'Nụ hôn và thần chết': Tưởng yêu nhưng hóa ra giết trẻ nhỏ
Đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ chỉ vì một cái hôn của người khác, như trẻ chết vì nụ hôn của chính người cha. Gần đây, một người mẹ có tài khoản mạng xã hội 'Nguyễn Hương' chia sẻ câu chuyện.
'Mấy hôm em nằm viện, thấy một trường hợp tội lắm mọi người ạ. Mà chỉ vì sự vô tâm của người lớn thôi. Em bé đấy đáng nhẽ sẽ rất thông minh, khôi ngô vì ít nhất bố mẹ e đều rất đẹp.
Nghe bố mẹ em ấy kể, lúc em được 15 -16 tháng tuổi, có người đang bị vi khuẩn Lao trong người (hoặc có thể đã hết biểu hiện nhiễm bệnh) đã hôn em bé. Sau đó em ấy bị nhiễm bệnh, sốt cao co giật và bại não luôn. Nhìn thương lắm mọi người ạ. Trắng trẻo, đẹp đẽ là thế mà hỏng cả một cuộc đời...'.
Do đang có vi khuẩn Lao trong người - Hôn trẻ khiến bé lây bệnh
Cũng là câu chuyện liên quan đến việc người lớn đang có bệnh lây nhiễm hôn hít khiến trẻ mắc bệnh, chị H.L.P (kinh doanh online tại Quận Thủ Đức – Sài Gòn) chia sẻ một ca bệnh đáng thương.
'Em có chị bạn hàng quen, chị ấy ở Đăk Lăk, có đứa con 4 tuổi bị sinh non. Con chị ấy bản thân đã yếu ngay từ đầu nên hay ốm đau và bố mẹ thì sử dụng kháng sinh vô tội vạ...
Một ngày xấu trời, cháu đau bụng đi khám thì bác sỹ bảo mắc nhiễm khuẩn HP dạ dày và sau khi test dịch dạ dày của bố và mẹ là đều nhiễm HP. Nghĩa là em bé kém may mắn đó bị lây khi bố mẹ hôn con.
Sau nhiều tháng điều trị không khỏi, khi làm kháng sinh đồ ở Bệnh viện Nhi đồng I thì phát hiện cháy kháng đa kháng sinh và giờ cháu sống chung với bệnh suốt đời...'.
Cả hai trường hợp thực tế kể trên đều được lan truyền trên mạng xã hội và kéo theo là hàng loạt những bàn tán xôn xao dư luận về việc cảnh báo bệnh lây nhiễm.
Cũng có những ý kiến khá chủ quan và lơ là vì cho rằng 100 ca mới có 1 ca không may mắn dính phải nhưng nhiều bà mẹ đã bày tỏ quan điểm thẳng thắn về vấn đề này. Họ cho rằng người lớn có yêu trẻ nhỏ tới đâu cũng đừng ôm hôn.
Vậy thực tế, việc hôn hít trẻ nhỏ có thực sự đem lại hệ lụy khủng khiếp đến như vậy không? Hãy cùng lắng nghe những phân tích của bác sĩ nhi khoa ngay dưới đây.
Người lớn bị bệnh tuyệt đối không hôn hít trẻ nhỏ
PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bênh viện Bạch Mai cho biết, người lớn thường có hành động âu yếm trẻ sơ sinh như hôn, bẹo má trẻ sơ sinh. Thế nhưng, những hành động âu yếm vô thức này sẽ có hại cho trẻ nếu bạn là người mang một số bệnh mạn tính.
'Tôi thấy ôm hôn trẻ là một điều nên làm, nhất là với những trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì trẻ còn quá bé nên sức đề kháng miễn dịch còn kém, dễ bị lây bệnh từ người lớn sang.
Như vậy người lớn bị bệnh lây nhiễm, bệnh đường hô hấp tuyệt đối không nên hôn hít trẻ nhỏ, tránh trường hợp truyền bệnh cho chúng' – Bs Dũng phân tích.
PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng
Cũng theo bác sỹ, khi mắc bệnh về đường hô hấp hoặc những bệnh về đường tiêu hóa người lớn có thể lây cho trẻ nhỏ qua ôm hôn, ví dụ như cảm cúm, ho, lao, viêm phổi, đau bụng tiêu chảy, kiết lị, tay chân miệng…
Trong quá trình ôm hôn trẻ, có thể đúng lúc người lớn lên cơn ho, các chất tiết từ miệng có thế dây ra trán, má của trẻ. Sau đó trẻ sờ phải và cho vào mồm.
Những đối tượng mắc bệnh mãn tính như lao có thể chữa bệnh và giảm một số triệu chứng nhưng bệnh không dễ tiêu diệt triệt để và dễ tái phát. Đối tượng này cũng tuyệt đối không được hôn hít trẻ.
Ngoài hôn, người lớn còn hay bẹo má trẻ sơ sinh, gọi là bẹo má yêu. Người lớn bẹo má trẻ sơ sinh là thể hiện một sự yêu mến, nhưng chúng ta phải hiểu rằng, da trẻ sơ sinh còn rất mỏng, chúng ta nên yêu thương sao cho nhẹ nhàng, tránh thô bạo dẫn đế xây xước da em bé.
Bác sỹ Dũng khuyến cáo, việc thể hiện tình cảm với trẻ là việc làm đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh cấp tính hô hấp, tiêu hóa cần lưu ý chữa khỏi bệnh sau đó mới được âu yếm, hôn hít thể hiện yêu mến với trẻ nhỏ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!