Không khí ô nhiễm, tự ý dùng máy thở ôxy tại nhà vô cùng nguy hiểm

Thời sự - 11/24/2024

Thở ôxy tại nhà được nhiều người xem là 'mốt' để bảo vệ sức khỏe khi mà không khí ngoài trời ô nhiễm. Theo các chuyên gia, tự ý thở ôxy tại nhà sẽ vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Không khí ô nhiễm, tự ý dùng máy thở ôxy tại nhà vô cùng nguy hiểm

Ảnh minh họa

Nguy hiểm khi tự ý dùng bình thở ôxy tại nhà

Thời gian gần đây ô nhiễm không khí lan rộng, nhất là bụi mịn ngày càng ở mức cảnh báo cao, nhiều người dân vô cùng lo lắng cho không khí mình hít thở hàng ngày. Nhiều người mách nhau tìm mua bình ôxy về thở tại nhà. Theo mọi người với việc thở ôxy tinh khiết này sẽ giúp cải thiện môi trường sống, xua tan đi vấn đề bụi mịn hay không khí ô nhiễm…

Trước tình trạng này, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho rằng, mọi người cần hết sức thận trọng trong việc tự ý sử dụng ôxy tại nhà. Trong y học, ôxy được coi là thuốc và không sử dụng liệu pháp ôxy cho người bình thường. Việc sử dụng liệu pháp ôxy phải có chỉ định chính xác về liều lượng và thời gian hay nói cách khác phải có chỉ định của bác sỹ.

Trước khi cho bệnh nhân thở ôxy, các bác sỹ phải kiểm tra (đo ôxy qua mao mạch đầu ngón tay hoặc phân tích khí máu động mạch). Ở Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội hiện nay đang sử dụng đo khí máu mao mạch để kiểm tra. Khi thở bằng bình ôxy dù ai cũng cần phải theo dõi chặt chẽ, tuân thủ chặt chẽ về thời gian cũng như liều lượng. Bởi vậy việc tự ý sử dụng ôxy rất nguy hiểm.

Trong trường hợp lạm dụng thở ôxy tùy tiện đặc biệt là người không bị bệnh, không có chỉ định sử dụng ôxy liệu pháp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như:

Gây ức chế trung tâm hô hấp, làm chậm nhịp thở, giảm thông khí...

Nếu không được làm ẩm tốt, không được đảm bảo về nhiễm khuẩn sẽ gây viêm phổi, tạo cảm giác khó chịu.

Thở ôxy lâu dài không có chỉ định có thể tổn thương phế nang, mao mạch và phổi. Cơ thể có thể mệt mỏi, ù tai, chóng mặt.

Với trẻ nhỏ mà thở ôxy quá nhiều sẽ bị xơ hóa võng mạc, bong võng mạc, gây ra mù mắt và xơ phổi.

Ngoài ra, một điều nguy hiểm nữa là ôxy là chất dễ gây cháy nổ nhanh vì vậy sử dụng tại nhà sẽ tăng nguy cơ cháy nổ, mất an toàn về phòng cháy chữa cháy. Những tai nạn và thiệt hai không đáng có dễ xảy ra khi không có cách bảo quản đúng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng nhấn mạnh việc thận trọng mua ôxy nguyên chất về thở tại nhà. Thở ôxy thường chỉ định ở những bệnh nhân bị suy hô hấp cấp do cơn hen phế quản cấp, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Còn những người không bị suy hô hấp sẽ không có chỉ định dùng ôxy. Hơn nữa ôxy cũng không chỉ định cho người bị mệt hay ứng phó với không khí ô nhiễm ngoài trời. Sử dụng cần phải có chỉ định của bác sĩ, tuân thủ tuyệt đối những chỉ định về liều lượng, thời gian thở.

Điều cần làm để bảo vệ sức khỏe khi không khí ô nhiễm

Ông Trần Anh Thắng khuyến cáo, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt ở một số nhóm đối tượng như mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi và trẻ em… Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm như hiện nay, mọi người cần tập thể dục đều đặn để có cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết thay đổi; cần có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hàng ngày phù hợp (ví dụ như: Ăn nhiều hoa quả, uống sữa...). Với không khí ô nhiễm, khói bụi như hiện nay, khi ra ngoài đường đeo khẩu trang y tế và sau khi về nhà nên nhỏ mắt mũi bằng nước muối sinh lý. Trường hợp có vấn đề cần hỗ trợ về y tế, người dân có thể gọi đến số máy cấp cứu 115 để được tư vấn hoặc xe cấp cứu đến hỗ trợ y tế tại nhà.

Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe lao động và môi trường (Bộ Y tế), tùy theo môi trường cụ thể để sử dụng khẩu trang cho phù hợp. Ví như khi tham gia giao thông, nên chọn khẩu trang có than hoạt tính để hấp thụ hơi, khí độc từ khí thải phương tiện giao thông. Nếu vào bệnh viện nên chọn khẩu trang có kháng khuẩn để chống nhiễm khuẩn. Khi đến những khu vực như công viên, hồ, chỉ cần sử dụng khẩu trang thông thường mà không cần yêu cầu khẩu trang nào đặc biệt.

Một khẩu trang đạt yêu cầu phải đáp ứng 5 yếu tố như hiệu suất lọc (như hiệu suất lọc hạt bụi thì phải lọc được tất cả hạt bụi nào từ 0-2,5 mcr); độ kín khít của khẩu trang. Khẩu trang phải ôm vùng hô hấp, che được mũi và miệng; khẩu trang không được che tầm nhìn; không được cản trở việc hô hấp bình thường và cần có trọng lượng đủ nhẹ. Một số khẩu trang cũng đã được bổ sung than hoạt tính, tráng nano bạc để tăng cường hiệu quả cho việc chống nhiễm khuẩn từ bên ngoài.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề và kéo dài tại Hà Nội, Bộ Y tế lần đầu tiên mới đưa ra khuyến cáo để người dân dự phòng, bảo vệ sức khoẻ. Theo đó cần chú ý:

- Thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

- Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách.

- Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá.

- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.

- Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!