Trong mắt nhiều phụ huynh, cắt móng tay, móng chân cho trẻ em là một chuyện tưởng như đơn giản. Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách không cẩn thận thì hành động ấy lại có thể gây ra những tổn thương không đáng có cho các bé.
Nguyên nhân là bởi các bậc cha mẹ thường xuyên mắc phải những sai lầm không hề nhỏ trong khi tiến hành cắt móng cho con.
Sai lầm thứ nhất: Lựa chọn tần suất không thích hợp
Móng tay và móng chân của trẻ phải lúc nào cũng có thể cắt cùng một thời điểm.
Để móng mọc quá dài mới cắt, hoặc cắt khi móng còn quá ngắn đều là những 'sai lầm kinh điển' của các phụ huynh khi lựa chọn thời gian cắt móng cho con cái.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, để móng mọc quá dài sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị tổn thương do chính móng của mình, ngoài ra còn tạo thêm các nguy cơ gây đau đớn cho bé như gãy móng, bật móng…
Ngược lại, nếu cắt khi móng còn quá ngắn, chỉ một phút sơ sẩy là các bậc cha mẹ có thể cắt vào phần thịt ở đầu ngón tay, ngón chân và gây ra chảy máu.
Vậy lúc nào mới là thời điểm thích hợp để cắt móng cho trẻ?
Trên thực tế, tốc độ sinh trưởng của móng tay và móng chân không hề giống nhau, nên thời gian cắt hai loại móng này không mấy khi diễn ra đồng thời. Khi nhìn thấy móng của trẻ đã dài hơn một chút so phần thịt ở đầu ngón tay, ngón chân, thì bạn có thể giúp bé cắt tỉa lại móng.
Tần suất thích hợp nhất để cắt móng tay thông thường là 1 – 2 lần/tuần. Con số này đối với móng chân lại chỉ dao động ở mức 1 – 2/tháng.
Ngoài ra, các phụ huynh nên chú ý quan sát trẻ hàng ngày để theo dõi sự phát triển của móng trong thực tế, từ đó điều chỉnh thời gian cắt sao cho hợp lý.
Sai lầm thứ hai: Thời điểm cắt móng không thích hợp
Cắt móng tay, móng chân tuy là chuyện nhỏ, nhưng các bậc phụ huynh nên tiến hành một cách cẩn thận và từ tốn. (Ảnh minh họa).
Cắt móng tay, móng chân tuy là chuyện nhỏ, nhưng bố mẹ cũng không nên vì vậy mà tiến hành một cách qua loa hoặc vội vàng.
Đối với các bé sơ sinh hoặc dưới 5 tuổi, thời điểm thích hợp và an toàn nhất để tiến hành cắt móng là khi con ngủ. Bởi lúc này bé sẽ hạn chế cựa quậy, giúp giảm tối đa nguy cơ bị tổn thương do kềm cắt móng.
Với các bé lớn hơn, phụ huynh có thể cắt móng cho các em vào thời điểm rảnh rỗi khi mới tắm xong. Vì lúc này, móng đã trở nên mềm và dễ cắt bỏ hơn.
Sai lầm thứ ba: Dùng dụng cụ người lớn để cắt móng cho trẻ
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, bạn nên sử dụng dụng cụ cắt móng tay riêng dành cho các bé. (Ảnh: Nguồn Internet).
Muốn quá trình cắt móng cho con diễn ra an toàn và thuận lợi, trước tiên bạn nên chuẩn bị một bộ dụng cụ cắt móng dành cho trẻ em với tối thiểu là 1 kềm cắt móng và 1 chiếc giũa móng.
Bởi kềm cắt móng của người lớn có độ sắc và kích thước không phù hợp với trẻ em, nên tốt nhất bạn nên đến các cửa hàng dành cho mẹ và bé để sắm một bộ dụng cụ chuyên dụng dành cho bé.
Sai lầm thứ tư: 'Lấy khóe' móng tay, móng chân cho trẻ bằng vật nhọn
Thay vì dùng các vật nhọn để giúp trẻ lấy khóe, hãy để con trẻ rửa tay, chân để làm sạch các chất bẩn trong móng. (Ảnh: Nguồn Internet).
Quá trình cắt móng tay, móng chân của người lớn thường đi kèm với một khâu có tên là 'lấy khóe', nghĩa là dùng vật nhọn để gạt đi những chất bẩn nằm trong khóe móng. Tuy nhiên quá trình này kỳ thực lại không cần thiết đối với trẻ em.
Nếu trong móng tay của trẻ có chất bẩn, bạn nên dùng nước sạch xả cho đến khi hết. Bởi dùng những vật nhọn để 'lấy khóe' sẽ dễ dàng làm tổn thương lớp da thịt còn non nớt của các bé và gây đau đớn.
Sai lầm thứ năm: Băng kín vết thương khi lỡ cắt vào thịt
Băng bó các vết thương nhỏ ở đầu ngón tay, ngón chân không thích hợp với những trẻ còn quá bé.
Nếu chẳng may cắt vào thịt của con, nhiều phụ huynh thường lựa chọn ngay phương án băng bó kín vết thương để tránh nhiễm trùng. Thế nhưng đây cũng bị coi là một sai lầm kinh điển trong việc sơ cứu vết thương cho trẻ.
Theo kiến nghị của các chuyên gia, nếu kềm cắt móng làm da bé chảy máu, bạn chỉ cần dùng băng gạc vô trùng đắp lên vết thương cho tới khi máu không còn chảy rồi bôi chút thuốc mỡ kháng sinh là được.
Việc băng bó kín vết thương là điều không cần thiết, nhất là đối với các bé còn nhỏ và có thói quen mút tay, bởi lớp băng có thể gây khó chịu cho miệng của trẻ.
Nhưng cũng phải lưu ý rằng, không băng kín vết thương không có nghĩa là bạn để cho bé mút tay ngay sau khi mới bị chảy máu. Bởi việc để nước bọt bám lên vết thương cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Cắt móng cho con tưởng như là một việc đơn giản, nhưng trên thực tế lại không hề dễ dàng. Vì vậy các bậc cha mẹ cần thực sự chú ý khi thực hiện quá trình này để tránh gây những tổn thương không đáng có cho con trẻ.
Theo Sohu.com
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!