Làm mẹ là thiên chức và cũng là mong muốn của hầu hết phụ nữ. Vậy nhưng cũng có những trường hợp cố mang thai lại có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con mà chị em nên tránh.
Thăm khám và làm các xét nghiệm trước khi mang thai giúp người phụ nữ xác định khả năng thụ thai, trong trường hợp có bệnh sẽ được điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: T.L
Quyết tâm làm mẹ
Những ngày gần đây, câu chuyện về nghị lực phi thường của bà mẹ trẻ Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, ở Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) chiến đấu từng ngày với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối để giữ đứa con trong bụng đã khiến nhiều người xúc động trào nước mắt.
Khi mang thai đứa con đầu lòng ở tuần thứ 11, chị Trâm thấy có hạch quanh cổ nhưng chỉ đi khám ở phòng khám tư và không phát hiện ra bệnh.
Càng ngày chị càng ho nhiều nên đi khám thì được chẩn đoán chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn. Dù được bác sỹ khuyên đình chỉ thai nghén để điều trị song chị Trâm kiên quyết không thực hiện, quyết tâm giữ lại thai nhi, hy vọng mẹ cầm cự đủ lâu để con chào đời.
Khi thai được 28 tuần 3 ngày, nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã cạn kiệt, chị Trâm có biểu hiện suy hô hấp, các bác sỹ đã quyết định mổ bắt con. Niềm hạnh phúc đã đến với chị khi bé trai 1,2kg đã chào đời khỏe mạnh.
Quả thực được làm mẹ là hạnh phúc của người phụ nữ. Không ai có thể cấm đoán được điều đó. Vậy nhưng có không ít những thai phụ chưa kịp hoan hỷ với niềm vui có em bé lại phải ngậm ngùi với chính quyết định của mình.
Như trường hợp của chị Tươi (ở Hà Nội) có tiền sử mắc bệnh tiểu đường từ trước. Mặc dù bác sỹ khuyên chị nên điều trị đường huyết thật ổn định rồi mới nên có thai nhưng chị bỏ ngoài tai sự tư vấn.
Không hề kiêng khem và tiếp tục tẩm bổ, chị cứ nghĩ như vậy mới tốt cho con nên trong quá trình mang thai chị cứ tăng cân vù vù. Có bầu tới tháng thứ 7, chị tăng 17kg.
Đến khi thai được 32 tuần tuổi, chị đi khám thì được bác sĩ kết luận thai nhi có một số khuyết tật mà nguyên nhân có thể là do tình trạng tiểu đường thai kỳ gây ra.
Biến chứng đáng sợ của tiểu đường thai kỳ. (Việt hóa SongKhoe.vn)
Ảnh hưởng cả mẹ lẫn con
TS Phí Thái Hà, Trưởng khoa Kiểm soát và Điều trị u bướu (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho rằng, trường hợp như chị Trâm là do không biết, còn nếu phát hiện ra ung thư rồi thì phải điều trị xong mới nên mang thai chứ không nên mang thai trong khi bị ung thư đang xạ trị.
Mang thai là cả một quá trình vất vả của người mẹ khỏe mạnh chứ chưa nói đến những người mẹ có tiền sử mắc bệnh.
Cơ thể người mẹ phải cưu mang và nuôi dưỡng thai nhi trong một khoảng thời gian dài (từ 38-40 tuần) đã gây nhiều biến động và gánh nặng cho người mẹ.
Việc mang thai sẽ khiến quá trình phát triển của bệnh ung thư nhanh hơn, diễn biến không thể lường trước. Qua mấy tháng thai kỳ, bệnh sẽ phát triển qua giai đoạn chữa được, đang nhẹ thành nặng. Khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị ung thư sẽ không còn giá trị.
Các bác sỹ sẽ thường khuyên đình chỉ thai nghén với người mắc bệnh ung thư. Nếu họ quyết tâm giữ thai sẽ không được điều trị ung thư bởi chiếu X – Quang, hóa trị, xạ trị… sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi, có thể làm sẩy thai hoặc gây nên các dị tật bẩm sinh cho bé.
