Khám thai đúng: Bà bầu không được lơ là

Mang thai - 11/24/2024

Ngay khi biết mình có thai, các bà mẹ cần đi khám thai ngay để biết được tình trạng thai có bình thường không.

Sinh con khoẻ mạnh là mong muốn của bất kỳ người mẹ nào. Muốn được như vậy, bà mẹ cần phải biết chăm sóc sức khoẻ của mình, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai mà tốt hơn nữa là được chuẩn bị chăm sóc trước khi có thai. Ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống để bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và con thì việc theo dõi, khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế cần được tuân thủ đầy đủ.

Ngay khi biết mình có thai, các bà mẹ cần đi khám thai ngay để biết được tình trạng thai có bình thường không, phát hiện sớm các nguy cơ để được xử trí kịp thời. Đước tiêm phòng uốn ván, hướng dẫn uống viên sắt folic. Được tư vấn về sức khỏe như dinh dưỡng, vệ sinh thai nghén, nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình và các vấn đề liên quan khác.

Khám thai đúng: Bà bầu không được lơ là

Sinh con khoẻ mạnh là mong muốn của bất kỳ người mẹ nào (Ảnh minh họa: Internet)

Việc khám thai trong từng giai đoạn có vai trò thế nào?

Trong suốt thời kỳ mang thai, các mẹ cần đi khám thai ít nhất 3 lần hoặc định kỳ theo lịch hẹn của cán bộ y tế. Thông thường nên đi khám 4 lần vào các thời điểm:

Khám thai lần đầu

Ngay sau khi biết mình có thai, trong vòng 3 tháng đầu, bạn cần phải đi khám thai. Lần khám này các mẹ sẽ được quản lý thai, kiểm tra sức khỏe, được hướng dẫn về các dấu hiệu bất thường trong thời kỳ mang thai và cách xử trí, được tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện các bất thường ở thai nhi, được tư vấn về các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện sớm các bệnh lây nhiễm, bao gồm cả HIV để dự phòng sớm lây truyền HIV từ mẹ sang con và được bác sĩ dự kiến ngày em bé chào đời.

Khám thai lần hai

Vào 3 tháng giữa, lần khám thai này các mẹ sẽ được kiểm tra thai nhi có phát triển bình thường không, kiểm tra sức khỏe người mẹ, làm các xét nghiệm và cung cấp các dịch vụ cần thiết.

Lần thứ ba và thứ tư

Vào 3 tháng cuối, các lần khám thai sau này các mẹ vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe của mẹ, sự phát triển của thai, được tư vấn về các kiến thức cần thiết liên quan đến lần sinh đẻ. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn việc chuẩn bị cuộc đẻ và lựa chọn nơi sinh.

Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ yêu cầu sản phụ khám, xét nghiệm, siêu âm thêm để theo dõi các biến chứng thai nghén, theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai…Vì vậy, các mẹ cần đi khám thai theo đúng định kỳ và ngay từ khi mang thai phải luôn được bác sĩ sản khoa khám, theo dõi thai định kỳ.

Như vậy là khi khám thai các bà mẹ cần được khám toàn thân đo chiều cao cân nặng, đếm mạch, nghe tim phổi, đo huyết áp, khám vú, thử nước tiểu, phát hiện các yếu tố bất thường như cao huyết áp, thiếu máu, phù nề và các bệnh tim, gan, thận... Khám sản khoa: đo chiều cao tử cung, vòng bụng, nắn các phần của thai nhi, nghe tim thai. Việc khám thai đầy đủ và định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các biểu hiện bất thường ở mẹ và thai nhi để can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Khám thai đúng: Bà bầu không được lơ là

Khi khám thai các bà mẹ cần được khám toàn thân đo chiều cao cân nặng, đếm mạch, nghe tim phổi... (Ảnh minh họa: Internet)

Trường hợp của chị Quỳnh (Khu công nghiệp Bắc Ninh) mang thai được 7 tháng, do làm việc tại công ty, áp lực thời gian nên thường chị chỉ đến khám thai tại phòng khám sản tư gần công ty rất đều đặn mỗi tháng một lần. Chị chia sẻ mỗi lần đi khám thai bác sĩ cũng yêu cầu siêu âm và được tư vấn về dinh dưỡng, tiêm chủng… Theo chị Quỳnh, không chỉ có em mà hầu hết chị em phụ nữ ở cùng công ty khi có thai thường chỉ đến các phòng khám tư để siêu âm. Mỗi lần siêu âm như thế đã được coi là khám thai. Đến khi gần đẻ mới vào bệnh viện làm hồ sơ để sinh con, và chị cũng dự định như vậy.

Trong suốt quá trình mang thai, chị Huyền Linh (Hà Nội) cho rằng công nghệ siêu âm hiện đại có thể phát hiện mọi nguy cơ cho cả mẹ và con nên cũng không mấy quan tâm đến việc khám thai theo kiểu 'truyền thống'.

Hiện nay không ít bác sĩ các phòng mạch tư lạm dụng siêu âm để khám thai, một mặt để yên tâm cho bệnh nhân, một mặt để nhanh chóng tiện dụng mà đôi khi lơ là việc khám thai cho bệnh nhân, điều này khá nguy hiểm và đôi khi để lại những hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân, khi phát hiện ra bệnh thì đã quá chậm.

Chẳng hạn chị Huyền (Việt Yên, Bắc Giang) lần đầu mang thai cũng chỉ đi siêu âm, theo dõi thai nhi ở một phòng khám gần nhà, hậu quả là chị bị sinh non do đái tháo đường thai kỳ mà không phát hiện ra. Lần này mang thai, chị đến hẳn bệnh viện huyện để khám thai và quản lý thai nghén. Tại đây chị được theo dõi sức khỏe cho bản thân và sự phát triển của thai nhi, được tư vấn dinh dưỡng để tránh mắc bệnh như kỳ mang thai trước, vệ sinh cá nhân, quản lý và chăm sóc thai nghén, chỉ siêu âm khi có chỉ định của bác sĩ.

Có những trường hợp thai phụ bị sốt, bị nổi ban ngay ở thời kỳ đầu mang thai nhưng vì không được theo dõi khám thai đầy đủ nên họ thiếu thông tin, chỉ đến khi thai đã ngoài 20 tuần tuổi mới đến bệnh viện xin hội chẩn. Và lúc này với các bác sĩ để đưa ra quyết định giữ hay bỏ thai chẳng dễ dàng chút nào...

Việc theo dõi, khám thai định kỳ có ý nghĩa quan trọng để kiểm tra sức khoẻ của bà mẹ và em bé và tránh các tai biến có thể xảy ra khi sinh. Và cùng với việc theo dõi và khám thai định kỳ thì người mẹ khi có thai cần được tiêm phòng uốn ván, tiêm hai lần, mũi thứ nhất vào tháng thứ tư hoặc thứ sáu, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và trước khi đẻ ít nhất 1 tháng.

Bà mẹ có một sức khoẻ tốt trước khi mang thai, trong khi mang thai là tiền đề cơ bản để sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh. Trong thai kỳ, ngoài chú ý đến chế độ dinh dưỡng thì việc theo dõi, khám thai định kỳ, tiêm chủng đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý cũng là việc bà mẹ nên lưu ý để mẹ và con cùng khoẻ mạnh.

NV

(Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế kiểm duyệt)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!