Lời khuyên cho cha mẹ khi trẻ ngã đập đầu ­­

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Khi trẻ bị đập đầu, cha mẹ không nên quá hoảng hốt, la hét, kêu khóc. Bởi vì điều này có thể khiến trẻ sợ hãi.

Hộp sọ là vỏ bọc tốt nhất giúp bảo vệ não bộ. Nó được bao phủ bởi lớp da với hệ thống mạch máu chằng chịt. Do đó, cần phân biệt chấn thương hộp sọ và chấn thương não bộ.

Trong đa số trường hợp, khi ngã trẻ chỉ bị chấn thương hộp sọ mà thôi. Nếu da bị rách thì máu có thể chảy rất nhiều. Mạch máu dưới da bị vỡ cũng có thể gây tụ máu, tạo nên khối u bướu lớn. Cục bướu này sẽ xẹp đi nhanh chóng nếu được chườm lạnh.

Mối lo ngại lớn nhất sau khi bé ngã chính là tổn thương não bộ, dưới dạng chảy máu hoặc chấn động não do va đập. Khối xuất huyết hoặc tình trạng phù nề sẽ gây chèn ép não.

Điều nên làm khi trẻ ngã đập đầu

Khi trẻ bị ngã đập đầu xuống đất, cha mẹ hãy bình tĩnh, đừng sợ hãi hay la khóc vì điều này có thể khiến trẻ hoảng sợ.

- Nếu có chảy máu: Tiến hành cầm máu nếu có chảy máu. Dùng 1 tấm vải sạch (có thể cho vài viên đá lạnh bên trong) ép nhẹ vào chỗ vết thương. Một lát sau máu sẽ ngừng chảy.

- Nếu xuất hiện cục bướu: Sau khi ngã, ở đầu bé có thể nổi lên cục bướu rất to. Hãy tiến hành chườm lạnh trong vòng 20 phút. Nếu cần, sau khi nghỉ 5 phút có thể chườm thêm 20 phút nữa. Hãy kiên trì, rồi bạn sẽ thấy cục bướu nhỏ đi.

Giữ bé ngồi yên để chườm là điều rất khó nhưng bạn nên cố gắng. Đôi lúc, sau khi lành, bướu có thể để lại tổ chức vôi hóa dưới da to bằng hạt đậu. Chườm lạnh có thể giúp ngăn ngừa hiện tượng này.

- Nếu bé tỉnh táo, đi lại, nói năng, chơi đùa bình thường: Chỉ cần chườm lạnh và theo dõi. Giữ bé thức trong vòng ít nhất là 1 giờ đầu. Sau đó cho bé ngủ một chút nhưng không quá 20 phút.

Lời khuyên cho cha mẹ khi trẻ ngã đập đầu ­­

­­­Ảnh minh họa

Cần đưa bé đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não sau đây:

- Bất tỉnh: Nếu bé bị bất tỉnh, dù chỉ vài giây, cũng có thể nghĩ rằng lực va đập đủ mạnh để gây khối máu tụ. Còn nếu bé khóc thét ngay sau khi ngã thì cha mẹ có thể yên tâm là con mình vẫn tỉnh táo.

- Rối loạn tri giác: Ngay sau ngã, bé vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại có những dấu hiệu bất thường như kích động khó dỗ, lơ mơ, tiếp xúc kém (bé không thể tập trung chú ý vào bạn, không nhìn vào mắt bạn, không làm theo yêu cầu của bạn, không nhận ra người thân trong gia đình…).

Còn nếu bé chống cự không cho bạn chườm lạnh thì bạn có thể yên tâm là bé vẫn tiếp xúc tốt.

- Nôn: Nếu bé nôn từ 3 lần trở lên thì cần đi khám bác sĩ. Thông thường, sau khi ngã, ngay cả khi không có chấn thương sọ não, nhiều bé vẫn có thể nôn 1 hay 2 lần, do khóc, ho hoặc đơn giản là do sự va đập của hộp sọ.

