Hẹp động mạch cảnh dễ gây tai biến

Sống khỏe mạnh - 04/20/2024

Bệnh hẹp động mạch cảnh (ĐMC) là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua vì ĐMC là động mạch lớn nhất cung cấp máu cho não.

Vì vậy, việc hiểu biết về vấn đề này là vô cùng quan trọng.

Ca bệnh điển hình

Khoảng 1 năm nay, ông T. (64 tuổi, trú tại Phú Thọ) xuất hiện tình trạng đau đầu, thường tối sầm mặt khi thay đổi tư thế, thậm chí choáng váng khi vận động mạnh.

Trước nhập viện 1 tháng, bệnh nhân thường xuất hiện những cơn đau đầu tăng lên, hay choáng ngất. Được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám và các bác sĩ phát hiện hẹp 75% gốc ĐMC trong bên trái do xơ vữa. Bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật bóc nội mạc ĐMC trong trái, sau mổ, người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hoàn toàn ổn định sau mổ và được ra viện sau 6 ngày.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp được phát hiện và mổ kịp thời. Các nghiên cứu cho rằng, tai biến mạch máu não rất thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư.

Có nhiều nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, trong đó hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân khá thường gặp (chiếm khoảng 30% các trường hợp). Tuy nhiên, căn bệnh hẹp ĐMC ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá muộn, mọi phương pháp chữa trị chỉ là hỗ trợ.

Hẹp động mạch cảnh dễ gây tai biến

Hẹp động mạch cảnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật.

Hậu quả của hẹp ĐMC

ĐMC là một trong những động mạch quan trọng cung cấp máu cho não và vùng đầu mặt cổ. Từ trong lồng ngực, ĐMC chung bên phải xuất phát từ động mạch thân cánh tay đầu, bên trái xuất phát từ quai động mạch chủ.

Các động mạch cảnh chung đi lên và nằm hai bên cổ, đến đoạn giữa cổ chia thành ĐMC ngoài để cấp máu nuôi vùng đầu mặt và ĐMC trong tiếp tục đi lên trên, chui vào trong sọ để cấp máu cho não. Hẹp ĐMC có thể dẫn đến thiếu máu não hoặc nặng hơn dẫn đến nhồi máu não.

Nguyên nhân nào gây hẹp ĐMC?

Có nhiều nguyên nhân gây hẹp ĐMC gồm: xơ vữa mạch, bóc tách do chấn thương, viêm mạch máu, bẩm sinh... nhưng nguyên nhân chủ yếu của hẹp ĐMC là do xơ vữa. Hẹp ĐMC dẫn đến thiếu cấp máu cho não và biểu hiện triệu chứng suy giảm chức năng của các vùng não tương ứng từ nhẹ đến nặng gồm: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, choáng váng, méo miệng, nói đớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức, mất ý thức, hôn mê, yếu liệt tay chân...

Nhóm người thường gặp bệnh lý hẹp ĐMC trên 60 tuổi, người có bệnh nội khoa như: đái tháo đường, tăng huyết áp... Nhóm những người mang yếu tố nguy cơ khác gồm: người hút thuốc lá, béo phì, tăng mỡ máu, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo.

Hẹp động mạch cảnh dễ gây tai biến

Ca hẹp động mạch cảnh trong ngoài sọ bên trái gây nhồi máu não.

Phát hiện sớm để tránh đột quỵ

Có thể không biểu hiện gì đặc biệt, gọi là hẹp ĐMC không triệu chứng. Bệnh được phát hiện khi khám tổng quát hoặc khám vì một bệnh lý khác (tim mạch, tuyến giáp...).

Hẹp ĐMC có triệu chứng, đó là biểu hiện của thiếu máu não thoáng qua hay nặng hơn là tai biến mạch máu não, với các triệu chứng như sau: Yếu hoặc liệt chân tay; mờ hoặc mù một mắt, thường thoáng qua (vài giây, vài phút, vài giờ) sau đó thấy lại bình thường; rối loạn giọng nói như khó nói hoặc không nói được. Các triệu chứng này thường xảy ra đột ngột.

Có bệnh nhân chỉ bị một triệu chứng, ngược lại có bệnh nhân bị nhiều triệu chứng cùng lúc. Nếu tự phục hồi hoàn toàn trước 24 giờ, gọi là thiếu máu não thoáng qua; còn nếu tồn tại hơn 24 giờ và thường là nhiều tháng, nhiều năm gọi là tai biến mạch máu não thực sự.

Các nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ nhồi máu não do hẹp động mạch nội sọ ở người châu Á là 30 - 50%, trong đó nhồi máu do hẹp ĐMC chiếm 5 - 10% số bệnh nhân đột quỵ não. Tuy nhiên, bệnh hẹp ĐMC ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp ĐMC bị tàn phế suốt đời. Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm. Do đó, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi trên 50, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động... không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ.

Chẩn đoán hẹp ĐMC được thực hiện đơn giản, nhanh chóng bằng siêu âm ĐMC đoạn cổ. Khoảng 70% các trường hợp hẹp ĐMC xảy ra ở đoạn cổ. Do đó, hoàn toàn có thể phát hiện được bệnh lý này bằng siêu âm. Ở những trường hợp khác, nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT scan động mạch cảnh hoặc MRI ĐMC để tầm soát những chỗ hẹp bên trong sọ hoặc ở đoạn trong lồng ngực mà không thể phát hiện được bằng siêu âm.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa bệnh hẹp động mạch cảnh phải cố gắng giảm và loại bỏ các yếu tố nguy cơ nếu có, đó là: Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bỏ thuốc lá, tránh béo phì. Đồng thời cũng nên sống gần gũi thiên nhiên, vận động nhiều, tập thể dục đều đặn... Đặc biệt, không nên hút thuốc lá, thuốc lào vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh, trong đó có hẹp ĐMC.

Đối với những người đã bị hẹp ĐMC thì những biện pháp này giúp cho bệnh nhân không nặng thêm, còn đối với người chưa mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!