Việc thức đêm cho con ti và bế bồng dỗ con vào giấc ngủ lại là nỗi ám ảnh của bất kỳ bà mẹ nào. Chị Hoàng Hà (29 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) cũng đã từng ở trong hoàn cảnh đó. Thế nhưng chị đã quyết tâm lấy lại sự bình tĩnh, tìm đến đúng phương pháp để có thể cho con ngủ riêng, luyện ngủ xuyên đêm.
Nhờ vậy chỉ sau 2 tuần bắt tay vào luyện ngủ, cai ti đêm, bé Siêu (8 tháng rưỡi) – con gái chị đã có thể ngủ một mạch từ 8h tối đến 8h sáng.
Hai mẹ con chị Hà và bé Siêu.
Trên hành trình luyện ngủ của con, bố của bé cũng đồng hành và hỗ trợ mẹ bé rất nhiều.
Chị Hà kể lại: 'Trước đây, lịch sinh hoạt của con rất lộn xộn. Con thường bú vặt, giấc ngủ ban ngày ngắn và hay giật mình. Ban đêm ngủ dài nhất chỉ được 2 tiếng hoặc là cứ nửa tiếng sẽ dậy một lần. Con ngủ không sâu nên ăn rất tốt mà vẫn chậm tăng cân hơn các bạn khác'.
Cũng vì những nỗi niềm đó, chị Hà đã quyết tâm tìm hiểu về việc luyện ngủ cho con:'Mình đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu trước khi quyết định cắt ti đêm và cho con ngủ xuyên đêm.
Mình được biết, sinh hoạt điều độ giúp bé ăn ngủ tốt hơn để phát triển thể chất và phản xạ cần thiết, phát triển não bộ trong giai đoạn quan trọng nhất. Hơn thế nữa, việc luyện ngủ còn giúp con rèn luyện kĩ năng tự trấn an bản thân khi chuyển giấc. Đây là kỹ năng quan trọng để bé tự lập hơn khi chơi ban ngày và làm quen với môi trường mới'.
Việc luyện ngủ cho con sẽ giúp con phát triển vượt trội về nhiều mặt.
Cuối cùng, vợ chồng chị bắt tay vào việc luyện ngủ cho con theo phương pháp và quy trình cụ thể. Chị cho biết, có 2 yếu tố cần chuẩn bị như một nền tảng để luyện ngủ xuyên đêm: (1) Con ăn đủ vào ban ngày thì đêm sẽ bớt tỉnh dậy vì đói. Con tỉnh dậy vì thói quen ngậm ti mẹ thì sẽ dễ luyện ngủ hơn.
(2) Con ngủ theo giấc vào ban ngày, tự ngủ chứ không cần bế rung hay vỗ. Cả hai yếu tố này chị đã luyện trước cho bé khoảng 1 tuần trước khi cai ti đêm hoàn toàn và luyện ngủ xuyên đêm.
Thời điểm bắt đầu luyện ngủ xuyên đêm cho bé Siêu cũng đến rất tình cờ. Chị Hà chia sẻ:'Kể ra cũng buồn cười nhưng thời điểm bé được luyện cai ti đêm hoàn toàn và ngủ xuyên đêm bắt đầu từ hôm đội tuyển Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup.
Vì phòng bên ngoài rất ồn do những người 'đi bão' cả đêm nên mình cho bé vào phòng trong để ngủ riêng. Sau đó thấy phòng yên tĩnh, con ngủ riêng không đụng chạm vào bố mẹ, ngủ sâu hơn nên mình quyết định luyện ngủ luôn vào đêm ấy'.
Có con gái là một niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng chị Hà.
Giữa các lần con dậy, vợ chồng chị thay phiên sang bế để dỗ bé quay lại giấc ngủ thay vì chị Hà cho con ti như trước. Mỗi lần con khóc, bố mẹ không sang dỗ ngay mà đợi 5 phút để xem con có tự mình tìm lại giấc ngủ được không. Những ngày sau tăng thời gian đợi lên 10 phút, 20 phút…
Các biện pháp trấn an cũng áp dụng theo lộ trình tăng dần cấp độ: bế rung để ru ngủ, bế ngồi ru ngủ, bế lên khi khóc – đặt xuống khi hết khóc, xoa lưng xoa đầu khi con giật mình và cuối cùng là cry it out with checks – cứ để con khóc 1 lúc rồi tự mình tìm lại giấc ngủ.
Nhờ có bố mẹ kiên trì động viên nhau và áp dụng lộ trình trấn an con mỗi khi tỉnh giấc như thế, bé Siêu đã có thể tự cắt ti đêm hoàn toàn trong vòng 10 ngày và mất thêm khoảng 4 ngày sau đó nữa để ngủ xuyên đêm.
Hiện tại, bé đã có thể ngủ liền mạch 10-12 tiếng mỗi đêm. Nhờ ngủ sâu, cắt ti đêm, ban ngày con ăn được gấp rưỡi so với trước đó. Phản xạ vận động của bé rất tốt, 7 tháng con đã biết bò và tập đứng, 8 tháng đã chập chững biết đi.
Thành quả này khiến vợ chồng chị Hà cảm thấy quá trình luyện ngủ cho con đầy gian nan nhưng thật sự rất xứng đáng.
Sự phát triển vượt trội của bé Siêu sau khi luyện ngủ thành công khiến bố mẹ bé cho rằng những gian nan đã trải qua thật chẳng đáng gì.
Chị Hà cũng tiết lộ thêm một số bí kíp góp phần thành công nhanh hơn khi luyện ngủ xuyên đêm cho con: 'Bật tiếng ồn trắng hoặc bật nhạc không lời xuyên đêm để tiếng ồn bên ngoài không lọt vào.
Dùng bỉm thấm hút tốt hơn vì bỉm thấm hút tốt giúp con ngủ sâu hơn. Mình dùng 2 loại bỉm ban ngày và ban đêm riêng. Các mẹ cũng nên cho ngủ riêng thay vì ngủ chung với bố mẹ như trước.
Dù có nhiều tranh cãi về vấn đề ngủ chung - ngủ riêng nhưng cá nhân mình thấy sau khi cho bé ngủ hẳn phòng riêng (bố mẹ qua kiểm tra vài lần trong đêm) thì bé ngủ sâu vượt trội, khi chuyển giấc tỉnh dậy thì cũng nhanh tự mình tìm lại giấc ngủ hơn thay vì đợi ti hay bố mẹ dỗ như trước'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!