Một trong những lợi ích lớn nhất của việc luyện ngủ cho con là mẹ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân mình, trở nên hạnh phúc hơn và từ đó cũng làm mẹ tốt hơn. Còn em bé sớm được tự lập, phát triển vượt trội mọi mặt về thể chất, trí trão. Đó cũng là những điều mà chị Ngọc Minh (29 tuổi, hiện đang sống ở Bà Rịa, Vũng Tàu) cảm nhận được ở trong thời gian này. Bởi con trai chị - bé Gia An, hiện 8 tháng tuổi, đã được mẹ luyện ngủ thành công từ khi mới 2,5 tháng.
Chị Ngọc Minh chia sẻ rằng có một em bé sinh hoạt theo nếp Easy và có thể tự ngủ mọi lúc mọi nơi là đặc-biệt-sung-sướng. Ví dụ mỗi lần theo bố mẹ đi ra ngoài, cứ đến giờ là em tự ngủ trong xe đẩy, bố mẹ cứ việc ăn chơi ngay bên cạnh dù môi trường ồn ào cũng chẳng sao. Ngủ dậy em lại có thể sảng khoái vì đủ giấc, tiếp tục tham gia vào hành trình vui chơi. Cuộc sống của cả gia đình nhờ vậy mà hòa thuận, ngọt ngào hơn rất nhiều.
Bé Gia An hiện 8 tháng tuổi, được mẹ rèn vào nếp ăn ngủ từ khi mới 2 tháng tuổi.
Nhưng quả ngọt ấy chẳng phải tự nhiên mà có được. Chị Ngọc Minh cũng phải trải qua thời gian đầu rất khó khăn khi em bé không biết tự chuyển giấc, lại gắt ngủ và sinh hoạt ăn ngủ lộn xộn. Chị quyết tâm luyện ngủ cho con từ khi con mới được 4 tuần nhưng thất bại.
Lý do là vì chị chưa nắm vững kiến thức, lại không tìm hiểu nhiều sách nên không đọc được tín hiệu buồn ngủ của con. Cũng giai đoạn đó, bé Gia An ti mẹ không sâu, không no dẫn đến ti vặt. Chị cứ nghĩ luyện ngủ cho con là để con đấy mặc kệ con tự ngủ nhưng hoàn toàn không phải.
Chị đành chấp nhận thất bại, dừng lại quan sát con và tìm hiểu kỹ càng hơn các nguồn kiến thức về luyện ngủ. Trong lúc ấy, bé Gia An vẫn tiếp tục tình trạng gắt ngủ, đòi bế rong và không tự chuyển giấc được.
Cuối cùng, chị Ngọc biết đến nếp sinh hoạt EASY (cách thiết lập nề nếp sinh hoạt mỗi ngày của bé theo chuỗi lặp đi lặp lại): E-eat: ăn, A-activity: vận động, S-sleep: ngủ và Y-your time: thời gian thư giãn của mẹ.
Bé Gia An khi ấy 6 tuần tuổi, chị Ngọc áp dụng EASY 3,5 cho bé. Cụ thể mỗi cữ bú chị điều chỉnh để cách nhau 3,5 tiếng, ban ngày sẽ có 3 giấc dài khoảng 1,5-2 tiếng và đến 5h30 phút là tắm bé, chuẩn bị cho giấc ngủ đêm bắt đầu từ 6h tối.
Khó khăn lớn nhất khi giữ con sinh hoạt đúng theo giờ quy định, theo chị Ngọc đó là việc để con thức chơi khi con đang buồn ngủ. Bởi trẻ sơ sinh vốn ngủ rất nhiều nên dù con vật vã đòi ngủ, mẹ cũng phải tìm mọi cách đánh thức con dậy, giữ con thức đủ số giờ quy định. Chị nói chuyện với con nhiều, đọc sách cho con nghe, nhìn tranh ảnh trắng-đen để kích thích thị giác. Mất khoảng 1 tuần, bé Gia An vào nề nếp ăn chơi đúng EASY 3,5.
Khi bé đã có được nếp sinh hoạt chuẩn, việc luyện ngủ cho bé sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bởi đến đúng giờ quy định là chị Minh biết được con cần đi ngủ. Nhờ vậy chị cũng đọc rất chuẩn tín hiệu của con.
