Hướng dẫn mẹ cách phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ

Làm mẹ - 04/19/2024

Giai đoạn ủ bệnh (từ 3-6 ngày), bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, có thể sốt nhẹ thoáng qua.

Câu hỏi:

Con trai tôi 2 tuổi, tôi phát hiện da cháu nổi những mụn nhỏ giống như bị rôm, cháu vẫn chơi bình thường chỉ bị ho thôi. Xin hỏi như thế có phải là biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng?

Mai Thanh Hoa (hoamai2468@gmai.com)

Trả lời:

Tay - chân - miệng là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Triệu chứng điển hình của bệnh tay - chân - miệng là phát ban dạng phỏng nước ở trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân. Cụ thể: Giai đoạn ủ bệnh (từ 3-6 ngày), bệnh thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39-40oC, đau họng, chảy nước bọt nhiều, trẻ biếng ăn, có khi tiêu chảy vài lần trong ngày, đôi khi sờ thấy hạch ở cổ, ho, chảy mũi; giai đoạn khởi phát sau 1 - 2 ngày, trẻ sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh là phát ban ở các vị trí đặc hiệu và loét miệng.

Hướng dẫn mẹ cách phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ

Biểu hiện của trẻ bị tay chân miệng (ảnh: Internet)

Loét miệng: đó là những bóng nước có đường kính 2-3mm (ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi) vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét gây đau. Điều cần lưu ý, bệnh tay - chân - miệng lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan nổi ban...giống nhiễm vi-rút thông thường nhưng sau đó có thể nguy kịch nhanh. Vì vậy, khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay: sốt cao 39oC trở lên hoặc sốt cao kéo dài trên 48 giờ, nôn nhiều, ngủ lịm hoặc giật mình hốt hoảng, run chân tay, khó thở, da nổi vằn...

Về điều trị: Vì bệnh do virut nên hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà điều trị chủ yếu bằng chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và theo dõi sát tình trạng bệnh. Trường hợp con chị tốt nhất nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế.

BS. Vũ Hồng Ngọc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!