Định nghĩa
Định nghĩa
Hẹp động mạch cảnh là bệnh gì?
Hẹp động mạch cảnh là tình trạng động mạch cảnh bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Động mạch cảnh là động mạch đóng vai trò chủ yếu trong việc đưa máu giàu oxy lên não. Do đó hẹp động cảnh rất nguy hiểm vì có thể khiến cho lưu lượng máu đến não giảm đi. Nếu lưu lượng máu lên não bị gián đoạn, cơn đột quỵ có thể xảy ra.
Những ai thường mắc phải hẹp động mạch cảnh?
Hẹp động mạch cảnh thường xuất hiện ở người cao tuổi hơn, đặc biệt nếu người đó có hút thuốc hoặc bị tiểu đường. Theo thống kê, hẹp động mạch cảnh xảy ra ở khoảng 5 trên 1.000 người có độ tuổi từ 50 đến 60 và ở 100 trên 1000 người có độ tuổi từ 80 trở lên.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch cảnh là gì?
Hầu hết người bị hẹp động mạch cảnh thường không có triệu chứng nào cho đến khi mức độ hẹp của động mạch trở nên trầm trọng hơn. Ở một số người thì có thể xuất hiện những cơn đột quỵ nhẹ gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIAs). Những cơn đột quỵ nhẹ này thường kéo dài ít hơn 10 phút và xảy ra khi một khu vực trên não bị thiếu nguồn cung cấp máu trong một khoảng thời gian ngắn.
Các triệu chứng của cơn đột quỵ nhẹ phụ thuộc vào những động mạch nào đã bị ảnh hưởng, trong đó các triệu chứng thường thấy bao gồm:
- Cảm giác yếu hoặc tê ở một bên mặt hoặc cơ thể (mặt, cánh tay, chân);
- Thị lực thay đổi;
- Lú lẫn;
- Nói lắp hoặc không thể nói chuyện;
- Khó nuốt.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hẹp động mạch cảnh là gì?
Nguyên nhân chính gây ra hẹp động mạch cảnh thường là do sự tích tụ của các lớp chất béo được gọi là các mảng xơ vữa (như trong bệnh xơ vữa động mạch). Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra hẹp động mạch cảnh như:
- Phình mạch;
- Viêm động mạch;
- Bóc tách động mạch;
- Chứng loạn sản của sợi cơ;
- Tổn thương mô sau xạ trị (sự hoại tử do bức xạ);
- Sự co thắt của các mạch máu.
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hẹp động mạch cảnh?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch cảnh bao gồm:
- Hút thuốc lá;
- Huyết áp cao;
- Nồng độ lipit không bình thường hoặc cholesterol cao;
- Khẩu phần ăn với nhiều chất béo bão hòa;
- Kháng insulin;
- Bị tiểu đường;
- Bị béo phì;
- Có lối sống ít hoạt động;
- Gia đình có tiền sử bị chứng xơ vữa động mạch, chứng hẹp động mạch vành hoặc động mạch chủ;
- Độ tuổi: đàn ông nhỏ hơn 75 tuổi có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn phụ nữ trong cùng nhóm tuổi. Phụ nữ trên 75 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đàn ông. Người bị bệnh về động mạch vành có nguy cơ cao để phát triển thành bệnh hẹp động mạch cảnh.
Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hẹp động mạch cảnh?
Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ hẹp của động mạch và các triệu chứng xảy ra. Các phương pháp điều trị có thể chia làm hai nhóm điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm:
- Ngừng hút thuốc, kiểm soát mức tăng lipid máu và đường huyết để giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh.
- Sử dụng aspirin liều thấp (81 hoặc 325 ml hàng ngày) có thể điều trị hẹp động mach cảnh nhẹ, chưa xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng.
Nếu mức độ hẹp động mạch từ 70-99% và đã xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (CEA) để loại bỏ các mảng bám trên động mạch.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hẹp động mạch cảnh?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán hẹp động mạch cảnh dựa trên bệnh sử và khám lâm sáng các triệu chứng một cách kỹ lưỡng. Khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể sử dụng ống nghe để phát hiện các âm thanh bất thường từ động mạch cảnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm khác để đảm bảo kết chẩn đoán, bao gồm:
- Các xét nghiệm về nồng độ chất béo (cholestrol, triglycerides) và đường huyết đói.
- Siêu âm động mạch cảnh để đánh giá mức độ hẹp lòng các động mạch cảnh.
Bác sĩ cũng có thể cần chụp CT mạch máu (CTA) và chụp MRA (chụp cộng hưởng từ mạch máu) trước khi tiến hành phẫu thuật để xác định rõ hơn khu vực cần phẫu thuật.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp động mạch cảnh?
Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh hẹp động mạch cảnh:
- Dùng khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng với nhiều trái cây, rau và các loại hạt.
- Hạn chế chất béo, ăn ít hoặc không ăn các thực phẩm chế biến sẵn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!