Có những người mẹ khi con quấy khóc sẽ đành chấp nhận và chịu đựng lâu dài, mong một ngày con đổi nết để trở nên ngoan ngoãn hơn. Nhưng với chị Trang (29 tuổi, hiện đang sống ở Đồng Nai) thì lại khác.
Khi con sinh ra quấy khóc triền miên, ngủ rồi mà đặt xuống giường lại dậy, chị không muốn mình cứ phải mãi bế vác con mệt mỏi, đau vết mổ sau sinh còn chưa lành hẳn. Và chị đã quyết tâm lên kế hoạch tìm hiểu, luyện ngủ cho con. Chỉ sau 2 tháng, bé đã tự ngủ xuyên đêm ngon lành.
Hai mẹ con chị Trang và bé Hari.
Hiện 2,5 tháng tuổi, bé Hari ngủ từ 6h tối đến 5h sáng mà không dậy ti. 'Bé ngủ xuyên đêm 11 tiếng, không ăn. Bé tự bỏ ti đêm khi tròn 9 tuần tuổi. Ba Hari còn bảo chưa quen với việc ngủ đêm mà không cần thức pha sữa cho con. Hai vợ chồng còn có thể ra ngoài đi xem phim buổi tối và tận hưởng những điều thú vị khác trong cuộc sống.
Ông bà nội ngoại cứ bảo cháu ngoan quá, dễ quá. Nhưng vợ chồng mình biết, để có được thành quả này là một quá trình chịu khó rèn và điều chỉnh cho con', chị Trang chia sẻ.
Bé Hari chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Sinh ra bé không hề có tuần trăng mật, từ ngày thứ 2 ở bệnh viện, bé đã quấy cả đêm, cứ đặt xuống là khóc. Mũi thì khò khè, cảm giác như rất khó thở.
Chị Trang kể lại, đêm hôm đó chị phải bấm chuông gọi bác sĩ không biết bao nhiêu lần. Và ngày thứ 5 khi xuất viện về 'điệp khúc' quấy khóc vẫn y chang như ở bệnh viện. Bé lẫn lộn ngày đêm, để bé ngủ ngon thì phải nằm trên người mẹ, cứ đặt xuống là khóc. Bế trên tay ngủ ngoan, bẹo má cũng không thức vậy mà đặt xuống là khóc.
Bé Hari được mẹ luyện tự ngủ bằng quy trình: quấn kén, bật đèn ngủ, bật tiếng ồn trắng và bế vỗ thư giãn một chút.
'Nhiều khi bế nó gần cả 2 tiếng rồi, đột nhiên con mở mắt ra nhìn mình rồi cười, lúc ấy mẹ chỉ muốn khóc thôi. Rồi ngủ mà cứ vặn vẹo ưỡn mình, còn có cả rên nữa. Mình sợ không có sức để làm như vậy, nhất là vì đau vết mổ nên mỗi khi phải bế ru con ngủ là cả một cực hình', chị Trang kể lại. Cuối cùng, chị quyết tâm tìm hiểu khắp các trang sách và diễn đàn để tìm một phương án tối ưu nhất để luyện ngủ cho con.
'Mình áp dụng cho bé sinh hoạt theo nếp easy từ ngày thứ 6 để cố gắng chữa tật lẫn lộn ngày đêm cho con. Mình vẫn làm theo cách của ông bà là bế bé ngủ say rồi đặt nằm. Nhưng rồi mình nhận ra, làm như thế là mình đã tước mất quyền tự ngủ của con. Nên đến tuần thứ 4, mình bắt đầu luyện con tự ngủ.
Mình quấn bé, mở đèn ngủ, bật tiếng ồn trắng thay vì những câu hát ru. Sau đó mình bế bé lên vai, vỗ cho bé thư giãn. Rồi đặt bé nằm nhưng vẫn còn thức. Mình thơm bé, chúc bé ngủ ngon rồi đi ra ngoài. Thế là bé loay hoay khoảng 5 phút sẽ tự ngủ được', chị Trang cho biết thêm.
Tuy nhiên, không phải chỉ 1-2 ngày là bé đã có thể tự ngủ được. Chị Trang chia sẻ, khi 4 tuần, bé ngủ 4 giấc ngày và 1 giấc đêm thì chỉ khoảng 1-2 giấc ngày bé tự ngủ được như vậy, mấy giấc sau bé khóc không ngủ. Mẹ sẽ cho bé khóc 5 phút rồi vẫn không tự ngủ được thì cho bé ngậm ti giả. Mẹ giữ ti cho đến khi bé ngủ sâu và dần dần bé sẽ biết.
Ti giả giống như vật trấn an giúp bé tự ngủ tiếp ngon lành. Đến khoảng 5 tuần tuổi, bé đã có thể ngủ được khoảng 50% các giấc và khoảng 6 tuần, bé đã có thể tự ngủ được tất cả giấc ngày và đêm. Nhờ vậy, khi các bé khác ra tháng quấy khóc do hết tuần trăng mật, lại đến wonder week, thì bé Hari đã ngủ ngon lành.
Khi bé ngủ ngoan, mọi hoạt động khác cũng trở nên hợp tác hơn.
Bước cuối cùng trong việcluyện ngủ xuyên đêmlà cắt ti đêm. Chị Trang chia sẻ kinh nghiệm: 'Khi 4 tuần, bé dậy đêm cách nhau 3-4 tiếng bú 1 lần. Đến 5 tuần, khi ruột bé không còn là một đường thẳng, bé hấp thụ tốt hơn, không nhanh đói nữa thì mình giãn cữ ban ngày ra cho bé, để bé học cách bú no lâu. Khi ban ngày giãn, thì đêm bé cũng tự giãn theo, nên đêm bé còn bú 2 cữ.
Đến 7 tuần, khi bé qua tuần tăng trưởng, bé bú nhiều hơn thì mình bắt đầu chỉnh lượng sữa. Ban ngày bé bú vừa đủ no, không đói cũng không quá no, để đến đêm, trước khi đi ngủ, bé bú no nhất trong ngày. Vậy là đêm bé tự bỏ đi 1 cữ, còn 1 cữ đêm duy nhất. Đến khi bé được 9 tuần, mình tiếp tục giãn cữ sữa ban ngày, bé bú chỉ còn 4 cữ ngày. Và cữ trước khi ngủ đêm, bé bú no nhất. Đêm bé không dậy nữa, công cuộc cai ti đêm thành công'.
Chị Trang chia sẻ, tuy quá trình luyện ngủ nhìn qua đơn giản như vậy, nhưng để thực hiện được cũng tốt không ít công sức: 'Để được như hiện tại, mình đã phải đánh đổi không biết bao nhiêu nước mắt của mẹ và con. Con quấy không có thời gian hút sữa mà sữa mẹ từ 180ml tụt về 0. Ra tháng con bú sữa công thức 100%. Nếu làm lại, mình tin có thể làm tốt hơn nếu tìm hiểu kỹ càng và trang bị thêm nhiều kiến thức cho bản thân'.
Vì vậy, làm mẹ là một quá trình cần rất nhiều sự kiên nhẫn, học hỏi, bao nhiêu cũng là không đủ. Để luyện con ngủ thành công, mẹ cần kiên trì chắt lọc kinh nghiệm và biết áp dụng một cách linh hoạt vào trường hợp thực tế.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!