Không hoang mang trước bệnh bạch hầu

Thời sự - 04/25/2024

Việc xuất hiện hàng loạt ca dương tính với bệnh bạch hầu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đã cho thấy mức độ nguy hiểm, lây lan nhanh, rộng khắp của căn bệnh này đối với cộng đồng. Tuy nhiên, sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương của các cơ quan chức năng cộng với ý thức phòng bệnh của người dân sẽ kiểm soát và ngăn chặn dịch hiệu quả, ngay từ giai đoạn đầu.

Nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 22 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Riêng huyện Sa Thầy cũng đã phát hiện 5 ca mắc bệnh bạch hầu và 9 người liên quan phải thực hiện cách ly, theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, hiện tại, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định. Trung tâm đã nhanh chóng khoanh vùng, điều tra dịch tễ những người tiếp xúc gần với các ca dương tính, tiến hành khử khuẩn môi trường bằng dung dịch Cloramin-B và cho người dân uống thuốc dự phòng.

Không hoang mang trước bệnh bạch hầu

Chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện tại Việt Nam trong 35 năm qua đã góp phần đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có bạch hầu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, chính quyền địa phương cũng đã chủ động lập các chốt kiểm dịch, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn đối với người và phương tiện qua lại, ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng. Học sinh trong xã cũng đã được cho nghỉ học để đề phòng dịch lây lan. Bác sĩ Võ Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: 'Địa phương đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch; cách ly, điều trị những bệnh nhân mới, không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng cũng được tăng cường, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95% trở lên để tạo ra miễn dịch cộng đồng'.

Tiêm chủng - phương pháp hữu hiệu phòng tránh bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh có thể lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp hoặc thông qua vật trung gian như vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.

Không hoang mang trước bệnh bạch hầu

Chốt kiểm dịch do UBND huyện Sa Thầy tổ chức tại khu vực làng O, làng Trang, xã Ya Xiêr để ngăn chặn dịch bạch hầu lan rộng.

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các dấu hiệu ban đầu của bệnh bao gồm sốt nhẹ, chảy nước mũi, đục, có thể hơi lẫn máu. Nhìn trong lỗ mũi có những giả mạc ở vách ngăn mũi. Chính những dấu hiệu này khiến người dân hay nhầm lẫn bạch hầu với các bệnh cảm sốt thông thường. Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Lâm khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng điều trị thành công bạch hầu nếu phát hiện sớm với 2 phương pháp phổ biến hiện nay, đó là sử dụng huyết thanh kháng độc tố và kháng sinh.

Các chuyên gia y tế cho biết, cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất tính đến thời điểm này vẫn là tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương bởi các dịch bệnh truyền nhiễm. Kể từ năm 1985, nước ta đã tạo ra miễn dịch cộng đồng với bạch hầu nhờ thực hiện chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, việc người dân một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên không tiêm phòng đầy đủ đã tạo ra vùng trũng trong tiêm chủng, dẫn đến việc bùng phát nhiều ổ dịch nguy hiểm, phức tạp trong thời gian gần đây. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu dưới dạng vắc-xin phối hợp đủ và đúng lịch: 3 mũi đầu trong 12 tháng đầu đời; mũi thứ 4 từ 18 tháng tuổi; mũi thứ 5 từ 4 đến 7 tuổi; mũi thứ 6 từ 9 đến 15 tuổi.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!