Cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: baolaocai.vn
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, tại địa phương này mặc dù chưa xuất hiện ca bệnh bạch hầu nhưng rải rác đã có một số trường hợp mắc bệnh ho gà (trong 6 tháng đầu năm có 8 ca mắc), dù đã có vắc xin phòng bệnh này trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân bệnh bạch hầu có diễn biến phức tạp đang được ngành y tế điều tra, khảo sát, tuy nhiên, không loại trừ khả năng do ảnh hưởng dịch COVID-19 (các gia đình đều có tâm lý lo ngại COVID-19 nên đã không cho con đi tiêm theo đúng lịch hẹn); tỷ lệ tiêm chủng, độ bao phủ các loại vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván chưa đạt tiến độ.
Do đó, để chủ động trong công tác phòng chống bệnh, ngành y tế Lào Cai đã và đang tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới một tuổi, đảm bảo trẻ được tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT); Viêm gan B; viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (SII) đúng lịch. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai tiêm bổ sung ngay cho các đối tượng trên một tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc xin trên; đồng thời đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin DPT - Viêm gan B - Hib (SII) cho trẻ 18-24 tháng thay thế cho vắc xin DPT theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Ngành y tế địa phương cũng tăng cường công tác giám sát, phát hiện điều tra, lấy mẫu các ca bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt đối với các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não do virus, sốt phát ban dạng sởi... để có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Để chủ động hơn nữa trong việc ngăn ngừa, phát hiện sớm loại bệnh này trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản số 3124/UBND-VX về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường hoạt động giám sát trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, xử lý triệt để không để lây lan, bùng phát dịch; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng (người mang mầm bệnh không triệu chứng), hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Các đơn vị y tế rà soát, xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; căn cứ vào tình hình thực tế địa phương chủ động kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng; chú ý phát hiện sớm và thông báo kịp thời cho cơ sở y tế các trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh. Văn bản cũng nêu rõ, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn; chủ động rà soát, nắm chắc tình hình đến tận các thôn, bản, tổ dân phố, các hộ gia đình, để kịp thời phát hiện, xử lý ngay các trường hợp mắc bệnh.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân. Trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!