Hơn 147 tỷ đồng đến với phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi khi sinh con đúng chính sách dân số

Thời sự - 05/08/2024

Trong 5 năm thực hiện Nghị định 30/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số đã có 73.775 người, tương ứng kinh phí đã chi cho đối tượng là 147 tỷ 551 triệu đồng.

Nhiều kết quả đáng mừng

Sáng 4/12 tại Đắk Lắk, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cùng đại diện Chi cục Dân số các tỉnh thành.

Trước đó, vào ngày 15/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Đây là một trong những chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc và bình đẳng giới trước thực trạng phụ nữ nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn khi sinh con, nhất là thiếu thốn về kinh tế, phát sinh nhiều chi phí khi sinh con trong những tháng đầu tiên.

Hơn 147 tỷ đồng đến với phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi khi sinh con đúng chính sách dân số

Hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.

Để Nghị định được thực đi sâu, đi sát với thực tế, Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư số 45/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 được ban hành.

Trong 5 năm qua, Nghị định đã được thực hiện tại 53 tỉnh, 398 huyện và 3869 xã. Tổ chức được 54.512 cuộc truyền thông, tập huấn lồng ghép phổ biến nội dung của Nghị định và các văn bản hướng dẫn, ngoài ra có 1.561 cuộc giám sát.

Theo Báo cáo Tổng kết, tổng số đối tượng đã được hỗ trợ là 73.775 người, tương ứng kinh phí đã chi trả cho đối tượng là 147 tỷ 551 triệu đồng. Trong đó, 20 tỉnh đạt kết quả cao nhất đã chi cho đối tượng là 123 tỷ 983 triệu đồng với 61.991 người được hỗ trợ gồm: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Nam, Nghệ An, Gia Lai, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Đắc Lắk, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bình Định, Bắc Giang.

Hơn 147 tỷ đồng đến với phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi khi sinh con đúng chính sách dân số

Trong 5 năm triển khai đã có 73.775 người được hỗ trợ, tương ứng kinh phí đã chi trả cho đối tượng là 147 tỷ 551 triệu đồng.

Theo báo cáo có 1.176 người đã nhận tiền nhưng vi phạm chính sách do sinh thêm con vi phạm chính sách dân số, kinh phí đã chi cho đối tượng này là 2 tỷ 346 triệu, trong đó số tiền đã thu hồi của các đối tượng vi phạm là 1 tỷ 422 triệu đồng (tương ứng 712 người đã nộp), số đối tượng vi phạm còn lại các tỉnh tiếp tục được rà soát thu hồi kinh phí theo đúng quy định.

Nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Nghị định số 39/2015/NĐ-CP là cơ sở pháp lý để triển khai một chính sách nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số nói riêng.

Sau khi chính sách này được ban hành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số và có tác động lớn đến đối tượng thụ hưởng chính sách. Hỗ trợ thêm về kinh tế và tạo điều kiện cho bà mẹ phục hồi sức khỏe, nuôi con tốt hơn trong những tháng đầu sau sinh.

Hơn 147 tỷ đồng đến với phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số miền núi khi sinh con đúng chính sách dân số

Thành công trong 5 năm qua của Nghị định 39/2015 đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thoát nghèo.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số là một chính sách nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách đã tạo động lực trong việc thúc đẩy thực hiện chính sách dân số, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Khi được tuyên truyền và nhận hỗ trợ, nhận thức của người dân về công tác dân số ngày càng nâng cao, chấp nhận quy mô gia đình ít con, giúp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, sinh đủ 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt. Đồng thời, giúp kinh tế nhiều hộ gia đình ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc đặc biệt là đối với vùng có mức sinh cao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng chỉ đạo, tiếp tục tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, các ban ngành đoàn thể, UBND cấp tỉnh, thành phố, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ để triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP. Tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, các ngành các cấp, thực hiện đánh giá khảo sát việc triển khai chính sách để sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý phù hợp với điều kiện thực tế khi triển khai Nghị định.

Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Y tế, Lao động - Thương bình và Xã hội, Tài chính, Dân tộc ở địa phương để hướng dẫn, thực hiện, phối hợp thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện.

Cùng với triển khai chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, Bộ Y tế đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục tham mưu và đang xây dựng triển khai có hiệu quả các chính sách như: Chính sách Bảo hiểm y tế, chương trình Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; chương trình Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình Củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030 nhằm góp phần thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hội thảo cũng nghe phát biểu của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai Nghị định 39/2015 NĐ-CP tại địa phương; Tham luận công tác rà soát đối tượng thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách của Chi cục Dân số tỉnh Quảng Ngãi; Tham luận nguồn kinh phí khi thực hiện chính sách của Chi cục Dân số tỉnh Hòa Bình.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!