'Lần này mình rất quyết tâm. Thời gian đầu, mình chỉ luyện cho con nếp sinh hoạt ổn định, có giờ giấc trước. Sau 1 tuần, mình tiến hành luyện con tự ngủ. Và chỉ đến ngày thứ 10, con đã rất hợp tác, tự ngủ ngon lành. Khi con được 2,5 tháng, mình cai ti đêm bằng cách giãn cữ cho con', chị Ngọc Minh chia sẻ lại lộ trình.
Khi con muốn ngủ mà chưa đến giờ, chị Ngọc Minh sẽ cố gắng giữ con thức bằng cách nói chuyện, đọc sách.... cho con.
Bắt đầu từ ngày thứ 8, chị Ngọc Minh luyện cho con tự ngủ theo phương pháp 5S: Quấn bé, bật tiếng ồn trắng, đung đưa vỗ về con (đồng thời thì thầm câu 'Đến giờ con đi ngủ rồi'), đặt con xuống giường và chúc con ngủ ngon. Sau đó chị sử dụng nút chờ để con tự xoay sở đi vào giấc ngủ của mình.'
Ngày đầu tiên, mình áp dụng nút chờ 3 phút, ngày thứ 2 tăng dần lên 5 phút và cứ thế tăng dần lên. Con khóc ít đi mỗi ngày một chút. Mình không sử dụng ti giả, mỗi lần chuyển giấc con khóc rất lâu. Mình sử dụng nút chờ triệt để và vào hỗ trợ bé sau nút chờ nên chỉ sau khoảng 3 ngày, bé đã tự ngủ lại rất ngon',chị Ngọc Minh chia sẻ.
Một khi bé đã tự ngủ tốt và đúng giờ, việc mẹ đưa bé đi chơi bất kỳ đâu cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Sau khi con đã tự ngủ được, chị Minh tiến đến công đoạn cuối trong quá trình luyện ngủ: Cai ti đêm. Chị thực hiện bằng cách giãn cữ đêm, tiếp tục sử dụng nút chờ khi con dậy đòi ti: 'Trước khi cai ti đêm, bé nhà mình dậy ăn đêm 3 lần vào khoảng 11h đêm, 1h sáng và 3h sáng. Mình cố gắng sử dụng nút chờ bằng cách cữ 11h mình sẽ để con tự xoay sở đến khoảng 11h30 mới cho ti. Nhờ vậy mà các cữ sẽ chuyển thành 11h30', 1h30' và 3h30'. Sau đó lại chuyển dần lên thành 12h30', 2h30' và 4h. Đồng thời mình giảm lượng sữa 110ml/lần xuống dần 90ml, rồi 60ml và 30ml. Cứ như vậy cho đến khi cữ cuối cùng là 3h sáng. Sau đó tiếp tục giãn cho đến cữ 3h sáng nhập với 6h sáng'.
Trong quá trình này, bé Gia An bắt đầu biết mút tay nên khóc cũng ít hơn qua mỗi ngày. Sau khoảng 2 tuần kiên trì giãn cữ như vậy, chị Minh đã thành công. Khi bé được 2,5 tháng, bé đã cai ti đêm hoàn toàn. Bé giữ lịch ngủ xuyên đêm các giấc từ 6-7 giờ tối đến 6-7 giờ sáng hôm sau. Những hôm rơi vào wonder week bé có khóc quấy hơn nhưng vẫn ngủ ngon, thời gian ngủ vẫn đảm bảo 11-12 tiếng.
Đối với chị Ngọc Minh, hiện trạng của con như vậy là đã thành công vượt xa cả mong đợi của chị. Nhìn con ngủ dậy sảng khoái, tươi cười, chị thấy vô cùng hạnh phúc với quyết định luyện ngủ của mình.
Chị cũng chia sẻ với các mẹ khác rằng: 'Một đứa trẻ hoàn toàn không phải là robot, không thể lập trình việc ngủ đủ, ngủ đúng răm rắp được. Nên việc khóc khi chuyển giấc chắc chắn sẽ xảy ra. Ví dụ như con mình đôi khi vẫn rơi vào tình trạng đấy nhưng con tự chuyển giấc được, nếu không được con tự nằm chơi đến giờ mẹ cho dậy. Vậy nên mình cho rằng con ngủ đủ trong khung giờ cho phép, lệch 30 phút hay 1 tiếng vẫn không sao cả. Mục đích của nếp sinh hoạt easy hay luyện ngủ là tạo nếp ăn chơi ngủ ngon, vui khỏe mỗi ngày. Mẹ chỉ cần nhớ như thế là được'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!