Khoa học công nghệ giúp chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong y dược đã giải quyết nhiều bệnh hiểm nghèo, mang lại sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp cho người bệnh.

Bộ KH-CN, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước phối hợp với Học viện Quân y vừa tổng kết Chương trình 'Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng', mã số KC10/11-15, giai đoạn 2011-2015.

Báo cáo tổng kết tại hội nghị, GS.TS. Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình KC10/11-15 đã thực hiện 69 đề tài thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế; Chẩn đoán, điều trị; Công nghệ bào chế thuốc hóa dược; Sản xuất thuốc từ dược liệu. Nhiều kỹ thuật công nghệ cao như ghép thận, gan, tim, tụy… chỉ đến khi có chương trình trọng điểm cấp nhà nước mới có thể thực hiện được, giải quyết được nhiều bệnh hiểm nghèo.

Khoa học công nghệ giúp chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo

Trong đó phải kể đến thành quả ghép đồng thời khối tụy thận từ người cho chết não được thực hiện ngày 3.3.2014 tại Học viện Quân y, tạo bước đột phá cho kỹ thuật ghép tạng Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới. Hoặc như thành quả ghép thận từ người cho tim ngừng đập được tiến hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đem lại hy vọng cho hàng nghìn người bệnh suy thận mạn.

Phẫu thuật nội soi là một cuộc cách mạng trong ngoại khoa với những ưu điểm như hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tính thẩm mỹ cao… cũng được các nhà khoa học nắm bắt và ngày càng nâng tầm với các kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên (đề tài thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế); phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp (Bệnh viện Nội tiết Trung ương); phẫu thuật nội soi trong điều trị bệnh sọ não (Bệnh viện Việt Đức)…

Khoa học công nghệ giúp chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo

Đặc biệt, cách đây 5 năm các nhà phẫu thuật thần kinh Việt Nam cho rằng phẫu thuật nội soi cắt u tuyến yên là không thể thực hiện được ở Việt Nam thì đến nay tại Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện được trên 100 ca cắt u tuyến yên và u nền sọ.

Bên cạnh đó, Chương trình KC10/11-15 cũng đã thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước tại hàng loạt các chuyên khoa như: gây mê hồi sức, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu…

Các thầy thuốc Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật phức tạp không nhiều nước trên thế giới có thể thực hiện được như: tạo hình mất đoạn xương hàm bằng xương mác có mạch máu nuôi dưỡng được cấy răng trên xương mác để có một xương hàm bình thường.

Khoa học công nghệ giúp chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo

Việc ứng dụng công nghệ sinh học không phải là nội dung trọng tâm của Chương trình KC10/11-15 nhưng các kết quả nghiên cứu của Chương trình cũng cho thấy giá trị của công nghệ sinh học trong lĩnh vực y dược trong việc giải quyết nhiều bệnh phức tạp như vết loét lâu liền, bỏng sâu và rộng; sản xuất thuốc chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và có khả năng xuất khẩu.

Việt Nam cũng đã bước đầu thành công sản xuất vắc-xin sốt xuất huyết; nghiên cứu bào chế một số thuốc điều trị ung thư; đặc biệt là nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vắc-xin Rota sống giảm độc lực chống tiêu chảy, được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ kiểm định tính an toàn và hiệu lực, được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và xuất khẩu sang các nước khác…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!