Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu kỹ hơn về bệnh nhé.
Hội chứng ống cổ tay là một căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt xuất hiện ở những người làm việc chân tay hoặc lao động nặng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh thích hợp.
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay là hiện tượng đau, tê, ngứa ran ở các ngón tay, cẳng tay và thậm chí là cánh tay do áp lực lên các dây thần kinh trong cổ tay gây ra.
Ống cổ tay là khoảng trống ở giữa xương cổ tay và các dây chằng bao quanh các gân gấp của bàn tay. Dây thần kinh giữa chui qua ống cổ tay cùng với các gân cơ, vì chui qua một ống hẹp nên dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép. Dây thần kinh giữa có chức năng kiểm soát chuyển động và cảm giác của các ngón tay cái và ba ngón tay tiếp theo (trừ ngón út ra).
Các nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay
Các áp lực lên dây thần kinh giữa trong ống cổ tay được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Các áp lực này có thể là kết quả của tình trạng sưng phù nề hay bất kỳ tác nhân nào làm cho ống cổ tay nhỏ lại. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra hiện tượng sưng phù nề:
- Các tình trạng bệnh như suy giáp, viêm khớp dạng thấp và bệnh đái tháo đường;
- Do di chuyển hoặc sử dụng một bàn tay lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Đặc biệt là khi bàn tay phải cúi xuống để làm việc (bàn tay thấp hơn cổ tay) hoặc khi thực hiện cùng một động tác trên cổ tay;
- Người trong giai đoạn thai kỳ.
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể gây ngứa, tê, yếu và đau ở các ngón tay hoặc bàn tay. Một số người còn có thể bị đau ở cẳng tay.
Các triệu chứng khó chịu thường xảy ra rõ rệt ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón đeo nhẫn. Do đó, các ngón tay đều gặp vấn đề nhưng ngón tay út lại không có biểu hiện gì thì có thể bạn đang mắc hội chứng ống cổ tay, bởi vì ngón út do một dây thần kinh khác điều khiển.
Làm sao để chẩn đoán hội chứng ống cổ tay?
Khi đi khám, bạn hãy cho bác sĩ biết nếu đang có thai hoặc mắc các chứng bệnh như suy giáp, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, bạn cũng cần thông báo cho họ biết về tình trạng đau trên các ngón tay, cánh tay hay cẳng tay của bạn cũng như các thói quen hàng ngày và bất kỳ hoạt động gần đây nào có thể làm tổn thương cổ tay bạn để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất.
Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ kiểm tra cảm giác, sức mạnh và hình dáng cổ, vai, cánh tay, cổ tay và bàn tay của bạn. Ngoài ra, việc tiến hành một số xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm thần kinh đôi khi cũng cần thiết cho quá trình chẩn đoán bệnh này.
Phương pháp chữa trị
Các triệu chứng nhẹ thường có thể được điều trị tại nhà bằng những phương pháp sau:
- Ngừng các hoạt động gây tê và đau tay. Để cho cổ tay của bạn thư giãn lâu hơn giữa các hoạt động;
- Lắc cổ tay trong 10–15 phút từ 1–2 lần một giờ;
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau và giảm sưng;
- Đeo nẹp cổ tay vào ban đêm để làm giảm áp lực lên dây thần kinh giữa của bạn.
Bạn có thể áp dụng những phương pháp đơn giản trên để điều trị hội chứng ống cổ tay tại nhà. Tuy nhiên, nếu gặp những triệu chứng nặng và kéo dài dai dẳng, bạn hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Hội chứng ống cổ tay ở nhân viên văn phòng
- Coi chừng bị thiếu máu khi mắc viêm khớp dạng thấp
- Tầm quan trọng của việc kiểm soát cân nặng đối với bệnh tiểu đường
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!