Đặc biệt, phụ nữ điều trị ung thư bằng hóa trị được khuyến cáo không nên cho con bú bởi hóa chất có thể tích tụ trong sữa đi vào cơ thể bé gây ảnh hưởng sức khỏe.
Hơn nữa, một số loại ung thư có tính di truyền cao. Nếu người mẹ mắc ung thư thì nguy cơ ung thư của người con sẽ cao hơn những người bình thường. Bởi vậy, cần chăm sóc bé một cách cẩn thận, xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ để ngăn ngừa ung thư và đảm bảo sức khỏe.
Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), ai cũng khát khao được làm cha mẹ nhưng có những trường hợp cần cân nhắc trước khi quyết định sinh con, tỷ lệ 'mẹ tròn con vuông' lúc này là vô cùng thấp.
Những trường hợp chị em có tiền sử mắc bệnh tim mạch, thiếu máu, tiểu đường, AIDS giai đoạn cuối… khi mang bầu càng có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng và thai nhi.
Khi mang thai cơ thể người mẹ có sự thay đổi lớn, những triệu chứng của bệnh mới thực sự bộc lộ rõ. Nhiều bà bầu khi có hiện tượng như khó thở, tức ngực, mệt mỏi, thở dốc... lại nhầm lẫn cho rằng bình thường của thai kỳ nên bỏ qua.
Chẳng hạn, người mắc bệnh tiểu đường phải điều trị đường huyết thật ổn định rồi mới nên có thai. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ sẩy thai, sinh sớm hoặc phát triển không bình thường.
Phụ nữ mắc đái tháo đường đang có mức đường máu cao không ổn định, khả năng bị dị tật thai có thể lên tới 22%. Việc ổn định đường máu tốt những tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu là rất quan trọng để có thai được an toàn.
Trong quá trình mang thai, thai phụ cần ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, ăn đủ tránh tăng cân quá nhiều và có theo dõi chặt chẽ của bác sỹ.
Với bệnh nhân nhiễm HIV dù biện pháp can thiệp trong phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con khá hiệu quả, nhưng các cặp vợ chồng nhiễm HIV cũng nên suy tính kỹ trước khi mang thai.
Chưa kể quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút nhiều, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, một số bệnh phải điều trị như hô hấp, lao phổi… phải điều trị khỏi mới nên có con vì trong quá trình uống thuốc dễ gây ra dị vật cho thai nhi. Hay những bà mẹ bị suy tim trong thai kỳ thường sẽ được bác sĩ khuyên nên bỏ thai.
Chị em mắc bệnh tim sẽ khiến thai nhi phát triển không tốt, dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Vì khi mang thai, tim thai phụ co bóp nhiều hơn để đưa máu, ôxy lên nuôi thai nhi làm tăng gánh nặng cho tim. Bệnh tim lúc này càng dễ bộc phát hơn, bà mẹ rất dễ bị suy tim nặng có thể tử vong.
Vì thế với những phụ nữ mắc bệnh tim, nếu muốn mang thai cần được tư vấn kỹ càng, theo dõi của bác sĩ trước và trong thời gian mang thai đến lúc chuyển dạ để phát hiện và xử lý kịp thời những biến cố. Khi sinh, thai phụ bị bệnh tim nên mổ đẻ.
Tầm soát sức khỏe trước khi quyết định có con
Trước khi quyết định có thai, việc thăm khám và làm các xét nghiệm là rất cần thiết sẽ giúp người phụ nữ xác định khả năng thụ thai của mình và trong trường hợp có bệnh sẽ được điều trị kịp thời, tăng khả năng thụ thai và khỏe mạnh trong suốt thai kì. Nếu đã có thai, chị em cần đi khám thai sớm, tuân thủ theo đúng lịch trình quy định, hướng dẫn của bác sỹ.
>> Xem thêm: Top thực phẩm giúp chị em tăng khả năng thụ thai
TS Phí Thái Hà
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!