Và để đọc sách trở thành thói quen theo ta suốt cuộc đời, tình yêu với sách đã được người Mỹ quan tâm nuôi dưỡng trong mỗi đứa trẻ từ tấm bé.
1. Tạo thói quen đọc từ khi mới sinh
Từ khi trẻ mới ra đời, các bậc phụ huynh đã được bác sỹ khuyên bắt đầu đọc sách cho con càng sớm càng tốt, thậm chí trong sáu tháng đầu đời, bạn có thể đọc bất cứ thứ gì cho trẻ từ tiểu thuyết đến các bài báo khoa học. Đây là cách giúp trẻ làm quen và ghi nhớ các âm tiết của tiếng mẹ đẻ, khiến cho quá trình học nói của trẻ được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Kể từ sau sáu tháng, cha mẹ được khuyến khích đọc những truyện nhiều tranh ảnh phù hợp với lứa tuổi trẻ mỗi ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ để hình thành thói quen đọc sách hàng ngày cho trẻ. Một người mẹ Việt ở Mỹ chia sẻ, chị đọc sách cho con mỗi ngày, kể cả lúc con không chú ý, lâu dần thành thói quen, giờ cứ đến khi mẹ giở sách ra là bé biết tự động ngồi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng không có gì làm, bé biết tự ngồi xem sách. Điều quan trọng ở đây là cha mẹ đừng bắt ép trẻ phải luôn lắng nghe và tập trung theo những gì mình đọc, hãy để tình yêu sách ngấm vào các em một cách tự nhiên.
2. Thường xuyên đưa trẻ đi thư viện
Ngay từ khi còn bé, các bậc phụ huynh Mỹ đã thường xuyên đưa con đến thư viện để tạo thói quen mượn sách và tra cứu tại thư viện. Ngay cả chương trình học ở lớp cũng có nhiều bài tập yêu cầu các em đến thư viện tìm tòi, nghiên cứu và mượn sách truyện về đọc hàng ngày.
Để kích thích tình yêu đọc sách và khuyến khích các em đến thư viện, các thư viện cũng rất chú trọng vào việc tổ chức các hoạt động bổ ích, các lớp học miễn phí cho các em. Đặc biệt, các bạn nhỏ rất thích và hào hứng tham gia các chương trình thi đua đọc sách như đọc sách kiếm phần thưởng, đọc 1000 cuốn sách trước khi vào cấp 1…
Thư viện đã trở thành chốn thân thuộc để các bạn nhỏ thoải mái vui chơi và tham gia các hoạt động thú vị. Nhiều bạn thậm chí còn được bố mẹ làm cho thẻ thư viện riêng để tập tự mượn và trả sách theo ý mình.
3. Khuyến khích thói quen đọc sách hàng ngày
Ở trường cũng như ở nhà, người Mỹ thường cố gắng tạo môi trường đọc sách thân thiện với trẻ bằng cách đặt tủ sách ở vị trí dễ thấy, thuận lợi, có chỗ ngồi thoải mái để các bé có thể tự lấy sách đọc bất cứ khi nào muốn.
Ngay từ mẫu giáo, các bạn nhỏ đã thường xuyên được thầy cô đọc truyện cho nghe, giờ đọc truyện chung được coi là tâm điểm trong mỗi ngày lên lớp. Cuối tuần về nhà, trường sẽ phát cho mỗi bạn một túi sách để khuyến khích ba mẹ đọc sách cho con trong ngày nghỉ cuối tuần.
Đến tuổi đi học, các bạn tiếp tục được các thầy cô giáo truyền cảm hứng và tình yêu đọc sách. Đi học ở Mỹ, các bạn nhỏ có thể không có nhiều bài tập về nhà hay các môn học thuộc lòng nhưng các bạn có bài tập đọc sách ở nhà, nghĩa là nhà trường có quy định mỗi bạn phải dành ít nhất 20 phút đọc sách mỗi ngày phù hợp với trình độ của từng năm học. Trong chương trình học có những giờ phê bình sách để mỗi bạn trình bày và nhận xét về nột dung cuốn sách mình vừa đọc. Đến cuối năm học, mỗi bạn sẽ có bằng khen khích lệ từ cô giáo, tổng kết số sách đã đọc được trong năm để tiếp tục cố gắng. Các bài tập đọc sách như thế này được kéo dài xuyên suốt quá trình học tập của trẻ em Mỹ với yêu cầu đọc hiểu, nghiên cứu và tìm tòi, suy luận ngày một nâng cao.
Có thể bạn cho rằng giáo dục Việt Nam khác với Mỹ nhưng có thể thấy ý tưởng ở đây chỉ đơn giản là tạo thói quen đọc sách cho trẻ mỗi ngày và điều này bạn hoàn toàn có thể tự làm được ở nhà bằng cách cùng đọc sách với con mỗi ngày và đưa ra những câu hỏi mở để trẻ có cơ hội được suy nghĩ trên nội dung đã đọc được từ sách.
4. Cha mẹ là tấm gương cho con
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất chính là từ các vị phụ huynh. Khi ba mẹ ham mê đọc sách, các bé cũng có khuynh hướng bắt chước theo, tất nhiên hành động đọc sách của cha mẹ phải diễn ra đủ thường xuyên để bé thấy. Có nhiều cách để các bậc phụ huynh truyền cảm hứng và đồng hành cùng các bạn nhỏ trong quá trình chinh phục tình yêu với sách như hào hứng thảo luận về sách mình đang đọc, kể lại ngắn gọn nội dung thu hút của một cuốn sách hay tìm cho trẻ những cuốn sách hợp sở thích… Chỉ cần các bậc cha mẹ chịu bỏ thời gian cùng đọc và trò chuyện với con mỗi ngày, tương lai về những đứa trẻ yêu sách có lẽ sẽ không còn xa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!