Đoàn xe diễu hành tuyên truyền hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS qua các tuyến đường tại thành phố Bắc Giang. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Khoảng 2/3 số người có xét nghiệm dương tính với virus HIV trên toàn cầu đang được điều trị.
Để đạt được kết quả tích cực này, các cộng đồng khắp nơi trên thế giới đóng vai trò thiết yếu từ vận động xóa bỏ sự phân biệt, đối xử và bảo vệ nhân quyền cho những người nhiễm HIV/AIDS cho đến hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ liên quan.
Đó là lý do Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay (1/12) lấy chủ đề 'Cộng đồng tạo nên sự khác biệt,' với lời kêu gọi sự chung tay cùng hành động của cả xã hội trong phòng, chống căn bệnh thế kỷ.
Mặc dù chỉ được phát hiện vào đầu những năm 1980, song HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người, khiến căn bệnh này trở thành một trong những đại dịch gây chết người nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Theo Liên hợp quốc, ước tính hiện khoảng gần 38 triệu người trên thế giới mang trong mình virus HIV. Tính đến cuối năm 2018, trong số những người đang sống chung với HIV, 79% đã được xét nghiệm, 62% được điều trị và 53% hạn chế được virus HIV giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ. Các nước đang sử dụng liệu pháp kháng virus (ART) để kiềm chế sự phát triển của virus HIV trong cơ thể và làm chậm giai đoạn HIV tiến triển sang AIDS.
Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay tiếp tục nhắc nhở các chính phủ và người dân rằng virus HIV vẫn tồn tại, do đó cần tăng cường nhận thức, nâng cao tuyên truyền giáo dục, chống phân biệt đối xử với người mắc HIV/AIDS, đồng thời tăng nguồn quỹ hỗ trợ chiến dịch chấm dứt đại dịch AIDS.
Chủ đề 'Cộng đồng tạo nên sự khác biệt' là thông điệp về tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy vai trò của cộng đồng trong chiến dịch phòng, chống AIDS ở các cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương.
Các cộng đồng là là trụ cột hỗ trợ quan trọng, thậm chí có thể coi là yếu tố sống còn trong công tác phòng, chống AIDS toàn cầu. Báo cáo mới của Chương trình điều phối Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy tính đến giữa năm 2019, khoảng 24,5 triệu người dương tính với virus HIV được điều trị trên thế giới.
Báo cáo cũng cho thấy số trường hợp mới nhiễm HIV tại miền Đông và Nam châu Phi, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV, đã giảm 28% trong giai đoạn từ năm 2010-2018. UNAIDS đánh giá đóng góp đáng kể cho những kết quả tích cực trên là các cộng đồng sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS như phụ nữ, thanh thiếu niên, người đồng giới, người nghiện ma túy, gái mại dâm…
Các nhóm cộng đồng bao gồm các nhà giáo dục, tư vấn viên, nhân viên y tế cộng đồng, các nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động, những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV đang tạo nên sự khác biệt. Họ vận động các chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp, đặt người dân vào vị trí trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các cộng đồng khắp nơi trên thế giới cũng đang hành động để các chính phủ thay đổi chính sách và người dân từ bỏ tâm lý phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS. Các tổ chức do cộng đồng dẫn đầu giúp những người mắc HIV/AIDS đòi quyền lợi chính đáng và được tiếp cận các dịch vụ xã hội và y tế mà không bị kỳ thị.
Bước chân của các nhóm cộng đồng đã tới những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nhất của châu Phi để phát thuốc cho những bệnh nhân, tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương người và có hành vi nguy cơ cao nhất trước virus HIV… Đặc biệt, mạng lưới những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV trên thế giới giúp bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ điều trị, chăm sóc và phòng ngừa HIV cho những người xung quanh.
Một trong những Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là đến năm 2030 chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, và các cộng đồng đang có vai trò then chốt để đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, các cộng đồng này thường thiếu các nguồn lực cần thiết và thiếu sự ghi nhận xứng đáng.
Cô giáo Đinh Thị Thủy (Hà Nội) giảng dạy cho các em bị nhiễm ''H.'' (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay nêu bật những trở ngại đối với cộng đồng tham gia chương trình chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, như quỹ tài trợ giảm, thách thức về pháp lý, xã hội và chính sách. Do đó, các cộng đồng cần được hỗ trợ về mọi mặt để tiếp tục công tác nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người. Nhu cầu huy động đông đảo sự tham gia của cộng đồng đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và những rào cản ngăn cộng đồng cung cấp các dịch vụ như phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị HIV cần phải được xóa bỏ.
Hơn nữa, các cộng đồng cần đảm bảo AIDS vẫn nằm trong chương trình nghị sự chính trị, các quyền con người được bảo vệ, lực lượng thực thi và các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm. Nói cách khác, toàn xã hội cần đồng hành với các nhóm cộng đồng để cùng hành động.
Thế giới đã đặt ra mục tiêu toàn cầu 90-90-90 trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.
Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Bởi vậy, thừa nhận vai trò của cộng đồng để các chính phủ và người dân hỗ trợ, tạo điều điều kiện thuận lợi cho các tổ chức của cộng đồng hoạt động là yếu tố quyết định để chấm dứt căn bệnh thế kỷ./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!