Làm gì trong khi chờ vắc-xin viêm màng não mô cầu cho trẻ?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Trong thời gian chờ đợi vắc-xin, người dân có thể làm gì để phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh cho trẻ nhỏ, là vấn đề đang được quan tâm?

Điều kiện thời tiết bất lợi do đang là thời điểm giao mùa đông xuân, không khí nồm ẩm, kết hợp một loạt các dịch bệnh phát triển như vi-rút Zika, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm, viêm màng não mô cầu… gây đe dọa sức khỏe của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Đây là những đối tượng có nguy cơ cao bị lây bệnh do sức đề kháng kém và ý thức phòng bệnh chưa tốt.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận các ca viêm màng não do não mô cầu tại TP HCM, Gia Lai, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định và Lạng Sơn… Trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, tại miền Bắc liên tiếp phát hiện các trường hợp nhiễm não mô cầu khiến người dân vô cùng lo lắng. Đã có trường hợp một nữ sinh 18 tuổi tại Hải Dương qua đời chỉ sau 2 ngày phát bệnh. Tại Hà Nội, đã ghi nhận được 2 trường hợp bệnh nhân nam nhiễm não mô cầu đang được tích cực điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Sáng ngày 8/3, một bé trai 5 tháng tuổi Lý Anh Phước ở xã Cư San, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk, nhập viện trong tình trạng sốt li bì, toàn thân xuất hiện nhiều tử ban, co giật, phổi tổn thương, khó thở. Bé được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do não mô cầu. Hiện tại tình hình bé Phước đang có bước tiến triển nhưng vẫn được các bác sĩ theo dõi sát sao để nắm tình hình.

Với diễn biến bệnh nói trên, hiện nay người dân đang rất hoang mang tìm cách phòng bệnh. Tại các phòng tiêm chủng, nhiều người dân đến xếp hàng hy vọng lấy số tiêm phòng cho con. Tuy nhiên, số lượng vắc-xin não mô cầu tuýp A, C của Pháp dành cho nhóm trẻ dưới 6 tuổi và người lớn hiện nay khan hiếm và đã hết tại nhiều phòng tiêm chủng trên cả nước.

Làm gì trong khi chờ vắc-xin viêm màng não mô cầu cho trẻ?

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có nguy cơ bị viêm màng não mô cầu

Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, khoảng đầu tháng 4 tới đây sẽ có khoảng 60.000 liều vắc-xin phòng viêm não mô cầu được sản xuất tại Pháp và 100.000 liều vắc-xin của Cuba bổ sung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân. Trong thời gian chờ đợi vắc-xin, người dân có thể làm gì để phòng bệnh, đặc biệt là phòng bệnh cho trẻ nhỏ, là vấn đề đang được quan tâm?

Tìm hiểu kỹ, đầy đủ các thông tin liên quan đến viêm màng não mô cầu

Vi khuẩn gây viêm màng não do não mô cầu là Neisseria meningtidis thường cư trú ở vùng mũi, hầu, họng. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Con đường lây nhiễm chủ yếu là qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với các chất dịch từ người mang bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Bệnh rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì có thể lấy đi mạng sống của trẻ nhỏ đang khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên và có khả năng thành dịch..

Dấu hiệu sớm của bệnh viêm màng não mô cầu rất giống các bệnh như viêm não Nhật Bản, sốt phát ban, sốt xuất huyết, liên cầu khuẩn, cảm cúm, cảm lạnh… Các bệnh này trẻ nhỏ cũng hoàn toàn dễ mắc trong thời điểm này vì vậy cha mẹ chủ quan khó phát hiện kịp thời.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn mửa, cứng cổ, sợ ánh sáng, phát ban các chấm màu đỏ, tím, hình sao hoặc vết bầm tím lớn khắp cơ thể. Thời gian ủ bệnh chỉ từ vài giờ đến vài ngày và diễn tiến bệnh rất nhanh nên nếu không kịp thời điều trị, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Làm gì trong khi chờ vắc-xin viêm màng não mô cầu cho trẻ?

Viêm màng não mô cầu rất nguy hiểm với trẻ nhỏ

Tránh cho trẻ tiếp xúc với các nguy cơ nhiễm bệnh

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên: những đối tượng là người nhà chăm sóc bệnh nhân nhiễm não mô cầu, người đã từng tiếp xúc gần với bệnh nhân thì cần uống kháng sinh dự phòng theo chỉ định của thầy thuốc. Còn những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân (cộng đồng) cũng cần phải theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu sốt cao thì cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán ngay.

Viêm màng não mô cầu do vi khuẩn gây nên, vì vậy trong thời điểm bệnh diễn biến khó lường hiện nay, tốt nhất gia đình nên cho trẻ đeo khẩu trang y tế khi đến những khu vực đông người, đến các phòng khám, tiêm chủng. Hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh, ốm đau.

Cập nhật tình hình vắc-xin

Não mô cầu gồm 6 tuýp huyết thanh, trong đó phổ biến hơn cả là tuýp A, B, C. Hiện nay, các phòng tiêm dịch vụ sử dụng vắc-xin phòng não mô cầu nhóm A+C của Pháp, và phòng não mô cầu nhóm B+C của Cuba.

Ngày 8/3, lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hiện tại kho của đơn vị nhập khẩu vẫn còn tồn gần 150.000 liều vắc-xin phòng não mô cầu của Cuba. Trong tháng 4 sẽ có thêm 60.000 liều vắc-xin phòng não mô của Pháp và 100.000 liều vắc-xin của Cuba.

Ngoài ra, vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy, cha mẹ trẻ cần tích cực theo dõi thông tin thời sự và cập nhật thông báo từ các phòng tiêm dịch vụ để được khám, tư vấn và chỉ định tiêm phòng đúng lịch.

Làm gì trong khi chờ vắc-xin viêm màng não mô cầu cho trẻ?

Tiêm phòng là cách phòng viêm màng não mô cầu tốt nhất

Chủ động chăm sóc sức khỏe cho trẻ

- Để phòng bệnh viêm màng não mô cầu, trẻ khỏe mạnh cần tránh tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh này. Nếu đã tiếp xúc thì phải cho trẻ dùng thuốc dự phòng.

- Cho trẻ súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát trùng mũi họng.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà bông sát trùng.

- Giữ vệ sinh thân thể, làm sạch và thông thoáng phòng ở, nơi làm việc.

- Bổ sung dinh dưỡng, có chế độ học tập và nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe cơ thể cho trẻ.

Ảnh minh họa: Internet

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!