Khi nội tạng trở thành món hàng 'lãi đậm'

Sống khỏe mạnh - 05/13/2024

Buôn bán nội tạng người sống hiện là một loại hình tội phạm nguy hại đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Mặc dù nhiều đường dây buôn bán đã bị phanh phui và xử lý nhưng do nhu cầu của người cần hiến tạng tăng cao nên vẫn không ít kẻ tội phạm bất chấp tất cả. Chúng buôn bán, thậm chí đánh cắp nội tạng của người khác một cách lộ liễu, trắng trợn nhằm thu lợi.

Cảnh báo tình trạng buôn bán tạng trái phép, thậm chí bắt cóc, giết người để lấy tạng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 70.000 quả thận được tiến hành cấy ghép với khoảng 15.000 quả thận có nguồn gốc từ thị trường mua bán nội tạng trái phép. 10% nguồn cung cấp cho việc cấy ghép tạng là từ việc buôn bán nội tạng tại các chợ đen và thu lợi trên 1.2 tỷ USD.

Những thị trường kinh doanh nội tạng sầm uất nhất trên thế giới bao gồm: Kosovo, Mozambich, Israel, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập và Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc là một trong những thị trường mua bán nội tạng sống bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Phần lớn người bệnh trên thế giới thích đến Trung Quốc để tìm nội tạng ở chợ đen với mức giá lên tới 200.000 USD cho một quả thận. Trong khi đó, những người bán tạng chỉ nhận được khoản tiền chưa tới 5.000 USD.

Việt Nam cũng không ngoại lệ, đa số những người cần ghép tạng phải tìm đến các đường dây buôn bán tạng trái pháp luật. Thông qua các đường dây này, người bệnh có thể mua được nội tạng với giá rất cao, còn người bán tạng lấy danh nghĩa là 'hiến tặng' cũng chỉ nhận được khoản chi phí chưa bằng 1/2 so với thực tế người mua phải bỏ ra.

Khi nội tạng trở thành món hàng 'lãi đậm'

Do lợi nhuận quá cao nên nội tạng trở thành một món hàng bất hợp pháp

Khan hiếm nguồn hiến tạng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng buôn bán tạng trái phép ngày càng nghiêm trọng

Theo thống kê của Bộ Y tế, cho đến nay nước ta có hơn 13.500 người bệnh cần được ghép tạng. Trong khi đó, chỉ có 2.461 ca phẫu thuật ghép tạng được thực hiện, tương đương 12% so với nhu cầu cần được ghép tạng. Không riêng gì Việt Nam, trên thế giới tình trạng này thậm chí còn khan hiếm hơn. Chính vì nguồn cầu cao và lợi nhuận quá lớn của ngành kinh doanh nội tạng, không ít mạng lưới xã hội đen chuyên buôn bán nội tạng đã ra đời, gây bất ổn cho xã hội.

Người bán tạng vì nhiều lý do

Điều kiện về kinh tế gần như là lý do chính khiến nhiều người phải bán tạng để kiếm tiền. Sau khủng hoảng kinh tế, hay động đất, thiên tai, nhiều người không đủ điều kiện sinh sống nên đành phải rao bán chính một phần cơ thể của mình. Trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, người dân không có công ăn việc làm hay thu nhập bấp bênh, việc nhận được một số tiền lớn khiến họ sẵn sàng bán tạng.

Khi nội tạng trở thành món hàng 'lãi đậm'

Những người đàn ông nghèo ở Nepal đã bán thận để trang trải cuộc sống

Bên cạnh đó, do người dân còn thiếu kiến thức hay nhận thức chưa đúng về việc bán tạng nên dễ bị những kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt. Họ không biết việc bán một bộ phận của cơ thể sẽ dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Trong một số trường hợp, thậm chí người 'bán' tạng còn có thể tử vong do trong quá trình phẫu thuật không đạt chuẩn. Không chỉ có vậy, nhiều người còn bị lừa và tin rằng cắt tạng đi rồi còn có thể 'mọc' lại.

Ngoài ra, công tác quản lý, an ninh tại nhiều nơi vẫn còn lỏng lẻo, chưa được đẩy mạnh thực hiện cũng tạo cơ hội cho những đường dây buôn bán tạng phi pháp hoạt động.

Hình thức buôn bán đa dạng, qua nhiều quá trình khác nhau

Đầu tiên, kẻ xấu sẽ tiếp cận nạn nhân, lợi dụng những người nghèo, thất học rồi dụ dỗ cho họ nhiều tiền, công ăn việc làm ổn định nếu bán tạng. Khi được sự đồng ý của người bán thì chúng làm các giấy tờ giả mạo và đưa nạn nhân đến bệnh viện để ghép thận, đương nhiên những bệnh viện này và bác sĩ phẫu thuật cũng có thể được chúng mua chuộc từ trước. Nếu không, chúng sẽ sử dụng giấy tờ giả để che mắt pháp luật nhằm tiến hành ghép tạng dưới danh nghĩa 'hiến tặng'.

Những mảnh đời bất hạnh sau khi bán tạng trái phép

Trận động đất khủng khiếp ở Nepal hồi tháng 4 vừa qua đã khiến rất nhiều gia đình không có nơi để ở, lâm vào tình trạng khốn cùng. Trước đó, cô Geeta, 37 tuổi ở làng Hokse, nằm cách Thủ đô Kathmandu của Nepal 12 dặm về phía đông đã bán một quả thận của mình để xây một ngôi nhà do hoàn cảnh quá nghèo khó. Nhưng trận động đất đã biến ngôi nhà mới đó thành một đống gạch vỡ vụn. Mất đi một bên thận nhưng cô Geeta vẫn trở thành người vô gia cư.

Khi nội tạng trở thành món hàng 'lãi đậm'

Một bệnh nhân ở Iran bán tất cả đất đai để mua thận nhưng anh ta chết sau 1 tháng do quả thận mới không tương thích

Người dân trong làng Hokse bị cám dỗ ghê gớm của những kẻ buôn nội tạng bởi họ quá nghèo đói. Những lời hứa về sự đầy đủ, giàu sang và sự thiếu hiểu biết khiến họ bán đi bộ phận cơ thể mình. Chồng Geeta cũng cắt bán một bên thận của mình và đang sống dở chết dở khi sức khỏe ngày càng suy yếu đi.

Ở Iran, việc buôn bán thận được chấp nhận hợp pháp. Ghaffar Naghdi, 24 tuổi, đã phải chịu khổ sở suốt 6 năm với quả thận hỏng. Sau khi thấy lời rao bán thận, gia đình anh bán toàn bộ đất đai để lấy tiền mua và ghép thận cho anh. Ban đầu sau phẫu thuật, Ghaffar cảm thấy rất ổn định. Nhưng chỉ một tháng sau, anh đã qua đời do quả thận không tương thích.

Các trường hợp ghép tạng trái phép dễ bị nhiễm trùng hậu phẫu, suy yếu sức lực, trầm cảm và thậm chí nhiều người còn tự tử. Người còn 1 quả thận dù có thể sống bình thường suốt đời nhưng sức khỏe bị giảm sút, có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và dễ dẫn đến suy thận, phải chạy thận suốt đời, tốn kém tiền của. Không chỉ có vậy, số tiền từ việc bán nội tạng cũng không đủ để cải thiện cuộc sống vốn có của họ. Cuối cùng sức khỏe suy giảm và cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn.

 Chuyên đề Hiến tạng: Để cuộc sống còn tiếp diễn  

Ảnh minh họa: Internet

 Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!