'Linh tính' nào khiến bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai quyết dốc sức cứu sản phụ trẻ 3 lần ngừng tim?

Thời sự - 11/24/2024

Nếu ép tim, cấp cứu suốt 60 phút không hồi phục, sẽ kết thúc quá trình cấp cứu, bệnh nhân tử vong. Nhưng với sản phụ trẻ này thì khác. Cô ấy còn trẻ, lại tiền sử khoẻ mạnh, 3 đứa con thơ đang chờ...

Ngày 11/4, 8 ngày sau khi trở về từ cõi chết, chị Hải (Hà Đông, Hà Nội) mênh mang cảm xúc khi ngồi xem lại clip bác sĩ cấp cứu, họ đã sinh ra chị một lần nữa, ngay trong tâm dịch. Chị nghẹn ngào.

8 hôm trước, ngày 3/4, trời Hà Nội mưa như trút. Bệnh viện Bạch Mai khi ấy đang ở ngày thứ 7 cách ly, phong toả, nhưng vẫn được phép tiếp nhận bệnh nhân nặng.

Gần 11 giờ trưa, Khoa Cấp cứu A9 nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Một người phụ nữ mang thai lần 3, cắt tử cung do nhau bong non, bị sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng, chưa loại trừ hội chứng tắc mạch ối - một nỗi ám ảnh với không chỉ bác sĩ sản mà còn của rất nhiều chuyên ngành khác.

'Linh tính' nào khiến bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai quyết dốc sức cứu sản phụ trẻ 3 lần ngừng tim?

Bệnh nhân ổn định, tiếp xúc tốt, đang được các bác sĩ thăm khám, tiếp tục điều trị. Ảnh: BVCC

Cuộc hội chẩn trực tuyến được tiến hành rất nhanh, sẵn sàng đón bệnh nhân. Đồ bảo hộ, trang thiết bị sẵn sàng. PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu nhất trí cao. Kíp cấp cứu hôm đó có 11 người, 5 bác sĩ, 6 điều dưỡng viên.

Nhưng vì lệnh phong tỏa, xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chỉ có thể đưa bệnh nhân đến vùng đệm ở cổng viện, không thể chảy thẳng vào khoa như ngày thường.

Không còn cách nào khác, 11 thầy thuốc cùng nhau đẩy cáng ra đón bệnh nhân. Một bác sĩ ngồi trên xe đẩy dùng tay ép tim liên tục, một điều dưỡng cầm ô che chạy theo. Khoảng cách từ vùng đệm đến khoang cấp cứu khoảng 500m, các bác sĩ nhanh chóng đẩy bệnh nhân vào khoa.

Sau 15 phút can thiệp, bệnh nhân tự thở trở lại, được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu. Nhưng các chỉ số sinh tồn của bà mẹ này vô cùng thấp. Tình trạng sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, máu bị axit hóa nặng và rối loạn đông máu.

Bệnh nhân được kíp cấp cứu thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Một khối lượng hồng cầu lớn cùng với các chế phẩm máu khác được truyền cho cô.

Nhận định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, việc hồi sức cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, lãnh đạo bệnh viện hội chẩn liên khoa để tìm phương án tối ưu. Còn nước còn tát, phải cứu bằng được bệnh nhân, các bác sĩ quyết định tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hồi sức chuyên sâu, hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) cũng được sẵn sàng sử dụng.

Tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn biến nặng. Cuối giờ chiều, ngoài trời ngớt mưa, bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở lần thứ hai. Kíp cấp cứu tiếp tục ép tim. Nhưng hi vọng sống với sản phụ đó cứ xa vời, mong manh.

Các thầy thuốc thay nhau ép tim cho nữ bệnh nhân. Nhưng 15 phút, 30 phút, rồi 60 phút liên tục, trái tim của sản phụ vẫn không có phản ứng hay dấu hiệu gì...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, theo quy trình cấp cứu, nếu ép tim và cấp cứu suốt 60 phút không hồi phục thì sẽ kết thúc quá trình cấp cứu, bệnh nhân tử vong.

Bệnh nhân còn trẻ quá, còn 3 đứa con đang chờ cô. Tiền sử sức khoẻ hoàn toàn khoẻ mạnh, không có bệnh nền, chỉ có tai biến sinh nở, gây sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, dẫn đến suy tạng.

Dường như 'có linh tính nào đó sẽ cứu được' bệnh nhân, vị chỉ huy giàu kinh nghiệm trong cấp cứu này vẫn vận động anh em nỗ lực thêm.

Lời động viên của vị chỉ huy như tiếp thêm sức mạnh cho các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục ép tim cho sản phụ. Nhưng thời gian quá dài, không thể ép nổi nữa, họ phải dùng đến máy ép tim.

Phép màu đã đến. Đúng 120 phút, tim bệnh nhân đập trở lại, nhưng co bóp rất yếu, tình trạng vẫn vô cùng nguy hiểm. Các bác sĩ tiếp tục dùng thuốc vận mạch, thở máy và nhiều phương pháp cấp cứu hồi sức khác.

Sau 24 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của máy thở, tiếp tục truyền 4,8 lít máu. Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần. Tuy nhiên, tình trạng mất máu vẫn tiếp diễn, ống thông dạ dày bệnh nhân ra máu đỏ tươi. Bệnh nhân được nội soi dạ dày cầm máu cấp cứu.

72 giờ sau, bệnh nhân đã ổn định hơn. Điều đặc biệt là sau thời gian dài ngừng tim, các dấu hiệu về tri giác của cô có biểu hiện phục hồi, không cần máy thở và thiết bị hỗ trợ tuần hoàn nữa.

9h ngày 9/4/2020, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ý thức và vận động hồi phục hoàn toàn. Ngừng tim 2 lần, lần lâu nhất là 120 phút nhưng khi thoát khỏi của tử, người mẹ trẻ vẫn nhớ mình có 3 con, vẫn biết rằng, cháu bé sơ sinh đã được về nhà, vẫn nhớ từ tình tiết nhỏ là đã bị ngất từ trước khi sinh...

Đến hôm nay, 11/4, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, có thể xem lại clip bác sĩ 'phi lên cáng' ép tim cứu cô.

Em bé sinh ra đã được đưa về gia đình chăm sóc. Sau 5 ngày vợ được cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai, người chồng mới được vào gặp. 'Khi các bác sĩ giải thích vợ tôi nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, tôi đồng ý ngay. Lúc đó tôi chả nghĩ gì đến tâm dịch hay COVID-19, chỉ cần vợ được sống', người chồng chia sẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!