Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não

Sống khỏe mạnh - 05/12/2024

Bệnh nhân đột quỵ não, khi đã qua giai đoạn nguy kịch đe dọa tính mạng thường bị di chứng liệt, có khi rất nặng nề.

1. Khi bệnh nhân còn nằm tại các bệnh viện

Bệnh nhân đột quỵ não cần tuân thủ các yêu cầu chăm sóc do bệnh viện đề ra, khi có tiên lượng tốt có khả năng ra viện trong những ngày tới. Cần tìm hiểu xin tư vấn của các thầy thuốc về cách chăm sóc sau ra viện, tìm hiểu xin tư vấn của chuyên viên phục hồi chức năng.

Khi ra viện cần phải có hồ sơ tối thiểu cần thiết về bệnh và toa thuốc, các phác đồ điều trị tiếp theo.

2. Chăm sóc bệnh nhân liệt mềm hoàn toàn nửa người

Bệnh nhân tỉnh, ăn phải bón, tiểu, đại tiện không tự chủ, nằm bất động, liệt mềm hoàn toàn một nửa người, tuy có vận động được tay chân bên không liệt. Việc chăm sóc tập trung chủ yếu vào khâu vệ sinh, chèn lót đệm nước, đệm hơi nhằm chống loét, vệ sinh chăm sóc các vết loét, thường xuyên trăn trở lật nghiêng qua lại các bên kể cả bên liệt.

Mục tiêu chăm sóc: Cố gắng tập cho bệnh nhân có thể tự trở mình được, nhằm chống loét, biết gọi người hỗ trợ khi có nhu cầu đi vệ sinh, hoặc tự chủ tiểu tiện và đại tiện.

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não

Cần tuân thủ các yêu cầu chăm sóc người bệnh tai biến mạch mãu não (Ảnh minh họa: Internet)

3. Chăm sóc bệnh nhân liệt cứng nửa người sau đột quỵ não

Bệnh nhân liệt cứng nửa người, tuy trước mắt nằm liệt, nhưng nếu kiên trì tập luyện đúng cách có thể tự ngồi dậy, tự trở mình, hoặc tự đi lại được. Việc chăm sóc ngoài vệ sinh thân thể, chống loét, cần động viên và hướng dẫn bệnh nhân tập dần từng việc một:

+ Tập trở mình sang bên liệt

+ Tập trở mình sang bên lành

+ Tập ngồi dậy trên giường có người hỗ trợ

+ Tập tự ngồi dạy giữ thăng bằng trên giường

Mục tiêu chăm sóc: Phấn đấu động viên bệnh nhân kiên trì tập luyện để có thể tự thực hiện các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như: ăn uống, tiểu - đại tiện...

4. Chăm sóc bệnh nhân liệt nửa người không hoàn toàn

Ở những bệnh nhân này tuy có liệt nửa người nhưng vẫn còn một số cử động ở gốc chi. Do đó, việc chăm sóc cần tập trung vào việc tập luyện để đi lại tự phục vụ hoặc làm việc với sự khiếm khuyết do di chứng đột quỵ.

Sau bước tự ngồi dạy giữ thăng bằng trên giường, cần tập sớm cho bệnh nhân tập đi lại có sự hỗ trợ của người nhà hoặc chuyên viên phục hồi chức năng.

+ Tập đứng dây, tập đi lại trong hai thanh song song, tập đi ngoài thanh song song

+ Tập đi sau xe lăn

+ Tập đi không có dụng cụ hỗ trợ

Mục tiêu chăm sóc: Động viên tạo điều kiện để bệnh nhân tập luyện để đi lại được không cần dụng cụ hỗ trợ và tập các chức năng vận động làm việc khác.

BS: Đỗ Hữu Thành

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!