Hồi chuông cảnh tỉnh về ngộ độc cá nóc

Cần biết - 05/04/2024

Độc tố của các nóc sẽ phát tác khi cá bị dập hoặc chế biến không đúng cách, gây ngộ độc nghiêm trọng nếu không chữa trị kịp thời.

Ngộ độc cá nóc là một vấn đề không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ ở Việt Nam. Hàng năm các bệnh viện vẫn phải tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc cá nóc và rất nhiều trường hợp tử vong. Còn rất nhiều ca tử vong khác mà chúng ta không thể thống kê hết được. Do vậy, mỗi chúng ta cần phải trang bị cho mình kiến thức để tránh bị ngộ độc cá nóc.

Cá nóc rất phổ biến trên thế giới với trên 400 loài khác nhau. Riêng Việt Nam, qua thống kê cho thấy có đến 70 loài. Cá nóc còn được gọi bằng nhiều cái tên dân gian khác như cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà. Vùng biển nhiệt đới nước ta là điều kiện sống thuận lợi cho các nóc sinh trưởng và sinh sản. Do vậy, ngư dân thường xuyên đánh bắt lẫn được loài cá này.

Đề phòng ngộ độc cá nóc 

Hồi chuông cảnh tỉnh về ngộ độc cá nóc

Thịt cá nóc chứa chất độc thần kinh nguy hiểm (Ảnh minh họa: Internet)

Đây là một loài cá cực độc. Chất độc thường nằm ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là ở trứng cá. Chất độc này là một loại độc tố thần kinh vô cùng nguy hiểm, tuy nhiên khi tồn tại trong cá lại dưới dạng tiền độc tố, khi cá bị ươn, va đập hay chế biến không đúng cách, tiền chất này sẽ biến đổi thành chất độc.

Tuy đây là một loài cá rất phổ biến nhưng rất nhiều ngư dân, người tiêu dùng không biết cũng như không ý thức được mối nguy hiểm khi ăn cá nóc. Đó là lý do vì sao hàng năm vẫn có rất nhiều ca cấp cứu, tử vong do ăn cá nóc, phải kể đến các tỉnh như Kiên Giang, Quảng Bình, Tây Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh...

Vấn đề ngộ độc cá nóc vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, đối với người dân, tốt nhất là không ăn cá nóc, không được chế biến, làm khô để bán. 

Ngư dân cũng không nên chủ quan, nên mang theo một số loại thuốc cấp cứu ngộ độc như than hoạt nhũ, canun Mayo hai chiều...

Sơ cứu khi bị ngộ độc

Hồi chuông cảnh tỉnh về ngộ độc cá nóc

Hết sức cẩn thận nếu ăn gỏi cá nóc (Ảnh minh họa: Internet)

Khi đã ăn phải cá có dấu hiệu bị ngộ độc như tê môi, tê lưỡi, nói khó, thở khó, mặt ửng đỏ... cần gây nôn và uống thuốc giải độc ngay. Sau khi gây nôn, phải cho uống than hoạt tính theo liều lượng phù hợp với độ tuổi. Sau đó chuyển ngay nạn nhân tới bệnh viện. Than hoạt tính có hiệu quả giải độc cao sau khi ăn cá khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ cho nạn nhân uống khi còn ý thức, tuyệt đối không cho uống khi nạn nhân đã rơi vào hôn mê hoặc rối loạn ý thức.

Nạn nhân đã có biểu hiện ngộ độc nặng như choáng váng, vã mồ hôi, tiết nước dãi, sùi bọt mép, co giật, cứng lưỡi cần đưa đi bệnh viện gần nhất ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.

Món sushi cá nóc ở Nhật Bản được coi là món thượng lưu, nhưng phải được chế biến bằng những đầu bếp giỏi, có kỹ thuật, đã được qua đào tạo bài bản về cá nóc. Đến nay, chưa có bất kỳ loại thuốc đặc trị ngộc độc cá nóc.

Các cơ sở y tế, chính quyền, phương tiện truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về tầm nguy hiểm của việc ăn cá nóc. Người dân cũng cần tự nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc cá nóc bằng cách tuyệt đối nói 'không' với thực phẩm chế biến từ cá nóc.

>>> Xem thêm: Cả nhà nhập viện do ăn cá nóc

Ngọc Huyền (TH)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!