Khan hiếm nguồn hiến tạng: Mòn mỏi mong chờ sự sống

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Không giống như hiến máu nhân đạo, việc hiến tặng nội tạng hay mô tế bào của cơ thể hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trên thế giới, nguồn tạng chủ yếu là từ những người sau khi chết tình nguyện hiến với tỷ lệ khoảng 90%. Trong khi đó ở nước ta, nguồn tạng chiếm 95% là từ những người sống, người thân của bệnh nhân. Việc hiến tặng từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, tình trạng bệnh nhân chờ đợi mòn mỏi để được ghép tạng ngày càng tăng cao, nhiều người tử vong vì không được ghép kịp thời.

Khan hiếm nguồn hiến tạng: Mòn mỏi mong chờ sự sống

Một người hiến tạng có thể mang lại sự sống cho 8 người khác

Số lượng người chờ đợi ghép tạng tăng nhanh mỗi ngày

Theo thống kê của OPTN (Mạng lưới thu thập và cấy ghép bộ phận cơ thể Mỹ), hiện nay đất nước này có trên 123.000 bệnh nhân đang chờ ghép tạng và mỗi tháng con số này lại tăng lên khoảng 3.000 người. Năm 2015, có 7.000 người đang đợi ghép tim, trong khi chỉ có 2.200 quả tim. Nhu cầu ghép thận năm 2008, có 76.089 bệnh nhân đang chờ được ghép thận và con số này cũng tiếp tục tăng cao.

Theo đề tài nghiên cứu cấp Bộ 'Nghiên cứu một số chỉ số hóa sinh máu ở bệnh nhân sau ghép thận điều trị bằng cyclosporin hoặc tacrolimus' tại Đại học Thái Nguyên, tại Hàn Quốc, năm 2007 có 9.183 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó chỉ có 928 bệnh nhân được tiến hành ghép thận.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Nam đang có đến hơn 16.000 bệnh nhân chờ đợi ghép tạng, với hơn 8.000 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối,1.500 trường hợp suy gan nặng, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý liên quan đến giác mạc gồm trên 6.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm trường hợp có nhu cầu ghép tim, phổi, tụy. Trong khi kết quả số người đồng ý hiến tạng sau các chương trình vận động đăng ký hiến tạng với những bệnh nhân chẳng may qua đời được thực hiện tại các bệnh viện ở nước ta lại rất thấp.

Nguồn hiến mô, tạng cực kỳ hiếm, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế

Khan hiếm nguồn hiến tạng: Mòn mỏi mong chờ sự sống

Nguồn tạng hiến rất ít trong khi nhu cầu chờ cấy ghép tạng lại cao

Ở Nhật, có không ít người bệnh đã phải chờ đợi đến gần 20 năm trong danh sách chờ ghép quốc gia mới có thận tương thích để thay thế. Thực trạng này ở Việt Nam còn lâu hơn rất nhiều.

Thống kê cho thấy, đến nay cả nước mới thực hiện được trên 1.400 ca ghép giác mạc, 37 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, 01 ca ghép tụy và khoảng 1.200 ca ghép thận. Riêng khu vực phía Nam gồm Bệnh viện Nhi đồng 2, Chợ Rẫy và Bệnh viện 115 đã tiến hành được 456 ca ghép thận và 11 ca ghép gan.

Nhiều trường hợp người bệnh đã qua đời trong thời gian chờ ghép vì nguồn hiến tặng mô, tạng vô cùng khan hiếm. Hàng chục ngàn ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn trong khi hàng nghìn người chờ đợi mỏi mòn trong bệnh tật và rồi không qua khỏi.

Khan hiếm nguồn hiến tạng: Mòn mỏi mong chờ sự sống

Sự sống của người hiến tạng vẫn tồn tại trên một cơ thể khác

Những rào cản khiến nguồn hiến tặng ngày càng khan hiếm

Luật ghép tạng của Việt Nam chưa cho phép bệnh nhân dưới 18 tuổi bị chết não được hiến tạng. Điều này là sự tổn thất lớn đối với các bệnh nhi cần được ghép tạng để tiếp tục sống.

Một trở ngại khác không chỉ ở Việt Nam mà còn phổ biến trên thế giới, đó là chuyện thủ tục. Nếu có một người nhà hay họ hàng phản đối người bệnh, chết não hiến tạng thì việc ghép tạng cũng không thể được tiến hành.

Bên cạnh đó, nhận thức của người Việt cũng đóng vai trò quan trọng. Kiến thức về việc hiến tặng mô, tạng của chúng ta chưa cao, sự hiểu biết về chết não còn hạn chế. Hơn nữa quan niệm về khi chết thì thân thể phải còn nguyên vẹn đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người.

Không những vậy, chi phí ghép tạng ở nước ta so với thu nhập của người dân thì vẫn ở mức quá cao. Chi phí trung bình cho một ca ghép tạng từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng, chưa kể chi phí cho những loại thuốc chống đào thải phải sử dụng sau khi phẫu thuật cũng tiêu tốn đến hàng triệu đồng mỗi tháng. Do vậy, có trường hợp bệnh nhân dù tìm thấy nguồn ghép tạng nhưng cũng không thực hiện được vì không đủ kinh phí.

>> Xem thêm:

Hiến tạng: Cảm động những câu chuyện ít ai biết

Sức khỏe của người hiến tạng thay đổi như thế nào?

Nhói lòng một vụ mua bán thận hợp pháp tại Iran

 Chuyên đề hiến tạng: Để sự sống còn tiếp diễn  

 Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!