Làm gì để ghẻ không gây biến chứng?

Cần biết - 05/05/2024

ThS Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, đã cho nhiều lời khuyên về vấn đề này.

Ghẻ ngứa là 1 căn bệnh ngoài da, do ký sinh trùng 'ghẻ' gây ra. Chúng chủ yếu hoạt động vào đêm, khả năng sinh đẻ, phát triển khá nhanh. Người bệnh thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, nhiều trường hợp gãi đến mức nhiễm trùng. Ghẻ thường ẩn nấp tại những vùng da non như kẽ ngón tay, chân, lòng bàn chân, tay… Bệnh tạo ra các rãnh ghẻ, mụn nước, nốt sần… mất thẩm mĩ.

Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh thường là 2 tuần. Sau đó, bệnh có triệu chứng chính là ngứa về đêm. Nhiều trường hợp bệnh nhân gãi cho hết ngứa nhưng lại gây thương tổn làm nhiễm trùng khu vực gãi, tạo điều kiện cho vi trùng tấn công cơ thể, thậm chí gây biến chứng viêm cầu thận. Việc ngứa ngáy thường xuyên có thể làm cơ thể người bệnh suy nhược, dễ dàng mắc thêm các bệnh khác. Ngoài ra, bệnh có khả năng lây lan cao, thậm chí có thể bùng phát thành dịch.

Làm gì để ghẻ không gây biến chứng?

Một loài ghẻ gây ngứa ở người (Ảnh minh họa: Internet)

Bệnh nhân không được điều trị đúng cách, ghẻ có thể tái phát theo chu kỳ sinh trưởng, gây nhiều hoang mang cho người bệnh.

Điều trị

Theo ThS Vũ Thị Tuyết Mai, Bộ Y tế, ghẻ ngứa là một bệnh ngoài da, việc điều trị không quá khó khăn nhưng cần sự kịp thời, nhanh chóng. Chính vì vậy, khi thấy các dấu hiệu của bệnh ghẻ ngứa, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên về da liễu để có thể được khám và chẩn đoán đúng bệnh.

Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra biện pháp điều trị hợp lý, tránh xảy ra biến chứng. Bệnh nhân tuyệt đối không gãi hoặc tự ý mua thuốc về dùng, việc dùng các thuốc theo truyền miệng như thuốc rầy, thuốc súng,… có thể gây nguy hiểm cho cơ thể.

Hiện có nhiều thuốc bôi dạng kem đặc hiệu như Diethylphatalate, Permethrine 5%… Tuỳ vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi cho bạn. Lưu ý chỉ bôi lên vùng ghẻ, không bôi vào niêm mạc, tránh các khu vực nhạy cảm như mắt, bộ phận sinh dục… Thuốc được bôi sau khi thân thể được vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo mới. Số lượt bôi cần tuần thủ theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc cần có thời gian tiếp xúc với da. Sau khi thấy khỏi bệnh, cần bôi thêm 2 tuần để tránh tình trạng bệnh tái phát.

Một số trường hợp do ghẻ vẫn còn nên bệnh tái diễn, người bệnh cần tiếp tục chữa trị, không nên quá lo lắng.

Làm gì để ghẻ không gây biến chứng?

Giữ vệ sinh sạch sẽ khi có dấu hiệu bị ngứa (Ảnh minh họa: Internet)

Ngoài dùng những thuốc bôi tại chỗ, bác sĩ có thể kê thêm cho bạn một số thuốc uống để hỗ trợ việc điều trị và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Các vật dụng của người bệnh như quần áo, chiếu, gối, chăn, màn cần được giặt tẩy sạch sẽ, có thể dùng nước sôi để giặt, phơi khô dưới nắng to, ủi nóng lại để đảm bảo diệt hết ghẻ và trứng. Việc này giúp bệnh không thể tái phát và lây lan. Người trong gia đình cần tránh dùng chung áo quần và vật dụng cá nhân của người bệnh.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, bạn cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Một trong số những con đường lây lan của bệnh là qua con đường tình dục. Vì thế, khi quan hệ với người bệnh, khả năng mắc bệnh của bạn khá lớn. Khi thấy các triệu chứng ban đầu, cần đến điều trị kịp thời, không nên vì ngại ngùng mà để bệnh biến chứng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Khi người nhà mắc bệnh, tuyệt đối không dùng chung đồ cá nhân. Đeo dụng cụ khi tiến hành vệ sinh đồ dùng cho người bệnh. Sau đó, tắm rửa sạch sẽ. Bạn có thể bôi chung thuốc với người bệnh để đảm bảo việc không bị ghẻ tấn công. Ngoài ra nên xây dựng lối sống sạch sẽ, an toàn để đảm bảo sự khoẻ mạnh, vui vẻ.

>> Xem thêm: 

Chữa ghẻ đơn giản mà hiệu quả

Thuốc chữa một số bệnh nấm da thường gặp

Dùng rau răm chữa tổ đỉa

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!