Đề phòng trường hợp bé nôn, trong vòng vài giờ đầu sau khi bị ngã, chỉ nên cho bé uống nước hoặc bú sữa mẹ, không nên cho bé dùng thức ăn đặc.

- Đi loạng choạng, mất thăng bằng: Sau khi ngã, nhiều bé có thể kêu chóng mặt. Điều này không có gì nguy hiểm. Nhưng nếu bé bị mất thăng bằng và ngã lên ngã xuống khi đi thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Khi bé chơi, hãy theo dõi xem bé có làm được mọi chuyện như trước không (ngồi thẳng, đi lại vững vàng, di chuyển tay chân bình thường) hay bé loạng choạng, kéo lê chân, mất phương hướng…

Nếu bé chưa biết đi thì để ý xem có gì bất thường khi bé ngồi, bò hoặc dùng tay không.

- Quấy khóc nhiều bất thường, không thể dỗ.

- Đau đầu liên tục, đặc biệt nếu đau đầu ngày càng tăng.

- Dấu hiệu mắt: Trong vòng 24 giờ sau ngã có thể xuất hiện các dấu hiệu như mắt lác, đồng tử hai bên không đều, bé vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật như thể không nhìn thấy chúng. Trẻ lớn có thể nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn 1 hóa 2).

- Chảy máu hoặc chảy nước từ lỗ mũi hoặc lỗ tai.

- Yếu, liệt tay hoặc chân.

- Ngủ nhiều: Các bé thường có xu hướng ngủ thiếp đi sau khi ngã, điều này khiến việc theo dõi tình trạng ý thức của con trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với cha mẹ.

Nếu bé bị ngã vào buổi tối, hay gần giờ ngủ trưa thì thật khó biết bé ngủ vì buồn ngủ hay vì chấn thương.

Nếu không thể giữ bé thức thì cứ để bé ngủ, nhưng cần theo dõi sát, cứ 2 giờ/lần. Đưa bé đi khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau: Màu da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái; nhịp thở không đều, có những đợt thở rất nông hoặc cơn ngừng thở 10-20 giây; co giật.

Lời khuyên cho cha mẹ khi trẻ ngã đập đầu ­­

Ảnh minh họa

Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ và lo lắng gì mà không muốn đánh thức bé, hãy đánh thức bé một phần. Kéo bé ngồi hoặc đứng dậy rồi lại đặt bé nằm xuống (không lay cho bé tỉnh).

Thông thường, các bé sẽ ậm ự và tìm cách xoay mình để tìm lại tư thế dễ chịu. Nếu thấy bé không hề có phản ứng gì thì cần đánh thức bé dậy hoàn toàn bằng cách cho bé ngồi hoặc đứng dậy, banh mắt bé ra, lay gọi.

Nếu bé mở mắt tỉnh dậy, nhìn bạn, kêu ca hoặc mỉm cười và tìm cách nằm xuống thì bạn có thể yên tâm đi ngủ. Trái lại, nếu bé không phản đối, không kêu ca, da nhợt nhạt, thở không đều và thở nông, thì nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Theo dõi tại nhà sau khi được bác sĩ thăm khám

Trong một số trường hợp, tuy bị chấn thương sọ não nhưng bé chưa có biểu hiện gì khi thăm khám và sẽ được bác sĩ cho về nhà. Bé cần được theo dõi tiếp trong vài ngày sau đó.

Đưa bé đi khám lại nếu có một trong các dấu hiệu sau:

- Quấy khóc nhiều.

- Đau đầu gia tăng.

- Buồn nôn hay nôn nhiều.

- Gặp khó khăn khi đi lại, nói năng hoặc nhìn; lơ mơ, khó đánh thức.

- Cử động bất thường, co giật.

Nếu trong thời gian theo dõi không có biểu hiện gì bất thường thì về lâu dài cũng không có gì đáng lo ngại. Hãy nhớ rằng phần lớn các va đập khi ngã đều gây chấn thương nhẹ, nhưng hãy đưa bé đi khám bác sĩ nếu có bất cứ nghi ngờ gì.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!