Bạn có thể thấy ai đó thức giấc vào nửa đêm, đi lại lang thang trong nhà với đôi mắt nhắm nghiền trong nhiều bộ phim. Thực chất, hiện tượng mộng du không chỉ xảy ra trong những cảnh phim mà có thể phổ biến hơn bạn vẫn nghĩ đấy.
Người bị mộng du thường sẽ không biết mình đã hành động gì khi ngủ, đó có thể chỉ là những hành động vô hại như đi qua lại hoặc cũng có thể là những hành vi gây nguy hiểm hơn như đi ra khỏi nhà trong tình trạng vô thức. Hiểu biết đúng về tình trạng mộng du có thể giúp bạn và người thân phòng tránh được những nguy hiểm khi gặp phải tình trạng này.
Hiểu đúng về hiện tượng mộng du
Hiện tượng mộng du có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng về tình trạng này vì chúng ta vẫn có cách để cải thiện tình trạng.
Hiện tượng mộng du là gì?
Mộng du là một dạng rối loạn hành vi xảy ra khi bạn đã rơi vào trạng thái ngủ sâu, khi đó bạn sẽ đi lại hay thực hiện một vài hành vi phức tạp khác trong khi đang ngủ mê. Hiện tượng mộng du ở trẻ em thường phổ biến hơn ở người lớn và dễ xuất hiện ở những người bị thiếu ngủ. Do ở trong trạng thái mộng du, bạn vẫn đang trong trạng thái ngủ sâu nên bạn thường sẽ không thể nhớ mình đã thực hiện hành động gì lúc đó.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Annals of Neurology (Mỹ) đã cho thấy hiện tượng mộng du là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn tự gây tổn thương cho chính mình. Trong một số ít trường hợp, người bị mộng du có thể đi ra khỏi nhà hay trèo ra ngoài cửa sổ.
Tại sao bạn bị mộng du?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn bị mộng du. Yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân phổ biến nhất. Nếu bạn có bố mẹ hay anh chị em bị mộng du thì bạn sẽ có nguy cơ bị mộng du cao hơn gấp 10 lần so với những người khác. Ngoài ra, hiện tượng mộng du cũng có thể xảy ra nếu như bạn:
- Bị căng thẳng
- Uống nhiều rượu
- Ngủ không đủ giấc
- Không có giờ ngủ cố định
- Sử dụng một số loại thuốc an thần hay một số loại thuốc kháng histamine (thường dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng)
Một số căn bệnh cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn bị mộng du như:
- Sốt
- Ợ nóng
- Động kinh
- Suyễn về đêm
- Rối loạn nhịp tim
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Hội chứng chân không nghỉ
- Tình trạng rối loạn đa nhân cách
- Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn
Hiện tượng mộng du về bản chất không hề nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn không thể nhận biết được mọi thứ xung quanh khi mộng du nên có thể sẽ gây tổn thương cho chính mình hoặc những người xung quanh.
Cách chữa bệnh mộng du
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống để cải thiện tình trạng mộng du hay nhờ đến sự can thiệp bằng thuốc điều trị do bác sĩ kê toa.
Cách chữa bệnh mộng du bằng lối sống
Hiện tượng mộng du liên quan nhiều đến giấc ngủ nên việc quan trọng nhất là phải đảm bảo bạn có được một giấc ngủ tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục thường xuyên.
1. Cải thiện giấc ngủ
Mệt mỏi và thiếu ngủ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mộng du, nên biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn nguy cơ của tình trạng này là bạn cần ngủ đủ giấc.
Giờ giấc ngủ đều đặn và hợp lý chính là chìa khóa để bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ. Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên cố gắng tạo ra các tín hiệu cho não bộ biết là đã đến lúc đi ngủ. Bạn hãy tắt hết đèn hoặc để chế độ đèn mờ, đặt smartphone ra xa. Thói quen tắm bằng nước ấm và bỏ ra một vài phút ngồi thiền cũng có thể giúp bạn có một giấc ngủ tốt.
2. Giảm bớt căng thẳng
Căng thẳng và lo lắng trong ngày nhiều khả năng sẽ khiến bạn gặp nhiều nguy cơ bị mộng du hơn. Một số cách như thiền, yoga hay dành thời gian trò chuyện với người thân có thể giúp bạn giảm bớt những nỗi lo âu và hoang mang trong cuộc sống thường nhật.
