Nuôi dạy con luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn hay các cuộc trò chuyện của hội các mẹ bỉm sữa. Mới đây, một câu chuyện rất thật của bà mẹ trẻ về phương pháp dạy con đang khiến các mẹ tâm đắc theo dõi. Bởi ngoài những kiến thức trong sách vở và trang mạng thì những trải nghiệm thực tế do chính các bậc phụ huynh chia sẻ cũng luôn là nguồn kiến thức quý báu và thực tế nhất.
Theo lời kể của chị thì cô con gái 4 tuổi sau khi đi học mẫu giáo bắt đầu xuất hiện nhiều hành vi và câu nói khá ương bướng. Cô bé luôn tỏ ra thách thức và khá cứng đầu trước những yêu cầu của mẹ. Chị đã không ít lần phải quát mắng con, thậm chí còn miêu tả những hành động con như đang 'cố tình thử thách giới hạn về sự kiên nhẫn' của một người làm mẹ như chị.
Cô con gái 4 tuổi luôn tỏ ra thách thức và khá cứng đầu khiến mẹ bé tìm mọi cách để chế ngự (Ảnh minh họa).
Chị cho biết: 'Chính vì lí do này mà tôi đã dành toàn bộ 2 tiếng rảnh rỗi mỗi buổi sáng sau khi con đến trường để lên mạng và tìm hiểu về các phương pháp dạy con. Và tôi đã áp dụng 3 phương pháp giúp kiềm chế cơn nóng giận, áp dụng với con gái trong vòng 1 tuần. Sau 1 tuần, tôi đã nghiệm ra cho mình có một phương pháp hiệu quả nhất để giảm bớt xung đột, vừa không làm con thêm bướng mà vẫn giúp không khí của 2 mẹ con bớt căng thẳng'.
Cụ thể 3 phương pháp mà người mẹ này đã áp dụng với cô con gái cứng đầu như sau:
1. Bỏ qua hành vi xấu, khen ngợi khích lệ hành vi đúng đắn
'Con gái tôi và mấy bé bạn tỏ ra khá vui vẻ và hào hứng khi nói chuyện về chủ đề như đi ị thế nào hoặc đưa các ngôn từ về vệ sinh. Nhưng khi thấy con oang oang nói bậy trong siêu thị mà không quan tâm xem bé đang ở đâu và làm gì thì tôi chợt nhận ra mình cần phải làm gì đó',bà mẹ chia sẻ. Chị đã học được cách là cứ tỏ ra phớt lờ những câu nói hay hành vi xấu của con, còn nếu con làm việc gì tốt thì sẽ tích cực khen ngợi. Kết quả là sau 1 tuần liên tục thách thức và thi gan với bà mẹ cũng cứng đầu không kém thì cô bé bắt đầu tỏ ra chán nản và buông xuôi không lặp lại những hành động xấu kia nữa.
Bỏ qua những câu nói hay hành vi xấu của con, tích cực khen ngợi hành vi đẹp là một cách giúp giảm bớt xung đột và căng thẳng giữa cha mẹ và con cái (Ảnh minh họa).
2. Thay đổi ngữ điệu, giọng nói
Mặc dù có thể phớt lờ những câu nói không hay của con, nhưng là cha mẹ, chúng ta lại không thể bỏ qua những hành động nguy hiểm hay thiếu tôn trọng mà con đang làm. Nhiều lúc con tỏ ra ương bướngbằng cách cáu giận, la hét, dậm chân hay khạc nhổ khi thấy món đồ chơi bị em làm hỏng, khi mẹ không cho phép nghịch ngợm trên ghế, thậm chí con còn xô đẩy làm em ngã đau.
Bà mẹ kể lại chi tiết cách làm và kết quả cho phương pháp thứ 2 này: 'Bình thường thì tôi sẽ rất giận, quát mắng và chỉ trích con hoặc phạt con ngồi trong phòng một mình. Nhưng trong một vài bài báo tôi đã đọc, họ gợi ý mỉm cười thay vì đả kích, hoặc hát to thay vì la hét con cái. Tôi đã thử cả hai cách này, khi con gái tôi tức giận, tôi mỉm cười nhưng thật tệ là chỉ khiến con bé thêm bực mình vì nó nghĩ là tôi đang cười nhạo nó. Còn nếu tôi hát lên thì con bé càng nổi cơn giận và gào thét to hơn'. Rút cuộc phương pháp này cũng không mang lại hiệu quả.
Khi con khóc mà mẹ lại cười có thể càng khiến tức giận nhiều hơn vì cảm giác đang bị cười nhạo (Ảnh minh họa).
3. Nhìn nhận mọi chuyện dưới góc độ của con cái
Thú thật thì bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng muốn hiểu suy nghĩ và cảm nhận của con mình. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó bởi trẻ em là đối tượng vô cùng khó hiểu, khó chiều và cha mẹ đôi khi cũng phải đau đầu vì không thể hiểu bọn trẻ muốn gì mặc dù đã cố gắng để nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, kể cả là con nít.
Tựu chung lại, người mẹ đúc kết cho mình một kinh nghiệm và bài học quý báu về việc giữ bình tĩnh, học cách kiên nhẫn với chính con cái của mình. 'Con gái tôi đơn giản là không mấy sợ hãi với những lời đe dọa, quát mắng hay hình thức phạt của mẹ. Nhưng sau khi áp dụng 3 cách làm trên, tôi nhận ra là con bắt đầu có phản ứng khá tốt mỗi khi được mẹ động viên, khen ngợi và thừa nhận việc làm tích cực của mình. Còn nếu mẹ phớt lờ mỗi khi nói hoặc làm xấu thì con sẽ tự buông xuôi và không lặp lại nữa',người mẹ tiếp tục chia sẻ về câu chuyện dạy con.
Mỗi khi bé tỏ ra ương bướng, không nghe lời thì việc gợi nhắc lại những lời khen hay hành động đẹp trước đó có thể xoa dịu mọi cơn giận của bé, giúp bé bình tĩnh hơn (Ảnh minh họa).
Mỗi khi con làm việc tốt, những lời động viên, khích lệ sẽ được đứa trẻ nhớ mãi, tạo tinh thần vui vẻ. Mỗi khi bé tỏ ra ương bướng, không nghe lời thì việc gợi nhắc lại những lời khen hay hành động đẹp trước đó có thể xoa dịu mọi cơn giận của bé, giúp bé bình tĩnh hơn. Mặc dù mỗi bậc cha mẹ đều có cách riêng để chế ngự con cái và chính mình, nhưng những phương pháp không làm tổn thương đến tinh thần của trẻ và vẫn giữ được bầu không khí vui vẻ, giảm bớt xung đột luôn được các bậc cha mẹ cân nhắc và lựa chọn.
Marisa Hillman từng là một giáo viên nhưng cô đã từ bỏ công việc này để ở nhà làm mẹ và viết lách tự do. Cô là mẹ của 3 bé gái, trong đó có 1 cặp sinh đôi.
Nguồn: Popsugar
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!