ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám tự nguyện II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, người phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm và dễ dẫn đến trầm cảm vì lúc này nội tiết tố estrogen (nội tiết tố gây hưng phấn cho người phụ nữ) giảm nhanh làm cơ thể thay đổi và tinh thần giảm hưng phấn.
Điều này dễ gây trầm cảm, người mẹ thấy nhạy cảm với các thứ xung quanh mà trước hết là cơ thể bản thân. Họ bỗng thấy bản thân xấu xí, lên cân, vùng bụng to, da ngực, mông rạn nhìn đen, bẩn... làm cho người phụ nữ buồn phiền muốn ngay lập tức lấy lại vóc dáng.
Do vậy, theo BS. Thủy, yếu tố tâm lý là rất quan trọng. Một trong những điều cần tránh để người phụ nữ không rơi vào trầm cảm là gia đình và người chồng cần có sự cảm thông chia sẻ để người phụ nữ vượt qua.
Không ít mẹ bầu bày tỏ lo lắng rằng việc rạn da có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Về vấn đề này, BS. Thủy cho rằng, rạn da không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, các mẹ bầu còn trẻ nếu xuất hiện rạn da thường bị ảnh hưởng đến tinh thần. Có chị em sinh đôi và da bị rạn nhiều nên rất hoảng hốt, liên tục ngứa, gãi dẫn đến nhiễm trùng và sau sinh để lại vết rạn sần mất thẩm mỹ. Do đó, các mẹ cần lưu ý khi mang thai để giảm bớt tình trạng rạn da.
ThS.BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy.
Chú ý cân nặng khi mang thai
Theo ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương, rạn da là tình trạng da biểu hiện bằng vết sẹo thẳng, nhỏ. Đây là kết quả của việc teo thượng bì của da, thượng bì bị bào mòn dần gây nên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rạn da liên quan đến quá trình tăng cân nhanh, tăng cân nhiều. Bên cạnh đó, rạn da còn liên quan các bệnh nội tiết, một số thuốc có nguồn gốc corticoid…
Theo bác sĩ, trên 70% các trường hợp rạn da đều xuất phát từ nguyên nhân chỉ số cơ thể BMI tăng nhanh, tăng cao trong thời gian ngắn. Việc tăng cân tập trung ở lứa tuổi dậy thì, cũng như thời kỳ cuối khi mang bầu tăng cân nhanh, tăng nhiều dẫn tới các sợi chun của da không kịp đáp ứng thích nghi, sự đứt gãy của chun này làm da không đàn hồi được và gây ra rạn da. Đây chính là mấu chốt của vấn đề rạn da.
“Người ta cũng nhận thấy phụ nữ mang thai lần đầu dễ xuất hiện rạn da hơn lần sau, và tình trạng này thường gặp phải ở phụ nữ trẻ tuổi hơn là nhiều tuổi. Trong suốt quá trình mang thai, trọng lượng cơ thể phụ nữ tăng trung bình 10kg, nhưng có người tăng đến 20kg thì rạn da dễ xuất hiện, nhất là giai đoạn cuối của mang thai”- ThS. Sơn cho biết thêm.
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn.
Điều trị và phòng ngừa thế nào?
Theo chuyên gia da liễu, rạn da là vấn đề còn nhiều thách thức về điều trị và phòng ngừa trong y học. Mục tiêu điều trị rạn da là cố gắng cải thiện màu sắc, bề mặt da bị rạn, độ rộng của tình trạng rạn da.
Rạn da thường không gây tình trạng các riệu chứng cơ năng như ngứa, đau mà chủ yếu xuất hiện vết trên da, màu đỏ, màu sẫm… sau đó trở nên nhạt màu dần. Do đó, cần chú ý đến cơ thể, nếu xuất hiện vết lằn đỏ trên da nên có biện pháp tích cực phòng ngừa và đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để đánh giá mức độ rạn da, đưa ra biện pháp điều trị cụ thể.
Về điều trị rạn da, theo ThS. Sơn, hiện nay laser là một trong những biện pháp xâm lấn tối thiểu điều trị đạt kết quả cao, cải thiện tình trạng rạn da. Laser được sử dụng có nhiều loại khá nhau, tốt nhất là laser vi điểm bề mặt giúp kích thích, tái tạo, tăng sinh collagen để ổn định cho tình trạng rạn da. Rạn da trong giai đoạn sớm có màu đỏ thì đáp ứng laser tốt, nếu màu sẫm thì đáp ứng kém hơn.
“Theo tôi, sau sinh chị em nên tập trung nuôi con và hồi phục cơ thể tốt, ổn định nội tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Sau sinh ít nhất 2 tháng thì mới nên điều trị rạn da bằng laser. Phương pháp này cũng không có chống chỉ định tuyệt đối, và có thể điều trị tốt, mặc dù không đưa da về ban đầu nhưng cải thiện được rất nhiều. Rạn da thường hơi lõm một chút, da nhăn nhúm thì sau điều trị laser da sẽ bằng phẳng, căng hơn, giảm kích thước vết rạn”- BS. Sơn tư vấn.
Rạn da là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ. Ảnh minh họa.
Nếu đã xảy ra tình trạng rạn da - hiểu đơn giản như vết sẹo do sự đứt gãy các sợi chung, collagen nên không có cách nào hàn gắn lại được, không thể khắc phục hoàn toàn triệt để nhưng theo các bác sĩ có thể phòng ngừa, cải thiện được tình trạng rạn da.
Theo BS. Sơn, các thuốc bôi tại chỗ có hoạt chất làm bền vững các sợi chun, collagen nên có thể phòng ngừa rạn da. Tuy nhiên điều quan trọng là vẫn cần kiểm soát cân nặng phù hợp, dinh dưỡng và tập luyện hợp lý. Sau khi sinh, các yếu tố nguy cơ tăng cân bị loại bỏ rồi, có thể dùng các loại kem mang tính chất điều trị phục hồi...
BS. Thủy cũng khuyến cáo, rạn da không chữa được nhưng cung cấp collagen để da đàn hồi tốt hơn. Khi mẹ bầu chịu khó tập luyện thì cũng giảm được khá nhiều. Về mặt nguyên tắc, khi mang thai người ta có thể massage toàn cơ thể trừ vùng bụng, vùng ngực (vì khi muốn kích thích đẻ nhanh thì xoa bụng để kích thích cơn co) nên khi mang thai không nên xoa bụng, ngực. Nếu bôi các loại thuốc, kem phòng rạn da thì các mẹ chỉ nên vỗ thật nhẹ để thuốc thấm, không nên massage vùng bụng như bình thường dễ tạo cơn co tử cung.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!