượn tiền qua ngân hàng nhưng tương lai không biết có thể trả nổi không', chị Sandy trải lòng. Nhờ kêu gọi trên mạng xã hội, gia đình Annabelle đã nhận được 10.000 USD quyên góp từ các nhà hảo tâm. Tuy vậy, con số này khiêm tốn so với khoản chi phí khổng lồ.

Dù sao đi nữa, chị Sandy khẳng định hai vợ chồng sẽ cùng con vượt qua mọi khó khăn. Bà mẹ trải lòng: 'Nhiều người nói chắc gì con đã khỏi mà tốn kém như vậy. Nhưng phải ở hoàn cảnh của một người mẹ 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau mới hiểu được. Annabelle mới năm tuổi, tương lai còn biết bao điều chờ con khám phá và đóng góp'.

Bên cạnh đó, hai tuần trước, một em bé Mỹ bị PIDG đã khỏe hẳn nhờ phương pháp ở Mexico đem lại cho chị Sandy hy vọng: 'Mong rằng Annabelle cùng tất cả các bé trên thế giới cũng được kết quả như vậy'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!