3. Tập thể dục thường xuyên
Khi tập thể dục, bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình rất tốt và nạp năng lượng cần thiết cho cơ thể trong suốt cả ngày. Các bài tập thể dục sẽ giúp cơ thể bạn thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, lưu ý nhỏ dành cho bạn là bạn đừng nên tập thể dục quá sát giờ đi ngủ, đặc biệt là những bài tập quá nặng có thể khiến bạn mệt mỏi và khó đi vào giấc ngủ hơn.
4. Chú ý chế độ ăn uống
• Bổ sung canxi và magie: Thiếu hụt khoáng chất canxi và magie có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ của bạn. Bạn có thể bổ sung thêm canxi bằng các thực phẩm như sữa, yogurt, phô mai, trà xanh… Còn nguồn magie dồi dào có thể được tìm thấy trong các thực phẩm như các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Nếu cảm thấy khó khăn khi bổ sung thêm khoáng chất bằng thực phẩm thì bạn có thể dùng đến các viên uống bổ sung.
• Tăng cường omega-3: Theo nghiên cứu công bố trong Tạp chí Journal of Sleep Research, cá là nguồn cung cấp axit béo omega-3 rất cần thiết giúp bạn có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Thêm cá hồi hoặc cá ngừ vào khẩu phần ăn mỗi tuần của mình có thể giúp bạn giảm bớt những triệu chứng rối loạn giấc ngủ rất hữu hiệu.
• Uống trà thảo mộc: Trà thảo mộc có thể giúp đưa cơ thể bạn vào trạng thái thư giãn và đi vào giấc ngủ ngon. Một số loại trà như trà lạc tiên, trà hoa cúc hay trà rễ cây nữ lang đã được chứng minh có công dụng rất tốt cho giấc ngủ và toàn bộ cơ thể.
Các biện pháp chữa mộng du tự nhiên dần dần có thể giúp bạn thoát khỏi cơn mộng du và tạo cảm giác thư giãn cho cơ thể.
Cách chữa bệnh mộng du bằng thuốc
Nhiều trường hợp, hiện tượng mộng du có thể được chữa khỏi bằng các biện pháp đơn giản là thay đổi lối sống hay các liệu pháp tự nhiên. Tuy nhiên, nếu trường hợp bạn bị mộng du thường xuyên và trải qua cảm giác mệt mỏi liên tục vào ban ngày thì bác sĩ có thể có thể sử dụng một số loại thuốc để cho tác dụng rõ rệt hơn:
• Prosom:Đây là loại thuốc an thần có thể giúp bạn ngủ dễ dàng hơn và sâu hơn, ít thức giấc vào giữa đêm hơn.
•Klonopin: Loại thuốc này có thể làm dịu dây thần kinh não bộ, thường được sử dụng để điều trị động kinh và các cơn hoảng loạn. Bằng cách giảm hoạt động của điện trong não, thuốc có thể giúp giảm tần suất bị mộng du hiệu quả.
• Trazadone: Loại thuốc chống trầm cảm này sẽ làm tăng mức serotonin trong não, dùng để điều trị trầm cảm, lo âu và các rối loạn liên quan đến giấc ngủ.
Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ nghiêm trọng của hiện tượng mộng du mà bạn đang trải qua để đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp cho bạn.
Bản thân tình trạng mộng du không ảnh hưởng đến tính mạng của bạn, tuy nhiên, những hành động vô thức lúc bạn bị mộng du có thể gây nguy hiểm cho bạn và những người xung quanh. Khi vẫn đang tìm cách chữa mộng du phù hợp thì bạn có thể hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra bằng cách dọn sạch sàn nhà, cất các vật sắc nhọn, khóa cửa cẩn thận hay giấu chìa khóa xe… Đặc biệt, bạn nên sống cùng bạn bè hoặc người thân để có thể hỗ trợ kịp thời vào những lúc mộng du nhé!
Tuyết Trinh | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 10 cách để có giấc ngủ ngon bạn nên biết
- Ác mộng do stress: Không ngủ ngon vì bạn quá lo lắng!
- Mộng du ở trẻ em không thể xem là chuyện đùa
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!