Chính việc chia sẻ bài viết, hình ảnh về việc ăn uống lên mạng mà nhiều người đang có thói quen bắt chước theo sở thích của các bạn 'ảo'.
Kết luận trên được hai chuyên gia Lily Hawkins và Jason Thomas tại Đại học Aston (Anh) đưa ra, sau khi yêu cầu 369 sinh viên tự ước tính số lượng rau quả, thức ăn vặt nhiều năng lượng và thức uống có đường mà họ tiêu thụ hằng ngày, đồng thời ước lượng luôn số bạn bè trên mạng xã hội (MXH). Người tham gia cũng đưa ra cảm nhận về thói quen và sở thích ăn uống của các bạn bè 'ảo'.
Thanh thiếu niên dễ bị ảnh hưởng thói quen ăn uống qua mạng xã hội.
Theo kết quả phân tích, những người tham gia đã ăn thêm khoảng 20% lượng trái cây và rau củ mà họ nghĩ bạn bè đã tiêu thụ. Vì thế, nếu tin rằng bạn bè đã ăn đủ 5 phần rau quả/ngày, họ có khả năng tự ăn thêm 1 phần thực phẩm này. Trái lại, cứ mỗi 3 phần thức ăn vặt và thức uống có đường mà những người tham gia tin bạn bè đã tiêu thụ, họ lại ăn thêm 1 phần nhóm thực phẩm kém lành mạnh này.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện trên cho thấy bạn bè trên MXH có thể ảnh hưởng ngầm đến thói quen ăn uống của chúng ta. Điều này cũng có nghĩa chúng ta có thể sử dụng mạng MXH như một công cụ để thúc đẩy hành vi ăn uống của nhau, theo hướng tích cực và hữu ích cho sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều thanh thiếu niên đang có nguy cơ rối loạn ăn uống vì MXH. Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Flinders, Australia vào ngày 4/12 cho thấy, 75% bé gái và 70% bé trai hiện sử dụng ít nhất một ứng dụng mạng xã hội. Khoảng một nửa trong số đó có các biểu hiện tương tự với chứng rối loạn ăn uống.
Đây là căn bệnh liên quan đến thói quen ăn uống bất thường. Người bệnh có xu hướng đau khổ hoặc lo ngại về vóc dáng và cân nặng của bản thân, dẫn đến chế độ ăn uống không hợp lý. Các biểu hiện phổ biến nhất của rối loạn ăn uống gồm có chán ăn tâm thần, ăn quá nhiều và không kiểm soát. Bệnh ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Thanh thiếu niên dành nhiều thời gian trong ngày để sử dụng mạng xã hội có nguy mắc bệnh cao hơn. Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc giảm bớt tác động tiêu cực của mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần của những người trẻ tuổi.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!