Từ hàng ngàn năm nay, trà luôn được xem là chìa khóa mở cửa đến sức khỏe, hạnh phúc, sự thông thái của người phương Đông. Và ngay khi lọt vào mắt xanh của các nhà khoa học phương Tây, trà đã được chứng minh là sở hữu rất nhiều lợi ích khác nhau.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số loại trà giúp điều trị bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường; hỗ trợ giảm cân; giảm cholesterol và mang lại sự tỉnh táo về tinh thần, sáng suốt về trí tuệ. Trong trà cũng chứa thành phần có tác dụng kháng vi trùng.
Người phát ngôn Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, Katherine Tallmadge, cho biết: 'Có vẻ như trà không hề có tác dụng xấu nào. Theo tôi, trà là lựa chọn lý tưởng thay thế thói quen uống cà phê. Trước hết, trà có ít caffeine hơn cà phê. Đã có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy, hợp chất tìm thấy trong trà – chính là nhóm chất chống oxy hóa flavonoids - rất tốt cho tim và có thể giúp giảm nguy cơ ung thư'.
Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc nên pha trà trong bao lâu để tận dụng tối đa lợi ích của trà và lượng trà cần uống là bao nhiêu, các chuyên gia dinh dưỡng đều nhất trí rằng, bất cứ loại trà nào cũng tốt. Dù vậy, họ vẫn thích trà pha hơn là trà đóng túi sẵn, để tránh lượng calo dư thừa và chất tạo ngọt đưa vào cơ thể.
Khám phá công dụng của các loại trà đối với sức khỏe
Thực ra, trà là tên gọi chung, còn nguyên chất chỉ có 5 loại sau: Trà xanh, trà đen (hay còn gọi là hồng trà), trà trắng (bạch trà), trà ô long và trà Phổ Nhĩ. Chúng đều bắt nguồn từ một loài thực vật có tên khoa học Camelia sinensis, thuộc loài cây bụi xuất xứ ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trà chứa các chất chống oxy hóa độc đáo có tên flavonoids. Trong số đó, nổi bật nhất là ECGC – có tác dụng chống các gốc tự do vốn góp phần gây ra bệnh ung thư, tim và xơ vữa động mạch.
Tất cả những loại trà này đều có thành phần caffeine và theanine, có tác động tới não và được cho là giúp tăng cường trạng thái tỉnh táo.
Lá trà càng được chế biến theo kiểu công nghiệp thì hàm lượng polyphenol càng giảm. Mà polyphenol bao gồm flavonoid. Trà ô long và trà đen (hồng trà) được oxy hóa hay lên men, do đó, chúng có hàm lượng polyphenol thấp hơn so với trà xanh. Nhưng sức mạnh chống oxy hóa của chúng vẫn cao.
Sau đây là lợi ích đối với sức khỏe của một số loại trà đã được khoa học chứng minh:
- Trà xanh: Được làm từ lá trà qua phương pháp pha bằng nước nóng, loại đồ uống này có hàm lượng EGCG cao và được rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Các chất chống oxy hóa của trà xanh có thể cn thiệp vào sự tăng trưởng của tế bào ung thư bàng quang, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư tuỵ, ung thư kết trực tràng, phòng ngừa xơ vữa động mạch, giúp đốt cháy mỡ, chống lại tình trạng mất cân bằng oxy hóa lên não, giảm nguy cơ mắc các hội chứng rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer’s, Parkinson’s, giảm nguy cơ đột quỵ và cải thiện hàm lượng cholesterol.
- Trà đen (hồng trà): Được làm từ lá trà lên men, trà đen có hàm lượng caffeine cao nhất và tạo nên nền tảng của những loại trà rất được yêu thích như trà chai – cùng với một số loại trà pha sẵn khác. Nghiên cứu cho thấy, trà đen giúp bảo vệ phổi khỏi những tổn thương do tiếp xúc với khói thuốc lá gây ra. Nó cũng giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
- Trà trắng (bạch trà): Là loại trà tươi và chưa lên men. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trà trắng có thành phần ngừa ung thư tiềm năng nhất so với các loại trà đã qua nhiều chế biến công nghiệp khác.
- Trà ô long: Trong một nghiên cứu về động vật, những con vật được hấp thụ chất chống oxy hóa từ trà ô long có hàm lượng cholesterol xấu thấp hơn. Một biến thể của trà ô long, trà Wuyi, được quảng cáo rất mạnh là sản phẩm hỗ trợ giảm cân nhưng lời khẳng định này chưa được chứng minh về mặt khoa học.
Lợi ích đối với sức khỏe của trà thảo mộc
Được làm từ thảo mộc, trái cây, hạt hay rễ cây ngâm trong nước nóng, trà thảo mộc có hàm lượng chất chống oxy hóa thấp hơn so với trà xanh, trà đen, trà trắng và trà ô long. Hợp chất hóa học của trà thảo mộc rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những loại thảo mộc được dùng để pha món trà đó, thường là gừng, bạch quả, nhân sâm, dâm bụt, nhài, tầm xuân, bạc hà, hồng trà Nam Phi, cức La Mã và cúc dại.
Một số nghiên cứu hạn chế đã được tiến hành để kiểm chứng lợi ích đối với sức khỏe của trà thảo mộc. Nhưng những tuyên bố như trà thảo mộc giúp giảm cân, ngăn ngừa bệnh cảm và đem lại giấc ngủ thư giãn vẫn chưa được chứng minh một cách cụ thể và sâu rộng.
- Trà hoa cúc La Mã: Thành phần chống oxy hóa trong trà giúp ngăn ngừa các biến chứng phức tap của bệnh tiểu đường, như suy giảm thị lực, tổn thương thần kinh, tổn thương thận và ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
- Trà hoa cúc dại: Thường được ca ngợi là một cách hữu hiệu để đánh bại các cơn cảm thông thường, thực ra, nghiên cứu về loại trà này chưa có nhiều.
- Trà dâm bụt: Một nghiên cứu nhỏ cho thấy, uống 3 cốc trà dâm bụt/ngày giúp giảm huyết áp ở những người có mức tăng huyết áp trung bình
Trà có thể gây hại cho sức khỏe không?
Phần lớn các loại trà đều lành nhưng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành cảnh báo về loại trà dành cho người ăn kiêng có chứa phan tả diệp (senna), lô hội, mai biển (hắc mai - buckthorn) và những chất giúp nhuận tràng chiết xuất từ thực vật khác.
Cơ quan này cũng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn trọng về các loại thực phẩm bổ sung có chứa thảo mộc được quảng cáo là chấm dứt đau đớn và đánh bại ung thư. Không hề có nghiên cứu khoa học xác nhận cho bất cứ quảng cáo nào và một số loại thảo mộc thậm chí còn gây ra vấn đề về ruột, gây tổn thương gan, thận và thậm chí gây tử vong.
Ngoài những cảnh báo này, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mọi người nên uống và thưởng thức lợi ích sức khỏe của trà Diane L. McKay, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về chất chống oxy hóa của trường Đại học Tufts, chia sẻ: 'Bạn sẽ muốn kết hợp các đồ uống tốt cho sức khỏe trong chế độ ăn hàng ngày ở mức độ thường xuyên hơn. Nó sẽ giúp bạn tận hưởng được lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Không chỉ thực phẩm mà cả đồ uống đều góp phần cho sức khỏe nói chung của bạn'.
(Nguồn: Webmd)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!