Hướng dẫn cách sơ cứu khi chảy máu mũi nhẹ

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Khi cấp cứu bệnh nhân chảy máu mũi, phải nhanh chóng cầm máu rồi sau đó mới tìm nguyên nhân.

Chảy máu mũi là tai biến rất hay gặp, nó không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra.

Đặc biệt những ngày thời tiết giá lạnh và khô hanh, số người bị chảy máu mũi tăng nhiều. Đây là một cấp cứu khẩn cấp, phải nhận định nhanh, xử trí cầm máu kịp thời.

Nguyên nhân chảy máu mũi

Niêm mạc mũi rất dễ chảy máu vì có nhiều mạch máu và mạng lưới mao mạch dày đặc. Tuy chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở người trên 40 tuổi (chiếm 64%), bởi thành mạch máu ở độ tuổi này đã kém dẻo dai, sức đàn hồi kém.

Đặc biệt chảy máu mũi hay gặp ở mùa khô hanh lạnh do độ ẩm không khí giảm, gây nứt nẻ niêm mạc mũi. Khi thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường, ảnh hưởng nhiều đến một số bệnh như: tăng huyết áp, dị ứng, khô hanh nứt nẻ niêm mạc mũi gây chảy máu.

Một số thao tác cầm máu tại chỗ khi máu chảy nhẹ

Hầu hết trường hợp chảy máu mũi không dễ xác định nguyên nhân. Tuy vậy cũng có một số lý do dễ biết như: chấn thương, bị đánh đập vào mũi, do ngoáy mũi, cần chú ý là do không khí lạnh kích thích liên tục vào niêm mạc mũi cũng gây chảy máu.

Các nguyên nhân gây chảy máu mũi ít gặp hơn là bệnh máu không đông, thường do sử dụng những loại thuốc làm loãng máu như warfarin, aspirin.

Bệnh gan cũng có thể làm máu khó đông. Tăng huyết áp cũng có thể gây chảy máu nhưng không bao giờ là nguyên nhân duy nhất gây chảy máu mũi.

Các bệnh viêm mũi xoang cấp, viêm loét ở mũi, polyp, ung thư, cúm, sốt xuất huyết, bạch cầu cấp, xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… phẫu thuật ở hốc mũi và hàm mặt.

Một nghiên cứu của Việt Nam lại cho thấy khoảng 70% bệnh nhân chảy máu mũi không tìm thấy nguyên nhân.

Cần phân biệt chảy máu mũi với các bệnh ở nơi khác chảy máu ra lỗ mũi như do khối u lành hay ác tính gây chảy máu, máu chảy từ họng, thanh quản sặc lên mũi, chảy máu do lao phổi, u máu, vỡ tĩnh mạch thực quản gây nôn, sặc lên mũi trong bệnh xơ gan, bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa, vỡ các động mạch tầng giữa đáy sọ, chấn thương tai giữa…

Hướng dẫn cách sơ cứu khi chảy máu mũi nhẹ

Ảnh minh họa

Xử trí chảy máu mũi

- Khi cấp cứu 1 bệnh nhân chảy máu mũi, phải nhanh chóng cầm máu rồi sau đó mới tìm nguyên nhân. Trường hợp chảy máu nặng phải chú ý tình trạng toàn thân của bệnh nhân bằng việc theo dõi sát mạch, huyết áp.

- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngồi hoặc nằm đầu cao, há miệng để thở và nhổ máu ra.

Cầm máu tại chỗ được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp theo các bước sau:

- Dùng 2 ngón tay bóp nhẹ cánh mũi, ép vào vách ngăn tương ứng điểm mạch Kisselbach trong vài phút, áp dụng trong trường hợp chảy máu ít, chảy máu ở điểm mạch Kisselbach.

- Dùng bông có tẩm dung dịch cầm máu như ôxy già 12 thể tích, ephedrin 1-3% nhét vào lỗ mũi, ép đè lên chỗ chảy máu.

- Trường hợp chảy máu mao mạch, nhất là ở trẻ em, có thể dùng các loại protein tự tiêu có tác dụng cầm máu như spongel.

Các trường hợp phức tạp phải điều trị ngoại khoa: nút mạch, thắt động mạch, điều trị nguyên nhân.

Hướng dẫn cách sơ cứu khi chảy máu mũi nhẹ

Ảnh minh họa

Các mức độ của tai biến chảy máu mũi       

Chảy máu nhẹ: Bệnh nhân hoặc người nhà thấy máu đỏ tươi nhỏ từng giọt, số lượng ít hơn 100ml, soi đèn pin có thể thấy điểm chảy máu. Điểm chảy máu gọi là điểm mạch Kisselbach,  thường chảy máu ít, có xu hướng tự cầm.

Chảy máu vừa: Máu chảy thành dòng ra ngoài lỗ mũi hoặc chảy xuống họng, số lượng từ 100 - 200ml, có thể do chảy máu mao mạch của toàn bộ niêm mạc mũi, gặp ở bệnh ưa chảy máu, xuất huyết giảm tiểu cầu.

Chảy máu nặng: Máu chảy nhiều thành dòng kéo dài, bệnh nhân trong trạng thái kích thích, hốt hoảng, mặt xanh nhợt, mạch nhanh, huyết áp hạ, số lượng máu mất nhiều hơn 200ml.

Hay gặp chảy máu ở động mạch sàng trước, động mạch sàng sau, động mạch bướm khẩu cái, chảy máu nhiều không tự cầm, thường chảy ở sâu khó nhìn thấy.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!