Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, hệ miễn dịch trẻ còn đang hoàn thiện nên thường dễ mắc bệnh, khá phổ biến là viêm đường hô hấp trên. Bệnh thường xuất hiện cùng các triệu chứng như đau họng, ho, hắt hơi, sốt nhẹ, người uể oải, chảy mũi nước trong… Phần lớn các bệnh lý này do virus gây ra (thường gặp là Rhinovirus), hoặc dị ứng với thời tiết, không khí ô nhiễm, hóa chất, khói bụi, khói thuốc… Uống kháng sinh tùy tiện không giúp trẻ cải thiện sức khỏe mà có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Vi khuẩn dễ nhờn thuốc, đề kháng kháng sinh gây nguy hại về lâu dài còn nguy hiểm hơn.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, thông thường các triệu chứng của bệnh viêm hô hấp trên sẽ giảm dần, có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Phụ huynh không nên vội vàng sử dụng kháng sinh, có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, siro ho, xịt mũi… để làm giảm triệu chứng, giúp bé dễ chịu. Khi bác sĩ thấy bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn, kháng sinh mới được khuyên dùng. Trong trường hợp triệu chứng ngày càng nặng, nghi ngờ không còn là tình trạng nhiễm virus thông thường, trẻ cần được thăm khám, điều trị thích hợp.
Trẻ có thể khỏi bệnh viêm đường hô hấp trên khi được điều trị phù hợp, không cần dùng đến kháng sinh. Xem thêm thông tin tại đây. Ảnh: Shutterstock.
Các bệnh viêm đường hô hấp trên dễ lây lan nếu trẻ dùng chung đồ vật, đồ chơi, tiếp xúc người bệnh mà không vệ sinh, rửa tay sạch sẽ. Trẻ có thể bị tái đi tái lại do sức đề kháng yếu. Phụ huynh nên chủ động nâng cao sức đề kháng cho con bằng cách tạo môi trường sống sạch sẽ, tránh để bé tiếp xúc với khói bụi, hơi nóng, khí độc, hóa chất độc hại…
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất, khuyến khích con tập luyện thể dục thường xuyên góp phần tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Bé cần tập thói quen giữ gìn vệ sinh, rửa tay, tắm sạch với xà phòng diệt khuẩn, nhất là trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với người bệnh...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!