Hội chứng ống cổ tay

Bệnh A-Z - 11/24/2024

Tìm hiểu về Hội chứng ống cổ tay trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Định nghĩa

Định nghĩa

Hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa) là bệnh gì?

Hội chứng ống cổ tay (hay còn gọi là hội chứng chèn ép thần kinh giữa – CTS) là một bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa của ống cổ tay. Dây thần kinh này đóng vai trò tiếp thu cảm giác và kiểm soát vận động ở cổ tay và bàn tay. Hội chứng này thường gây ra cảm giác đau, tê ran và ngứa, gây trở ngại cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.

Những ai thường mắc phải hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa)?

Một số ngành nghề yêu cầu vận động cổ tay nhiều như làm công việc văn phòng, ghi chép, thu ngân có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn. Ngoài ra, hội chứng này còn thường gặp ở một số người bán thịt cá, lao công hay những người lái xe máy nhiều.

Triệu chứng và dấu hiệu

Triệu chứng và dấu hiệu

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa) là gì?

Ở cổ tay, bàn tay, ngón tay cảm thấy đau, ngứa ran, tê và tay thường hay làm rơi đồ vật. Các triệu chứng thường tăng lên khi bắt tay hoặc bàn tay bị siết chặt. Một số người cảm thấy khó chịu ở phần trên cánh tay và vai. Các triệu chứng thường trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm và có thể làm mất ngủ.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng trên, đặc biệt là những triệu chứng này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và giấc ngủ của bạn. Hội chứng này có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thần kinh và gây tổn thương cơ nếu bệnh không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa) là gì?

Một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép thần kinh giữa do ống cổ tay trở nên hẹp vì các cấu trúc xung quanh cổ tay sưng lên và ép vào. Ống này tiếp tục ép các dây thần kinh giữa, gây đau và các triệu chứng khác.

Ngoài ra, sử dụng bàn tay và cổ tay thường xuyên trong cùng một động tác, chẳng hạn như đánh máy, viết và sử dụng chuột máy tính cũng có thể gây ra hội chứng ống cổ tay. Phụ nữ mang thai thường mắc hội chứng ống cổ tay vì nội tiết tố thay đổi và cơ thể của họ tích trữ dịch nhiều hơn. Một số bệnh như rối loạn cơ bắp và xương, suy giáp và bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ của hội chứng ống cổ tay.

Nguy cơ mắc bệnh

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa)?

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay bao gồm:

  • Giới tính: nữ giới thường có khả năng mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn nam giới;
  • Viêm đa khớp dạng thấp;
  • Mất cân bằng dịch trong cơ thể;
  • Đã từng bị trật khớp hoặc gãy khớp cổ tay trước đây;
  • Bệnh mãn tính gây biến chứng lên thần kinh như tiểu đường;
  • Môi trường làm việc dùng những dụng cụ làm rung, hay làm những công việc lăp đi lăp lại.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Điều trị

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa)?

Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cổ tay. Sau đó họ sẽ tạo ra triệu chứng bằng cách gõ nhẹ lên dây thần kinh giữa và yêu cầu bạn bẻ cô tay và giữ tư thế đó trong một vài giây. Có thể bác sĩ sẽ thực hiện thêm xét nghiệm điện cơ đồ (EMG) để kiểm tra thần kinh của cổ tay và cơ bắp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa)?

Việc điều trị bao gồm hai bước. Đầu tiên là thay đổi lối sống: ngừng làm bất cứ điều gì gây ra hội chứng ống cổ tay. Sự thay đổi này có thể khó khăn nếu nó ảnh hưởng đến công việc, hãy cố gắng thương lượng với sếp của bạn. Có thể dùng một miếng đệm tay khi đánh máy để cổ tay bạn ở một vị trí tốt hơn. Những chuyên gia về vật lý trị liệu hoặc nghề nghiệp trị liệu sẽ tư vấn các biện pháp giúp bạn.

Bước thứ hai là giảm áp lực cho các dây thần kinh giữa. Thuốc, nẹp cổ tay và phẫu thuật là các phương pháp phổ biến thường được sử dụng. Nẹp cổ tay vào ban đêm là tốt nhất, một số người thường đeo nẹp cả ngày. Thuốc có thể làm giảm đau trong một thời gian ngắn bằng cách giảm viêm, sưng ở cổ tay. Thuốc cũng có thể được tiêm trưc tiếp vào cổ tay để giúp giảm đau trong một khoảng thời gian dài hơn.

Phẫu thuật giải ép các dây thần kinh là cách tốt nhất để giảm áp lực lên các dây thần kinh khi những phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Sau phẫu thuật, triệu chứng biến mất nhanh chóng. Bạn nên cho cổ tay nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần để thúc đẩy việc lành bệnh và tránh các triệu chứng mới.

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ống cổ tay (chèn ép thần kinh giữa)?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng hồi phục của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau đây:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;
  • Thay đổi những thói quen gây ra hội chứng ống cổ tay;
  • Tháo thanh nẹp cổ tay ra trong một thời gian ngắn nếu bạn đã đeo nó cả ngày để tập luyện cổ tay và bàn tay. Không nên ngừng sử dụng hoàn toàn bàn tay và cổ tay.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!