Đau dạ dày là một loại bệnh rất phổ biến gây nhiều phiền toái và thường gặp phải ở người lớn. Nhiều người lầm tưởng trẻ em không phải là nạn nhân của bệnh viêm loét dạ dày, nhưng trên thực tế, nhiều bệnh nhi cũng mắc căn bệnh này.
Trẻ đau bụng do viêm loét dạ dày, tá tràng
Gần đây nhất, bệnh nhi Đ. P. B., 8 tuổi (quê Cao Bằng) bị đau bụng, buồn nôn, nên gia đình đã cho bé đi khám ở địa phương nhưng về nhà bé vẫn bị đau bụng nên gia đình đã cho bé đi khám tiếp. Sau khi bé được nội soi và kết quả cho thấy có dịch dạ dày trong, thân và phình vị niêm mạc bình thường. Niêm mạc hang vị xung huyết nhẹ.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng đã lấy mẫu ở hang vị để xét nghiệm vi khuẩn HP. Kết luận cuối cùng cho thấy bé B. bị viêm dạ dày. Theo GS.TS Đào Văn Long, chuyên gia cao cấp tiêu hóa gan mật - Khoa Tiêu hóa (bệnh viện Bạch Mai), đây chỉ là một trong nhiều trường hợp được chẩn đoán đúng bệnh và được điều trị.
Dễ nhầm với rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun
Theo GS. Long, trước đây, viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em, nên hễ trẻ bị đau bụng các bậc cha mẹ thường cho rằng trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, 2/3 số trẻ dưới 15 tuổi đau bụng do viêm loét dạ dày, tá tràng. Có nhiều trường hợp vào cấp cứu vì nôn ra máu. Một số trường hợp biến chứng thủng dạ dày.
Kỹ thuật nội soi hiện đại giúp chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng ở trẻ em không đau.
GS.Long cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm dạ dày ở trẻ em, trong đó thường gặp là viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm dạ dày và các biến chứng loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày. Vi khuẩn này lây qua đường miệng - miệng, nghĩa là có trẻ bị nhiễm khi ăn uống, sinh hoạt cùng với người nhiễm HP. Ngoài ra, vi khuẩn theo đường môi trường do vệ sinh ăn uống kém, ô nhiễm môi trường, nguồn nước nhiễm bẩn.
Viêm loét dạ dày, tá tràng do ăn uống không điều độ, đúng cách, ăn uống không đúng bữa, ăn quá nhanh, vận động mạnh ngay sau khi ăn… là một trong những nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất khiến trẻ mắc phải bệnh dạ dày.
Một số loại thuốc (thuốc chống viêm giảm đau không steroid) có thể gây ra viêm dạ dày (cả đông y lẫn tây y). Do vậy, phụ huynh cần lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc. Trào ngược dịch mật tụy cũng có thể gây nên viêm dạ dày ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, áp lực của gia đình và nỗi lo thi cử đã vô tình tạo ra một tâm lý nặng nề cho các bé dẫn đến căng thẳng và đau dạ dày.
Ngoài ra, các chế độ ăn uống như ăn đồ quá nóng, quá lạnh, đồ cay, uống nhiều đồ uống có ga, cồn cũng có thể góp phần làm bệnh dạ dày thêm nặng.
Tiến bộ kỹ thuật nội soi tiêu hóa chẩn đoán chính xác, không đau
Hiện nay, nhờ kỹ thuật nội soi tiêu hóa tiến bộ, đặc biệt nội soi có gây mê, nên việc chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng không còn khó khăn nữa, nhất là đối với trẻ nhỏ. GS. Long cho biết, Nhiều bậc phụ huynh sợ nội soi vì sẽ làm con mình đau đớn. Thực tế không phải vậy, hiện nay nhờ áp dụng kỹ thuật nội soi tiêu hóa tiên tiến, đặc biệt có loại ống soi mềm chuyên dụng dành cho trẻ nhỏ nên việc phát hiện và chẩn đoán bệnh được chính xác và vô cùng an toàn.
Các bé sẽ được khám tiền mê, nếu đủ điều kiện bé sẽ được tiến hành nội soi tiền mê nên hoàn toàn không đau đớn. Ngoài ra, công nghệ test thở C13 cho phép kiểm tra HP qua hơi thở của người bệnh, từ đó có thể xác định được bệnh nhân có nhiễm HP hay không.
Vì vậy, GS. Long khuyến cáo, nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội phải đi khám ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm. Nên kiểm tra khả năng bé bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!