Ở Kenya hiện có 1,5 triệu người đang chung sống với vi-rút HIV và khoảng 100.000 ca nhiễm mới mỗi năm.
Sheila, một gái mại dâm ở khu ổ chuột Korogocho thuộc thủ đô Nairobi của Kenya suốt 6 năm qua, đã tiết lộ lí do tại sao cô và nhiều 'đồng nghiệp' lại không sử dụng bao cao su. Cô nói: 'Chúng tôi không có tiền, và khi gặp một vị khách đề nghị trả nhiều tiền hơn bình thường, chúng tôi sẵn sàng quan hệ mà không sử dụng 'áo mưa', dù không biết vị khách ấy có mang trình mình vi-rút HIV hay không'.
Theo Sheila, cô và các gái mại dâm khác có thể tới một bệnh viện vào sáng hôm sau để uống thuốc kháng vi-rút khẩn cấp - loại dược phẩm có khả năng tiêu diệt HIV nếu được uống trong vòng 72 tiếng đồng hồ lây nhiễm và trong nhiều trường hợp có thể ngăn chặn sự tấn công của vi-rút. 'Chúng tôi sử dụng thuốc này như bao cao su', Sheila nhấn mạnh.
Loại biệt dược được Sheila nhắc tới ở trên là thuốc phơi nhiễm HIV có tên gọi PEP. Nó được hướng dẫn sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như dành cho nạn nhân bị hiếp dâm nếu thủ phạm được cho là dương tính với HIV, hoặc cho các nhân viên y tế bị kim tiêm tiềm ẩn nguy cơ đâm phải.
Uống thuốc kháng vi-rút là cách gái mại dâm ở châu Phi chống HIV (Ảnh minh họa: Internet)
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chắc chắn về hiệu quả của thuốc PEP. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, việc sử dụng bao cao su để phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm HIV trước tiên sẽ tốt hơn nhiều.
Một số bệnh viện và trung tâm y tế chỉ cho khách hàng một đợt thuốc điều trị PEP duy nhất mỗi năm. Họ lo ngại rằng nếu phân phát loại biệt dược này quá thoải mái, các gái mại dâm sẽ đồng loạt ngưng dùng bao cao su.
Tuy nhiên, biện pháp này không ngăn Pamela, một gái mại dâm 24 tuổi, sử dụng PEP tới 4 lần trong năm vừa qua. Cô kể: 'Tôi từng quan hệ tình dục không an toàn khi bị say xỉn quá mức một buổi tối, và sáng hôm sau đã không tới trung tâm y tế cấp phát cho tôi những viên thuốc PEP đầu tiên... Tôi tới một cơ sở y tế khác, nơi họ không lưu hồ sơ của tôi và nói dối rằng, mình đã bị ép buộc làm 'chuyện ấy' một cách không an toàn'.
Pamela đã không hoàn thành đợt điều trị vì các tác dụng phụ của thuốc. Cô giải thích: 'Chúng khiến bạn cảm thấy khó chịu, như buồn nôn, chóng mặt và nhìn chung là như đang bị ốm. Vì vậy, tôi đã ngưng uống thuốc'.
Peter Godfrey-Faussett, cố vấn khoa học cấp cao của Cơ quan phòng chống AIDS Liên hiệp quốc (UNAIDS), cảnh báo việc dùng thuốc PEP như hiện nay của gái mại dâm Kenya là sai cách.
Thay vào đó, những cô gái làng chơi này nên uống một loại thuốc kháng vi-rút khác, được sản xuất để uống trước khi phơi nhiễm với vi-rút HIV, có tên gọi là PrEP. Thuốc PrEP cần phải được uống hàng ngày, và do chứa ít dược chất hơn PEP nên nó cũng gây ra ít tác dụng phụ hơn.
Dẫu vậy, thuốc PrEP không hề rẻ. Ở Mỹ, loại biệt dược này sẽ tiêu tốn của người dùng tới gần 14.000 USD/năm nếu sử dụng đều đặn. Ở các nước đang phát triển đang lưu hành những phiên bản giá rẻ của loại thuốc này, với chi phí chỉ vào khoảng 150 USD/năm.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!